Ở rể, cười ra nước mắt

(Dân trí) - Hoàng vừa đi làm về, mẹ vợ anh đã ngồi sẵn cửa tuyên bố: “Mẹ vừa dọn lại căn phòng trên tầng ba, từ nay con ngủ trên đó. Vợ con bầu bí rồi, hai đứa không nên... chung đụng”.

Nghe tin được làm bố, lại nhận thêm “quyết định” mới của bà mẹ vợ, Hoàng muốn cười nhưng không nhếch môi nổi. Từ khi cưới Linh và chấp nhận sống cùng bố mẹ vợ, anh chưa có nổi một ngày tự do.

 

Mất vị thế làm chồng

 

Hoàng là trai tỉnh lẻ, còn Linh, gái Hà Nội, bố mẹ lại có căn nhà bốn tầng to bự trên phố Thái Hà nên khi Hoàng yêu rồi cưới Linh, nhiều người nói anh “bắt được vàng”.

 

Hoàng cũng chẳng thích thú gì với việc ở rể. Với mức thu nhập nghề kỹ sư xây dựng của anh, hai vợ chồng chung vai tích góp chắc vài năm cũng mua được căn hộ chung cư bậc trung, nhưng Linh nhất quyết không chịu, một mực lôi chồng về ở rể. Yêu Linh, Hoàng cũng không còn lựa chọn nào khác.

 

Riêng việc làm quen với sinh hoạt gia đình vợ, Hoàng đã mất cả mấy tháng trời dưới sự chỉ bảo từng ly từng tý của… bà nhạc mẫu. Được mẹ lo mọi thứ nên Linh mặc kệ, giao toàn quyền cho mẹ “dạy chồng”.

 

Sống ở nhà vợ, Hoàng chẳng khác nào tù giam lỏng. Anh ít khi dám đi quán với bạn bè vì về muộn là bị mẹ vợ nhắc, tan làm về mệt cũng phải quanh quẩn ở bếp xem mẹ và vợ nấu ăn, chỉ cần đi nằm thôi sẽ bị mẹ vợ “gõ cửa”.

 

Nhiều lúc bực mình nhưng Hoàng chẳng dám nặng lời một câu với vợ, vì có chuyện gì là vợ lại mếu máo đi mách mẹ. Con gái làm gì sai mẹ vợ anh không góp ý, còn “đỡ đạn”: “Tính nó thế, anh phải nhẹ nhàng đừng có làm nó sợ. Con gái người ta giận chồng còn có nhà mẹ đẻ mà bỏ về chứ nó biết bỏ đi đâu?”.

 

Gia đình của mình thật đấy nhưng Hoàng chẳng có tý “quyền đàn ông” nào, việc gì vợ anh cũng tham khảo ý kiến bố mẹ thay vì hỏi chồng. Đến cả chuyện lúc nào Linh mang thai thì hợp lý cũng do mẹ vợ chọn, tin vui làm bố của anh cũng do mẹ vợ thông báo nốt!

 

“Phận” ở rể của Tuấn còn thê thảm hơn nhiều. Vợ là phóng viên, suốt ngày đi công tác nên để mình anh sống với bố mẹ. Trước khi cưới, hai bên đã trục trặc vì việc anh phản đối ở nhà vợ, mẹ vợ vì thế vẫn còn ấm ức lắm. Con gái ở nhà thì bà bình thường, thậm chí tỏ ra “yêu rể hơn con gái”. Nhưng cô đi công tác là bà trở mặt ngay.

 

Bà không hỏi han gì con rể, xem anh như người trọ trong nhà, anh có hỏi gì bà chỉ ậm ừ cho qua. Khổ nhất là khi nấu ăn, bà không ngừng than thở “tôi phải hầu anh”, nhưng anh động tay vào bà lại không cho.

 

Nhiều hôm anh đi làm về, bếp cứ nguội teo. Không nấu ăn mẹ vợ cũng không báo một câu. Bỏ ra quán cơm bụi thì chẳng đẹp mắt tý nào, anh lại cười xòa: “May quá, chiều nay sếp chiêu đãi nhanh bữa tối cho nhân viên” rồi đành ôm cái dạ dày sôi ùng ục lên giường đi ngủ.

 

Khác với Hoàng và Tuấn, Quân rất được nhà vợ yêu chiều nhưng trong lòng không lấy gì làm vui vẻ.

 

Chỉ được một cô con gái “nâng như trứng” nên ông bà hiểu rõ là phải lấy lòng chàng rể. Nhưng cách lấy lòng ấy hơi quá mức. Mọi chi tiêu trong nhà, ông bà không cho vợ chồng Quân đóng góp, anh đưa đồng nào mẹ vợ lại trả: “Con cứ cầm mà tiêu”.

 

Còn ông bố vợ, từ xưa đến nay rất lười vận động nhưng biết con rể hay chạy thể dục buổi sáng cũng dậy tập cùng cho vui.

 

Rồi việc gì của vợ chồng Quân họ cũng xen vào “giúp”. Nói chẳng ngoa, ngay đến cái “áo mưa” anh sử dụng cũng do… mẹ vợ mua, vì lo “vợ chồng chúng nó mua phải đồ dỏm làm ảnh hưởng đến con gái”.

 

Cần lắm vai trò của vợ

 

“Vuốt mặt phải nể mũi”, khi ở rể người đàn ông ít nhiều mất quyền làm chồng, nhất là khi vợ không biết cách chia sẻ, thông cảm, còn a dua, đành hanh thì hạnh phúc gia đình rất dễ đổ vỡ.

 

Cãi cọ với chồng, Linh lập tức gọi mẹ lên phòng “giải quyết giúp con”. Không cần biết đúng sai thế nào, mẹ vợ Hoàng mắng anh sa sả. Bà nói anh đã phận “ăn nhờ ở đậu” còn không biết điều.

 

Hoàng tức giận xuống tầng dắt xe ra khỏi nhà. Trong cơn nóng giận, Linh thách thức: “Có giỏi thì anh đi luôn đi, đừng bước về căn nhà này nữa. Không có căn nhà này xem anh làm nổi cái gì”.

 

Mấy hôm sau, mẹ con Linh chết điếng người khi Hoàng đến mang theo tờ giấy li hôn. Sự hối hận của hai mẹ con đều đã muộn. Đứa con trong bụng Linh chưa chào đời mà vợ chồng cô đã mỗi người một nẻo.

 

Sợ cảnh mỗi lúc vợ đi công tác lại bị mẹ vợ o ép, Tuấn đòi ra ở riêng nhưng vợ không chịu, cho rằng anh lắm chuyện, đổ tiếng xấu cho mẹ trong khi mẹ chăm lo cho như thế. Thuyết phục vợ không xong, Tuấn chỉ còn đường ly thân. Anh ra ngoài thuê một căn hộ chung cư chờ vợ thay đổi quyết định...

 

Quân may mắn khi có một người vợ hiểu được “điều khó nói” của chồng. Biết chồng không thể chịu nổi cách quan tâm thái quá của bố mẹ mình, còn ông bà cũng khó mà thay đổi nên khi Quân lên tiếng muốn ở riêng, vợ anh rất ủng hộ.

Phần hai cụ, thấy con gái quyết tâm cũng chẳng còn lý do gì để phản đối. Họ góp thêm để vợ chồng Quân mua một căn hộ chung cư rồi an ủi: “Bố mẹ chẳng có nhiều, xem như đây là của hồi môn bố mẹ cho hai đứa”. 

 

Hoài Nam