Nỗi niềm chung bếp, riêng cơm
Vừa cưới vợ cho con trai út tháng trước, tháng sau bà Tam đã thông báo quyết định ăn riêng. Đôi trẻ ngỡ ngàng vì cả hai đi làm từ sáng đến tối mới về, có mỗi bữa cơm chung với bố mẹ cho vui, giờ lại "ra riêng" như thế…
Cho thoát "bao cấp"
Cô con dâu út thỏ thẻ xin được ăn chung cùng bố mẹ cho tình cảm. Cô cũng viện lý do "trong nhà chỉ có bố mẹ và hai vợ chồng con chứ có đông đúc gì cho cam mà căn bếp lại tự dưng người nấu trước người nấu sau. Ai không hiểu lại bảo gia đình sống không hòa thuận, con dâu hỗn láo hay sao mà mẹ chồng ghét bỏ cho ăn riêng". Mặc cho cô con dâu mới viện đủ lý do, bà Tam vẫn giữ quyết định ăn riêng của mình.
- Chẳng phải mình ghét bỏ gì chúng nó nhưng cho ăn riêng vừa tốt cho chúng lại ổn cho mình. Có ăn riêng chúng nó mới tự lập, ăn chung rồi chúng ỷ lại.
Hóa ra cái sự ổn của bà Tam được đúc rút từ quãng thời gian sống cùng với hai cô con dâu trước. Nhà bà vốn có ba người con trai. Trước khi có tiền mua được cho hai người con trai lớn hai chỗ ở nho nhỏ, ông bà đều đã sống chung với mỗi cặp chừng 5-6 năm. Thời gian đó ông bà cũng nghĩ cả hai đều đã nghỉ hưu, ở nhà trông nom cháu chắt rồi giúp con cái chuyện cơm nước cũng là lẽ thường tình. Thế nhưng các cô con dâu đều ỷ lại bố mẹ chồng, viện cớ đi làm lương thấp chỉ đủ tiền sữa và thuốc men cho con nhỏ, bỏ mặc cho ông bà lo tất chuyện cơm gạo, điện nước hàng ngày, hoặc có đóng góp thì cũng chỉ là lấy lệ, chẳng thấm tháp gì.
- Thỉnh thoảng tôi cũng nửa đùa nửa thật bảo hai thân già về hưu lại phải bao cấp cho người sức dài vai rộng. Chúng nó chẳng ngần ngại bảo lương hưu cấp đại tá của ông rồi lương chuyên viên cao cấp của bà một tháng ngót nghét gần chục triệu bạc ăn tiêu không hết thì chẳng giúp đỡ con cháu thì giúp đỡ ai. Hóa chúng nó nhìn vào đó rồi ỷ lại tất cả cho bố mẹ. Hôm trước đưa vài ba trăm cho mẹ bảo là góp đỡ tiền ăn nhưng hôm sau lại xui con sang xin tiền đóng học, mua sữa.
Thương con thương cháu chẳng ai nỡ tính toán gì. Tôi cũng bảo thôi thì khoản ăn uống bố mẹ giúp, các con có đồng nào tiết kiệm lại sau này góp vào mua nhà mua cửa. Mấy năm trời mình còm cõi bao cấp chúng nó thế đến ngày em út lập gia đình nói chuyện mua nhà cho ra ở riêng cũng không có lấy một đồng. Hóa ra được bố mẹ bao cấp cho rồi chúng nó cứ việc chi tiêu hoang phí, chẳng có kế hoạch gì. Bất đắc dĩ tôi mới quyết định cho chúng nó ăn riêng, không chu cấp cho một đồng nào nữa.
Bà Tam cũng cho biết, ngày bà quyết định cho vợ chồng con trai cả ăn riêng, các con bà cũng mặt nặng với bà phải biết. Đi đâu bà cũng nghe lời bóng gió của con dâu rằng ông bà có tiền nhưng bủn xỉn, chỉ muốn ăn riêng cho sung sướng không muốn đỡ đần cho con cái chút nào. Bà mặc kệ, cứ đến bữa bà đi chợ nấu nướng sớm rồi hai vợ chồng ăn trước. Con dâu về sau nấu nướng thế nào tùy thích.
Quả như bà dự đoán, sau một thời gian đầu có khó khăn một chút nhưng vợ chồng anh con trai cũng biết tự lập dần và có vẻ thoải mái hơn với việc ăn riêng. Cứ thế đến con dâu thứ hai, ông bà cũng đỡ đần cho vài năm đầu rồi cho ăn riêng luôn. Đến cô con dâu út, bà cho cơm riêng ngay từ đầu. Một bếp hai nồi, đến tháng tiền điện, nước, ga… bà đều chia đôi. Thấy mẹ chồng hơi rắn lại khá rạch ròi nên các cô con dâu cũng chờn, chẳng dám kêu ca hay ỷ lại như trước mà tự hoạch toán lại chi tiêu cho phù hợp với đồng lương của mình. Gần mười lăm năm làm mẹ chồng, bà Tam bảo chính sách ăn riêng của bà tuy mất lòng trước nhưng được lòng sau, rất hiệu nghiệm trong việc rèn cho con cái tính tự lập khi đã có gia đình.
Vì bất đắc dĩ
Khác với bà Tam, chuyện bếp chung cơm riêng của gia đình bà Thân lại có chút phức tạp hơn. Được hai thằng con trai nhưng ông bà không có khả năng lo cho con một chỗ ở riêng khi cả hai lập gia đình. Vậy là mảnh đất 35m2 chồng lên bốn tầng là chỗ ở duy nhất của ba cặp vợ chồng và ba đứa cháu.
Trước khi con trai thứ hai cưới vợ cả gia đình vẫn ổn thỏa với chuyện cơm chung. Mỗi tháng vợ chồng con trai cả góp cho ông bà bao nhiêu tiền sinh hoạt chung tùy ý, còn ông bà đỡ đần. Thế nhưng đến khi có con dâu thứ hai, chuyện ăn uống trở nên phức tạp hơn. Chẳng hiểu đầu mày cuối mặt thế nào mà hai cô con dâu bắt đầu tiếng bấc tiếng chì với nhau chuyện nấu ăn rồi khoản tiền đóng góp không cân bằng hàng tháng. Cô con dâu thứ hai bảo vợ chồng cô làm ca kíp ngày nào cũng về muộn hơn toàn ăn “đồ thừa” cả nhà để lại. Cô con dâu cả thì mặt nặng mày nhẹ với em dâu rằng sống không biết điều chẳng phải nấu nướng bữa nào về đến nhà chỉ việc sẵn ăn còn đòi hỏi…
Bà Thân ở giữa hết dàn hòa dâu cả rồi đến dâu thứ mà vẫn không giữ được hòa khí trong gia đình. Có hôm vừa mới sáng sớm bà đã nghe tiếng cô con dâu cả oang oang dưới bếp cạnh khóe em dâu. Hóa ra, chẳng biết chê “cơm nhạt canh mặn” hay không vừa lòng điều gì mà tối qua về con dâu thứ của bà không ăn cơm. Sáng dậy, con dâu cả thấy đồ ăn nằm chỏng chơ, có mùi phải đổ đi, tiếc của cứ thế cạnh khóe em dâu. May mà có bà kịp thời can thiệp không thì một trận chiến đã nổ ra.
Một ngày, con dâu cả bà nói đến chuyện ăn riêng, bà hơi buồn nhưng cũng đồng ý vì muốn để cho hòa khí gia đình ổn thỏa. Từ hôm đó, ông bà ăn chung cùng vợ chồng con trai thứ. Tuy một bếp hai nồi nhưng tinh thần hòa hảo có vẻ bắt đầu trở lại. Thế nhưng chưa được bao lâu thì cô con dâu thứ hai cũng thẽ thọt xin ông bà cho ăn riêng, bà ngỡ ngàng rồi ngay lập tức phải đồng ý. Hóa ra, con dâu thứ của bà không bằng lòng với việc hai đứa con của vợ chồng anh cả thỉnh thoảng lại sang ăn ké với ông bà. Cứ đi học về thấy bà nội cơm nước xong xuôi, lại có chút tôm, chút cá, sẵn đói bụng chúng nỉ non xin ông bà cho ăn trước. Thương cháu, bà Thân xới cơm cho cháu ăn. Một lần, hai lần rồi thành lệ, con dâu thứ biết chuyện không bằng lòng. Thôi thì cứ xin ăn riêng cho thoải mái lại chẳng phải tính toán thiệt hơn.
Từ hôm ấy, căn bếp của nhà bà có ba nồi cơm, ba nồi thức ăn riêng, ai nấu xong trước thì ăn trước. Bà Thân cho biết không ít lần ông bà cảm thấy cổ họng nghẹn đắng, cơm nuốt không trôi khi nghe tiếng con dâu quát tháo mấy đứa cháu đứng thập thò ngoài cửa nhìn ông bà ăn cơm. Dù ông bà có gọi, dù mấy đứa cháu có thèm thuồng muốn ngồi ăn cùng ông bà cho vui, hai cô con dâu vẫn kiên quyết bắt con đợi cơm “nhà mình” chín mới được ăn.
Nhiều hôm, bà Thân bảo hai cô con dâu nấu chín rồi dọn ra cả nhà cùng ngồi ăn cho vui vẻ. Nhưng rồi chỉ một bữa đến bữa thứ hai bà từ bỏ ý định ấy. Bởi dẫu bê mâm ngồi lại ngồi ăn cùng nhau nhưng nhà nào chỉ ăn đúng thức ăn nhà ấy nấu, chẳng ai dám đụng vào mâm của ai dù vẫn có lời mời xã giao. Chỉ có mấy đứa trẻ con vô tư chốc chốc lại đòi thử món của bà nội nấu, rồi món của bác cả, món của thím, vừa ăn chúng vừa bảo mẹ nấu không ngon bằng bà, bác và thím.
Thế là sau bữa ăn, phòng nhà nào cũng có tiếng chì chiết mấy đứa trẻ vì tội dám chê thức ăn mẹ nấu, cả bữa chỉ ăn toàn đồ nhà người khác. Tính ra cả năm nhà bà chỉ có đúng ba ngày Tết là có bữa ăn chung tương đối thoải mái hòa thuận một chút.
Vì điều kiện kinh tế và hoàn cảnh sống, chuyện nhà chung cơm riêng đã trở nên khá phổ biến trong các gia đình. Tuy nhiên, những chuyện tị hiềm xung quanh cái bếp đã trở thành nỗi phiền muộn không thể nói ra. Để rồi vô tình biến những căn bếp muốn đỏ lửa để giữ hạnh phúc thành nơi góp nhặt mâu thuẫn, dồn nén những ấm ức chỉ đợi ngày nổ tung.
Theo Huyền Ly
Đời sống gia đình