Nói với con về quê hương của mẹ
(Dân trí) - Nằm ru con "à ơi...mô rú mô ri mô nỏ chộ, mô rào mô bể chộ mô mồ"... Tự nhiên khựng lại một chút bất chợt thấy nhớ quê, nhớ miền Trung yêu dấu.
Nằm nghe đài báo mưa lũ tràn về mà lòng đau đáu khôn nguôi. Thương... Thương không diễn tả hết thành lời.
Nói đến miền Trung người ta hay hay nhắc đến hình ảnh đất nước ta như một người gánh thóc,mà hai đầu là hai thúng thóc đầy. Còn ở giữa là chiếc đòn gánh. Miền Trung là chiếc đòn gánh oằn vai tảo tần một nắng hai sương của đất nước, mà người ta hay nói "khúc ruột miền Trung".
Tôi là người con của xứ Nghệ, tuy xa quê đã lâu nhưng tiếng nói vẫn còn nặng lắm, vẫn "răng ri mô rứa".... Tới nỗi con gái của tôi sinh ở Sài Gòn vẫn "lai lái" giọng Nghệ An "mẹ ơi, ở mô"...
Sau này con lớn lên ký ức tuổi thơ sẽ không giống như của ba mẹ, vì con ở thành phố. Con sẽ không biết được mò cua bắt cá thời của ba, con không biết được sự hi sinh vất vả của mẹ, của bà, của ông...
Tuổi thơ của mẹ là thả diều dưới cánh đồng lúa trải dài mênh mông, được nghe bà ngoại đưa võng những buổi trưa hè kể câu chuyện cổ tích, đó là tuổi thơ có cỏ cây, bầu trời, tiếng cười trong veo, đất bùn lấm lem, những bài học từ cuộc sống và bao câu hỏi tại sao.
Thế nên mẹ sẽ ru con những vần điệu dân ca xứ Nghệ vào tiềm thức của con. Để sau này lớn lên con sẽ tự hào vì quê hương của mình là miền Trung là xứ Nghệ Ân tình.
Con biết không những làn điệu dân ca xứ Nghệ mẹ hay hát con nghe tuy không mượt mà, bay bổng nhưng mộc mạc, chân chất, không kém phần sâu lắng, thiết tha như khí chất của con người nơi đây. Sau này hãy hát cho con của con nghe, kể cho các bạn của con nghe về những câu ca ấy con nhé. Hãy nói bằng giọng đầy tự hào nơi quê hương đất tổ vì những làn điệu ấy đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại.
Nghệ An nổi tiếng là vùng đất địa linh nhân kiệt, là "thành đồng ao nóng". Con sẽ được học, được kể về bác Hồ kính yêu,và rất nhiều nhân vật lịch sử khác nữa.
Con biết không, người dân quê mình quanh năm quần quật với nắng - gió - bão - lũ của đất trời. Mùa hè nắng đến gay gắt, mùa đông lạnh đến buốt thịt da, mùa mưa nước ngập xóm, ngập làng. Không có năm nào mà người miền Trung không phải hứng chịu những cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Cuộc sống mưu sinh đầy gian khó mang lại nhiều nỗi vất vả nhưng lại rèn luyện cho người miền Trung sự bền bỉ và chịu thương chịu khó. Chính vì vậy mà con người nơi đây luôn mang trong mình tính siêng năng cần cù. Con cũng đừng quên cách sống chịu thương chịu khó của người xứ Nghệ. Con thấy đấy, tuổi trẻ bây giờ sướng rất sướng, báo chí,dư luận đề cập rất nhiều rằng giới trẻ bây giờ chỉ biết sống hưởng thụ hay than vãn. Nhưng con đừng như vậy con nhé, hãy mạnh mẽ, hãy đọc thật nhiều sách. Hãy sống tử tế. Thậm chí hãy đọc về tính chịu thương chịu khó của con người xứ Nghệ.
Con ơi, những món ăn hàng ngày mẹ nấu vẫn đậm chất quê, vì ba con không thích ăn hàng quán, ba thích ăn cái vị của xứ Nghệ. Nên đừng quên con nhé. Là nhút Thanh Chương, là tương Nam Đàn. Mặn mà, nhưng ngon.
Mẹ sẽ kể con nghe về dòng sông Lam hiền hòa yêu dấu mà hàng ngày mẹ vẫn hay hát “Quá nửa đời phiêu dạt, con lại về úp mặt vào sông quê/ Ơi con sông dạt dào như lòng mẹ, chở che con đi qua chớp bể mưa nguồn/ Từng hạt phù sa có tháng ba rồi tháng bảy/ Từng vị heo may trên má em hồng”. Đó không còn đơn thuần là một dòng sông, mà còn là dòng “trầm tích” văn hóa của quê hương xứ Nghệ.
Mẹ yêu quê hương mình như yêu con của mẹ. Thế nên tết này con sẽ được đón Tết Cổ truyền ở Nghệ An, con sẽ thấy được tình làng nghĩa xóm ở quê. Con sẽ được bà nội kể về cây nêu ngày tết. Con sẽ được thấy con đường làng ngoằn ngoèo mà hồi nhỏ là cả một bầu trời tuổi thơ của mẹ...
Quê hương của mẹ, ấm áp lắm, ngọt ngào lắm. Thầm nguyện ước cho mảnh đất đó sẽ mãi phát triển phồn thịnh hơn, đừng thiên tai, đừng ngập lũ nữa...