Nỗi lòng “con gái lớn”

(Dân trí) - Con gái lớn tuổi mà mãi chưa “động tĩnh” chuyện chồng con thường chịu áp lực nặng nề, nhất là từ phía bố mẹ, người thân. Như vậy, bên cạnh nỗi niềm của riêng mình, họ còn phải “gồng mình” chống đỡ áp lực từ bố mẹ

Gia đình thành… địa ngục

Đi ra ngoài, Xuyến, trưởng phòng PR của một công ty truyền thông vẫn tự hào về bản thân mình: một cô gái xinh đẹp, giỏi dang, thu nhập cao. Có không ít chàng trai theo đuổi Xuyến nhưng quá đam mê với công việc nên bước qua tuổi ba mươi, cô vẫn “một bóng đi về” và "nghẹ thở" mỗi khi về nhà.

Chuyện bố mẹ Xuyến than thở cách đây đã vài năm, nói đủ lời ngon ngọt nhưng cô chỉ “cười trừ”. Có dạo, mẹ Xuyến còn chăm đi chùa lễ bái và lần nào cũng chỉ khẩn cầu “Con gái cưới được chồng”. Bà khấn mãi mà chẳng thiêng, nên từ năm nay, Xuyến phải chứng kiến cảnh bố mẹ “mặt nặng” với mình. Họ thực hiện chính sách “cấm khẩu” với con gái, không hỏi mà cũng chẳng lời con câu nào.

Sợ nhất là đến bữa ăn, Xuyến có lên tiếng cũng không có lời đáp, cả ba người đều cúi đầu vào mâm. Nhất là mẹ Xuyến, hôm nào cùng ăn nửa bát rồi… xin phép đứng dậy. Còn bố và Xuyến ngồi ở mâm cũng không nuốt nổi. Không khí gia đình ì ạch, nặng nề nên hết giờ làm, trở về nhà thành  nỗi ám ảnh của Xuyến.
 
Sinh năm 79, từ khi chia tay mối tình đầu cách đây hơn ba năm, Lài không hề đả động gì tới một mối quan hệ yêu đương nào. Dù đã trấn an bố mẹ, trước sau gì mình cũng sẽ lập gia đình nhưng Lài không đưa ra thời điểm nào cụ thể nên suốt ngày cô vẫn phải "đau tai nhức óc" vì nghe bố mẹ ca cẩm.

Suốt ngày Lài phải nghe điệp khúc từ mẹ: “Nhà này vô phúc mới có đứa con gái không lấy chồng”, “Vài ba năm nữa bố mẹ mày có chết cũng chẳng nhắm nổi mắt” rồi bao nhiêu thứ ví với con gái không chồng mẹ cô lôi ra hết. Lúc đó, Lài cũng chỉ biết im lặng.

Dù sống ở phố nhưng họ hàng nhà Lài vẫn giữ nếp “họ mạc” khi giái quyết các vấn đề trong dòng họ. Và mấy năm trở lại đây, vấn đề “cấp bách” nhất là “quả bom nổ chậm” trong nhà. Mỗi lần, cả chú bác, cậu mợ gì họp mặt ở nhà Lài, người này nói một câu, người kia góp ý một chút là bố mẹ Lài càng cuống... Mỗi lần như thế, tối đến mẹ Lài lại nằm khóc, còn bố cô thì đi ra đi vào đốt thuốc lào suốt đêm.

Biết tỏ cùng ai

“Gái lớn” cũng biết bố mẹ dồn… áp lực cũng là vì lo lắng cho mình nhưng quả thật đã nặng nề với “nỗi lòng riêng” của mình, sức ép từ bố mẹ lại thêm gánh nặng cho họ.

Xuyến đã nhiều lần tâm sự với mẹ là cô ham công tiếc việc đã đành mà cô trái tim cô thật sự chưa rung động với bất cứ ai nên chưa thể nói chuyện yêu đương hay xa xôi gì khác. Nhưng mẹ Xuyến nào chịu hiểu cho con, Xuyến chưa cưới chồng thì chắc chắn bà không để cho cả nhà có được một ngày yêu bình.

Nhiều lần, Xuyến cũng cố mở trái tim mình với ai đó cho… xong  nhưng vẫn chẳng có kết quả gì. Không thể chịu đựng được gia đình “câm” của mình, Xuyến đã chuyển ra ngoài sống một mình.
 
Lài cũng thế, đâu chỉ vết thương lòng về mối tình cũ chưa nguôi mà chỉ bản thân Lài mới biết cô còn thất bại… sau mấy lần thử sức nữa. Lài cũng có cảm tình với một vài người nhưng cô không ưa nhìn, lại không có duyên nên họ mới chỉ xem Lài như bạn bè.

Cũng có người thích Lài nhưng cô đâu thể yêu bừa được. Bố mẹ Lài đâu biết, người ta thích Lài nhưng người ta có tử tể không, gia đình họ thế nào. Lấy về Lài còn khổ hơn là cứ một mình thế này. Lài cũng muốn nói để bố mẹ thông cảm với mình nhưng họ nào có chịu hiểu. Bố mẹ Lài chỉ mong giờ Lài cưới chồng, còn cưới ai… họ đâu bận tâm. Mái ấm gia đình lúc này quả thật trở thành địa ngục với Lài, nhiều lúc cô chỉ muốn tìm đến cái chết…

Từng giơ khẩu hiệu: “Chưa gặp người mình yêu thì… sống một mình” nhưng vì áp lực từ bố mẹ, Hạnh, giáo viên một trường tiểu học ở Hà Nội gật đầu cưới… đại với người mà bố mẹ mai mối khi đã bước qua tuổi 30. Thật ra, Hạnh không chịu nhưng bố mẹ cô dồn Hạnh đến nước “không cưới thì họ chết” nên cô đành buông xuôi.

Tình yêu chẳng có, lấy nhau về Hạnh mới biết chồng mình là con nghiện. Được đúng ba tháng vợ chồng Hạnh vác đơn ra tòa. Bố mẹ Hạnh lúc này mới thấy hết hậu quả mình gây ra cho con khi ép con… phải cưới.

“Gái lớn” ai cũng có lý do, một nỗi lòng riêng trước việc “cập bến” muộn. Người thì vì quá ham công việc, bỏ quên việc riêng tư; người thì không thích lấy chồng, người lại mang trong mình vết thương lòng chưa lành. Cả những người mà đến họ cũng không hiểu sao mình vẫn “một mình”.

Người con gái ai cũng cần một tổ ấm gia đình. Điều cần thiết nhất trên con đường tìm đến hạnh phúc muộn của những những người là “con gái lớn” là sự cảm thông từ bố mẹ, người thân.

Hoài Nam