Nuông chiều, hỏng con
(Dân trí) - Yêu thương con không có nghĩa là nuông chiều quá mức. Chiều quá, con bạn sẽ được đà “lấn sân” và vô tình trở thành "ông tướng" trong gia đình. Như vậy, bạn không phải yêu thương mà đang làm hỏng chúng.
Tôi rất ngạc nhiên khi gặp trong siêu thị một người phụ nữ đi sắm đồ cùng với cậu con trai chừng 8 tuổi của mình. Tôi và mọi người xung quanh rất ngạc nhiên khi nghe cậu bé ra lệnh một cách hùng hồn “Mẹ, tối nay ăn cá sốt”, “Mẹ, mua gói mì nui này”.
Người phụ nữ tỏ vẻ ngại ngùng, xấu hổ với mọi người, chị quay mặt đi. Nhưng dường như chỉ chờ có vậy, thằng bé lại càng được thể, nó hét to hơn trước.
Từ những yêu cầu, đòi hỏi trong nhà
Các bé đều có thể nắm quyền “chuyên chế” trong nhà, nhưng thường là các bé trai và nhất là các cô cậucon một, con nuôi hay con hiếm muộn.
Được chăm chút, cưng chiều và nịnh nọt quá mức, trẻ vì thế sống trong thế giới của sự “hoang tưởng”. Trẻ hay tạo cho mình thói quen “muốn gì được nấy”, không có ai dám phản đối lại ý thích của mình.
Nhiều cuộc điều tra về xã hội khẳng định, các bà mẹ phải đón nhận tính hung hăng, sự bực dọc hoặc thói hay gây gổ của những cô cậu “bạo chúa” trong nhà. Thống kê con số này tại Pháp là 3-4%, tại Đức là 7% và tại Trung Quốc là 11%.
Khi nói về chuyện này, Chị Hà (khu tập thể 30-4, Đại Kim, HN) kể: “Ngay từ khi còn nhỏ, mỗi khi nghe con khóc, vợ chồng tôi thương con đến đứt ruột liền cho con vào ở cùng. Và đến bây giờ, khi cu Đức nhà tôi đã 3 tuổi, cháu vẫn ngủ chung với bố mẹ.
3h sáng, cháu tỉnh dậy kêu đói và đòi ăn mỳ tôm, ăn xong mỳ tôm thì đòi ăn bánh ga tô, ăn xong bánh ga tô thì đòi nghe đọc truyện cổ tích. Nếu không chiều theo ý của Đức, cu cậu sẽ lăn ra nhà và gào khóc làm cả nhà lẫn hàng xóm mất ngủ”.
Theo các nhà tâm lý học thì việc không bao giờ từ chối con cái của bố mẹ dễ làm cho chúng trở thành “tinh tướng” trong nhà. Mỗi lần đòi hỏi điều gì đó mà đều được bố mẹ đáp ứng, chúng lại được đà lấn tới trong những lần sau, và đòi hỏi đó càng trở nên quá đáng. Cứ như vậy, trẻ con rơi vào vòng xoáy: đòi hỏi - yêu cầu - đòi hỏi...
Đến những “ông tướng” ngoài xã hội
Thực tế cho thấy: trẻ hay đòi hỏi hoặc là “ông tướng trong nhà” lớn lên rất khó trở thành người thành đạt trong xã hội. Điều đó không phi lý chút nào. Sai khiến và muốn làm theo ý mình sẽ hình thành cái tôi to lớn, ích kỷ và khó chấp nhận thất bại, trẻ sống cô lập trong thế giới của riêng mình.
Thậm chí, có những trẻ còn rơi vào trạng thái trầm cảm và là nạn nhân của các tệ nạn xã hội như đua đòi, nghiện ngập. Vì vậy, để cứu con bạn không còn cách nào khác là phải dạy dỗ ngay từ khi còn nhỏ. Vợ chồng phải cùng thống nhất cách nuôi dạy con, không nên để xảy ra tình trạng “bố mắng, mẹ bênh, con khóc lóc”. Nếu như còn diễn ra điều đó thì việc dạy con của bạn sẽ không bao giờ thành công, con bạn vẫn là một “ông trời con” ở trong nhà mình.
Chị Hạnh (khu tập thể Nghĩa Tân) nói: “Mỗi lần bé Hưng nhà tôi đòi cái gì không được, bé đều lăn ra sàn nhà và gào khóc. Không chỉ có thế, bé còn vứt hết sách vở, đồ dùng của tôi trên bàn xuống đất”.
Những lúc như vậy, bạn đừng chần chừ dùng đến “biện pháp mạnh”, bởi không phải lúc nào roi vọt cũng bị lên án. Bạn cũng mặc kệ bé, đừng dỗ dành bởi sau một vài lần, trẻ sẽ không dám tái diễn lại hành động đó. Bạn sẽ thấy được dấu hiệu khả quan.
Trước khi đồng ý điều gì, nên đưa ra điều kiện nào đó, ví dụ như: “Mẹ đồng ý cho con xem TV nếu con làm xong bài tập ở lớp trước”. Trong một vài lần đầu, con bạn sẽ khó chịu với sự cho phép đó.
Nếu bé có ý phản đối, bạn cũng không vì thương con mà “nhân nhượng” với bé điều kiện kia. Mỗi lần con phản đối, bạn cũng không nên tranh cãi mà hãy kiên nhẫn giải thích cho con biết quyết định của mình. Thành công sẽ mỉm cười với bạn.
Phương Minh