Nước mắt người lính
(Dân trí) - Những ngày mưa, người cựu chiến binh công an vũ trang (nay là bộ đội biên phòng) trở về từ chiến trường Camphuchia vẫn ngồi bên cửa sổ, mắt nhìn về hướng xa xăm. Và ông khóc. Nước mắt không chảy ra mà thấm ngược vào trong..
Cuộc "hội ngộ" của những người lính
Các con ông vẫn không hiểu sao cha mình thường trở nên khác lạ như vậy vào những ngày mưa? Chỉ có vợ ông là hiểu tất cả. Bà thường khuyên các con, cứ để ông khóc trong những ngày mưa như vậy cho nhẹ lòng. Ông khóc vì nhớ thương những đồng đội mãi mãi không bao giờ trở về sau cuộc chiến. Qua câu chuyện của mẹ, các con ông bắt đầu hiểu nỗi đau của những người lính trải qua chiến tranh.
Năm 1972, khi mới 17 tuổi, ông viết huyết tâm thư xin nhập ngũ. Ông phải dấu đá vào người cho đủ cân nặng để được vào bộ đội. Trải qua huấn luyện, chàng thanh niên ấy được biên chế vào một đơn vị trực tiếp chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị.
Hòa bình lập lại, ông được cử đi học, trở thành sỹ quan biên phòng. Tháng 2/1979, ông là một trong những sỹ quan biên phòng nằm trong đoàn quân tình nguyện sang giúp nước bạn chốt chặn biên giới Camphuchia – Thái Lan, tiêu diệt tàn quân Pôn Pốt, đưa nhân dân từ rừng núi trở lại đồng bằng xây dựng cuộc sống mới. Ông gắn bó với nhân dân, đất nước bạn cho mãi đến năm 1989 mới được trở về quê hương đoàn tụ với gia đình.
Thời gian 10 năm trên chiến trường Camphuchia đã khắc vào tim ông những hình ảnh, nỗi đau không bao giờ nguôi ngoai. Đó là những ngày kề vai sát cánh bên đồng đội chốt chặn ở những điểm cao giữa rừng thiêng, nước độc nước bạn. Đó là những trận đánh mở đường máu giữa ổ phục kích của quân Pôn Pốt. Đó là những cơn đói đến lả người, những trận sốt rét ác tính sốt li bì mà người run lên từng chặp… Với ông tất cả như mới hôm qua.
Nhiều lần ông tận mắt chứng kiến đồng đội hi sinh vì trúng đạn, trúng bãi mìn của địch. Tấm lưng nhỏ bé của ông đã không ít lần cõng xác đồng đội, đôi tay ấy đã không ít lần phải đào huyệt chôn cất người mà chỉ tối qua thôi, còn nằm với ông thủ thỉ chuyện quê nhà.
Trở về với cuộc sống đời thường với bao khó khăn nhưng ông thường nói với vợ con đời ông thế đã là may mắn, hạnh phúc hơn bao nhiêu đồng đội đã ngã xuống. Ông vẫn cùng bà bám ruộng đồng để lo cho các con ăn học nên người. Giờ đây khi tuổi đã cao, ông vẫn gồng mình để chăm sóc đứa con chẳng may bệnh tật. Vợ ông nói rằng, có lúc ông muốn buông xuôi tất cả nhưng lại nhớ đến đồng đội đã hi sinh nên lại đứng dậy mạnh mẽ.
Ông thường trách mình vì nghèo quá nên sinh hèn, không biết đồng đội năm xưa nay trở về sống ra sao? Những người ngã xuống ở các cao điểm, ở trong rừng sâu đã được về đoàn tụ với gia đình hay vẫn nằm lại bên kia biên giới? Ở đó, dưới tán lá rừng trong cơn mưa rả rích, chúng nó chắc buồn lắm? Và ông khóc. Nước mắt không chảy ra mà thấm ngược vào trong, chỉ thấy khuôn mặt ông đanh lại, đôi vai gồng lên rung rung đỡ mái đầu bạc đang rũ xuống…
Những đứa con giờ đã hiểu nỗi lòng của cha, chúng thường cố gắng về thăm ông vào những ngày mưa. Khi đó, ông lại kể các con nghe về những năm tháng cùng đồng đội chiến đấu tiêu diệt bọn Pôn Pốt, giúp nhân dân nước bạn tránh khỏi chế độ diệt chủng. Ông nhìn lên những vết thương trên cơ thể, rồi nhắc tên những đồng đội đã hi sinh mà nước mắt vẫn nhòe nơi khóe mắt.
Kết thúc câu chuyện, bao giờ ông cũng dặn các con phải sống sao cho đáng, có ích cho đất nước, xã hội để không xấu hổ với những người đã ngã xuống. Các con ông vẫn thầm nói với nhau, sẽ cố gắng để không làm cha buồn!
Viết Lam