Những ông bố “quân phiệt”

(Dân trí) - Xóm tôi ở hầu hết bọn trẻ đều ngoan, gặp người lớn là chào, thấy các em bé là sà xuống hỏi han, thấy ai bê nặng là sẵn lòng xách hộ, mượn cái gì cũng vào tận nhà hỏi, rồi trả tận tay kèm lời: “Cháu cảm ơn cô”.

 
Những ông bố “quân phiệt” - 1


Nơi đây, từ tiểu học bọn trẻ đã không cần người lớn đưa đón, chúng đi thành hàng khoảng chục đứa, đoàn kết và tự tin. Đi học về cũng vậy và cứ 5h chiều lại rủ nhau ra đường giữa hai dãy nhà chơi nhảy dây, đá bóng, đánh cầu lông, có đứa lại đảm đang trông em cho bố mẹ nấu nướng, thu dọn nhà cửa.

 

Tôi đã không ngần ngại bày tỏ lòng thán phục bố mẹ các cháu đã kỳ công, nhẫn nại rèn giũa con cái và quyết tâm học hỏi họ. Đương nhiên sẽ xen kẽ cách dạy con của mình cho phù hợp.

 

Cùng dãy nhà tôi, có hai bé gái cùng tên Yến. Đó là BảoYến và Hải Yến, học cùng lớp bốn. Bố chúng công tác cùng nhau. Họ có cách giáo dục con gần giống nhau, đó là dùng roi.

 

Trong khi những ông bố bà mẹ khác luôn nói ra rả với các con, dùng hình phạt vừa phải như đứng xó, không được đi chơi, phạt làm việc nhà, phạt nhổ cỏ vườn rau... đạt được hiệu quả nhất định thì bên này, hai ông bố nóng tính không có được sự kiên nhẫn đến thế. Họ không thích nói nhiều và cho rằng “già đòn non lý sự”. Phải “thiết quân luật” thì bọn trẻ mới biết sợ và nghe lời.

 

Khi Hải Yến mếu máo mách: “Bạn Trang vẩy nước vào váy của con”. Bố Yến đã trợn mắt lên: “Có thế sao mà phải khóc, không chơi với nó nữa, từ sau Trang sang thì đuổi về rõ chưa, rõ chưa?”. Sau mỗi từ “rõ chưa” là một cái roi vào mông lằn lên.

 

Mẹ đi trực đêm, không thích ở nhà với bố nên Hải Yến giãy giụa đòi đi theo cũng bị bố giằng lại nạt nộ. Mẹ Yến xót ruột nước mắt ngắn dài can, bố quát lên cả xóm nghe tiếng: “Thế thì chết cả nút, không dạy được con thì loạn, loại này có như con nhà người ta đâu, nói nó có nghe đâu, phải vụt”.

 

“BảoYến đẩy con ngã khỏi xe lắc?”. “Sao ngu thế hả con, vào đây tao cho bài học” lại là những răn đe, quát tháo và roi.

 

Phía bên kia Bảo Yến cũng được một trận te tua do bố chửi mắng can tội đẩy bạn. Đến bữa ăn mà không ăn hết khẩu phần cũng bị nhiếc móc, dứ dứ cây doi ra dọa, ăn bằng hết thì thôi.

 

“Bố gọi sao con không về ngay, sao lại mải chơi thế là thế nào? Ngày nào cũng ăn đòn mà không chừa là sao?”. Sau đó là những tiếng roi vun vút, làm cho con bé rúm ró. Mẹ nó mải ôm em bé không ra can được…

 

Chịu sự giáo dục như vậy và giờ hai bé Yến lớn lên có vẻ không được như mong đợi của bố mẹ. Bảo Yến càng ngày càng lì lợm và không còn sợ bố, luôn chống đối và sẵn sàng chịu đòn roi. Hải Yến thì lúc nào cũng nhớn nhác sợ hãi, không dám chơi cùng các bạn vì nhút nhát và vì sợ làm gì sai các bạn về mách bố mình, lại dính đòn. Hai đứa luôn lầm lũi và ít bạn.

 

Hai ông bố áp dụng kỷ luật quá kỹ lưỡng, thành ra bốc thuốc quá liều lượng để rồi con họ bị “nhờn thuốc”, phản tác dụng, họ trở thành các ông bố “quân phiệt hiếu chiến”.

 

Mẹ Hải Yến vừa phải đi viện vì sảy thai không rõ nguyên nhân, việc có thai lại là rất khó khăn. Mẹ Bảo Yến thì mới sinh thêm em bé, không hiểu bố Yến có rút kinh nghiệm từ đứa trước, em của Yến có bị chung nền giáo dục, trở thành “nạn nhân” của việc lựa chọn sai phương pháp như thế nữa hay không?

 

TSL