Ông chẳng bà chuộc

Nhiều cặp vợ chồng vì trái ngược quan điểm sống, muốn khẳng định quyền uy hay chứng tỏ cái tôi nên hay bất đồng, dẫn đến tình trạng thường xuyên “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, phá vỡ “nguyên tắc vàng” của một gia đình đầm ấm là vợ chồng đồng thuận.

 
Ông chẳng bà chuộc  - 1


Tôi, anh và chúng ta

 

Khi bạn bè biết anh Phùng Ngọc Tuấn (kỹ sư xây dựng, ở Q.2, TPHCM) yêu chị Lê Thị Minh Sương (một nhân viên tư vấn mỹ phẩm), ai cũng mừng cho họ. Vì anh Tuấn mạnh mẽ, quyết đoán; chị Sương nhu mì, hiền thục; “hai tính cách ấy chắc chắn sẽ bổ sung cho nhau” - bạn bè nhận định như vậy.

 

Quả thật, đôi vợ chồng ấy đã sống êm đềm bên nhau và lần lượt cho ra đời cu King rồi bé Nuna. Chị Sương luôn dịu dàng lắng nghe và làm theo mọi ý kiến của chồng. Không ít lần anh Tuấn cũng nóng nảy quát tháo, ra lệnh cho vợ nhưng chị Sương vẫn nín nhịn làm theo, dù trong lòng cũng ấm ức.

 

Được vợ nhường nhịn mãi, tính gia trưởng của anh Tuấn ngày càng “leo thang”. Một lời anh ban ra, vợ con phải răm rắp làm theo, cấm có cãi. Tuy nhiên, nhiều điều anh nói “vô lý đùng đùng” nên hiền lành đến mấy, chị Sương cũng không thể nhịn mãi được. Đỉnh điểm là việc anh luôn đòi hỏi chị phải quan tâm đến gia đình bên chồng, còn ba mẹ chị thì anh không hề đếm xỉa gì. Tủi thân, chị rụt rè xin anh quan tâm đến gia đình mình một chút để rồi sau đó phải tấm tức khóc vì bị mắng té tát: “Ba mẹ tôi già rồi cần được con cháu chăm sóc, lo lắng; ba mẹ cô còn trẻ, việc gì phải lo!”.

 

Nghe bạn bè “bày mưu”, chị đổi chiến thuật, lựa lúc anh vui vẻ, khẽ khàng góp ý về tính độc đoán của chồng, nhưng anh vẫn chứng nào tật ấy. Thấy không thể tìm được tiếng nói chung với chồng, chị chuyển sang chiến thuật mới: phản ứng ngầm. Anh nói gì mặc anh, chị làm theo ý chị, mệnh đề “chúng ta” như không còn chỗ đứng trong cái gia đình “êm đềm” ấy nữa, chỉ còn lại “tôi - anh” và sự bất an của hai đứa trẻ khi thấy mẹ “lầm lì” đối đầu với ba “gầm gừ”.

 

Bản song ca lạc điệu

 

Vợ có bằng dược sĩ, chồng chỉ tốt nghiệp trung cấp y tế. Vợ chồng mở hiệu thuốc tại gia nên mỗi lần anh Minh (Q.Tân Bình, TPHCM) bán thuốc cho khách là chị Lan - vợ anh lại săm soi, xét nét: “Sao anh bán thuốc đó, nhẹ đô vậy làm sao hết bệnh?”; “Anh đứng tránh ra, lấy thuốc theo chỉ dẫn của em nè, lộn xộn quá đi”… Tôn trọng chuyên môn của vợ, ban đầu anh Minh cũng nhịn cho qua. Được thể, chị ngày càng lấn tới, thậm chí la mắng chồng trước mặt khách khiến những lúc đó, anh chỉ muốn chui xuống gầm tủ. Nhiều lần vì sĩ diện làm chồng, anh mắng lại vợ, chị dấm dẳng: “Anh thì biết gì về thuốc mà nói!”. Thế là những trận võ mồm theo nhau nổ ra, chỉ vì không ai chịu ai. “Bả ỷ bằng cấp cao hơn tôi nên cái gì cũng chê bai chồng”. Nhiều khi tức còn hơn bị “bò đá”, anh Minh than thở với bạn bè.

 

Biết mình không có kiến thức bằng vợ, anh ráng tìm tài liệu học thêm, dần dà anh còn cập nhật thông tin nhiều hơn vợ. Thế nhưng, chị Lan vẫn cứ cái đà cũ, không chỉ luôn muốn thể hiện cái tôi, coi thường chồng, mà còn tỏ ra thích khiêu chiến. Lần đó, anh Minh bán thuốc viêm họng cho một bà cụ, đang dặn bà phải uống thuốc đúng liều, ăn uống cần kiêng thịt bò, tôm, cua, cá biển… chưa dứt lời chị chen vào: “Bà đừng quá câu nệ lời dặn của ảnh. Già rồi, thích ăn gì, uống gì cứ thoải mái”. Bà cụ ngơ ngác hết nhìn chồng lại ngó vợ. Rồi chẳng biết nghĩ sao, bà bỏ lại gói thuốc, quay lưng đi thẳng, sau khi lẩm bẩm mắng: “Đúng là lang băm!”. Hết chịu nổi, anh tuyên bố: “Cô làm tôi mất hết uy tín với khách hàng. Giỏi thì từ nay cô lo mà bán một mình đi”.

 

Anh Minh chị Lan là một điển hình cho sự “chọi nhau” về tính cách: Chị hiếu thắng, tự cao, trong khi anh rất ngang bướng; họ cũng “lệch pha” về trình độ học vấn, kiến thức chuyên môn. Không lắng nghe, chia sẻ, mà cứ luôn tìm cách khẳng định bản thân, đôi vợ chồng này tuy đang cùng song ca nhưng lại… lạc điệu khiến bản nhạc hôn nhân cứ lệch tông, trật nhịp, sai bè…

 

Điều chỉnh để hòa đồng

 

Biết mình hay lý sự, cãi bướng dù chỉ là chuyện nhỏ như cái móng tay, nên khi anh Bình ngỏ lời yêu, chị Thu Hương (Q.Bình Thạnh, TPHCM) thẳng thắn: “Liệu anh có chấp nhận được tính cách đó của em? Nó sẽ khiến anh khó chịu đấy”. Anh Bình cười xòa: “Rồi em xem. Anh sẽ có cách trị”. “Biệt dược” của anh không có gì cao siêu, mà chỉ “đơn giản” là mỗi khi chị bắt đầu cao giọng định tranh cãi, anh lại ôm lấy vợ, hôn vào cái miệng đang bắt đầu... nhọn lên và trêu ghẹo, thế là mọi lý lẽ của chị tan biến, “cuộc chiến” chưa kịp được khơi mào đã tan biến.

 

Chia sẻ với bạn bè, anh Bình nói: “Đâu cần phải lên gân, khi vợ chồng sống với nhau là để yêu thương. Độ lượng là điều chính đàn ông chúng ta cần làm gương trước, đừng đòi hỏi phụ nữ phải chiều chuộng mình nếu người chồng không làm được điều đó”. Chị Hương giờ cũng đằm tính hơn xưa vì: “Tính hài hước và sự bao dung, cởi mở của anh ấy khiến tôi phải điều chỉnh mình. Điều đó không có nghĩa là tôi đánh mất bản thân, mà chỉ để hòa hợp với chồng. Tại sao cứ phải đấu khẩu khi chúng tôi có thể tranh luận với sự tôn trọng, yêu thương trong không khí hòa thuận?”, chị Hương nói như khoe, giọng đầy tự hào.

 

Vợ chồng anh Hùng, giám đốc một công ty kinh doanh hoa ở Đà Lạt, cũng chỉ có một bí quyết “rất thường tình, ai cũng biết” để vợ chồng hòa hợp là lắng nghe và nhường nhịn. Bất cứ việc gì, dù lớn hay nhỏ, vợ chồng anh đều trao đổi với nhau để cùng tìm hướng giải quyết. Người này nóng nảy, người kia nhẹ nhàng xoa dịu để tránh chiến tranh có thể bùng nổ. “Không phải ngay từ khi lấy nhau chúng tôi đã tâm đầu ý hợp. Vợ tôi vốn thích “đấu võ mồm”, hay xét nét, bắt lỗi từng ly từng tí nên lúc trước cuộc sống gia đình lúc nào cũng căng như dây đàn. Được cái cô ấy lại “hảo ngọt”, nếu nhẹ nhàng giải thích thì cũng chịu lắng nghe. Tôi “lợi dụng” điểm yếu đó để “tấn công”, riết rồi cô ấy thay đổi lúc nào không biết. Tôi nghiệm ra một điều, việc vợ chồng cãi cọ có sức tàn phá khủng khiếp quan hệ hôn nhân. Ban đầu, có thể chỉ là một việc nhỏ xíu, không đáng gì, nhưng chỉ trong tích tắc, người ta sẽ quay sang bắt lỗi nhau từ cử chỉ, giọng điệu, câu chữ… và theo đó, còn có thể lật lại chuyện đời xưa; bắt lỗi, chê trách những lỗi lầm đã… xa lắc. Một mâu thuẫn sẽ chỉ trong một thoáng, mọi chuyện trở nên hết sức nặng nề, chỉ vì không ai chịu ai”, anh Hùng chia sẻ.

 

Có người cho rằng, đừng sợ chuyện khắc khẩu hay bất đồng quan điểm trong đời sống hôn nhân, vì nó sẽ làm cho cuộc sống hôn nhân thêm đậm đà, thú vị. Điều đó chỉ đúng nếu người trong cuộc ý thức được rằng, giao tiếp tích cực là yếu tố mang tính xây dựng hết sức quan trọng. Lắng nghe để hiểu được mong muốn, cảm xúc và tìm cách đáp ứng nhu cầu của nhau sẽ giúp vợ chồng tránh được những cuộc đấu khẩu mà ai thắng, ai thua cũng đều gây ra nhiều thương tổn tinh thần, tình cảm cho nhau.

 

Trong một buổi tọa đàm về hôn nhân gia đình, luật sư Phạm Lĩnh Sơn, Phó văn phòng Trợ giúp pháp lý phụ nữ số 6 - Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp, cho rằng, câu “môn đăng hộ đối” của người xưa phải cần hiểu theo nghĩa: khi yêu nhau và kết hôn, hai cá thể dù độc lập về cá tính nhưng rất cần sự tương đồng, hòa hợp về môi trường giáo dục, văn hóa, quan điểm sống, bởi nó giúp vợ chồng dễ đồng cảm, chia sẻ với nhau hơn. Hiểu theo nghĩa ấy thì “môn đăng hộ đối” là rất cần thiết để xây dựng một gia đình hạnh phúc.

 

Theo Tố Phương

PNO