Nhọc nhằn kiếm con

Trong gia đình không có tiếng trẻ con khiến mối quan hệ của nhiều cặp vợ chồng trở nên xa cách. Họ đã đổ dồn hết thời gian lẫn tiền bạc để mong có con.

Bên trong con hẻm A1 (đường Cống Quỳnh, Q.1-TPHCM) là nơi tá túc của nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn. Ở tuổi 43, chị Nữ (quê Nam Định) mới cảm nhận niềm hạnh phúc khi lần đầu tiên mang thai. Nhớ lại những ngày tháng ròng rã chạy ngược xuôi từ Bắc vào Nam tìm con, chị ứa nước mắt.

 

Gian truân chạy chữa

 

Lấy chồng năm 20 tuổi, 2 năm đầu chị và chồng quyết định “kế hoạch” để tập trung làm việc, ổn định cuộc sống. Nhưng hơn 4 năm sau, anh Long, chồng chị, chờ đợi mãi vẫn không thấy vợ mang thai. Khi đưa chị lên bệnh viện tỉnh khám, anh Long tá hỏa khi nghe bác sĩ thông báo “vợ anh không có khả năng tự rụng trứng, muốn có con thì phải thụ tinh trong ống nghiệm”.

 

Nhọc nhằn kiếm con - 1

Hẻm A1, đường Cống Quỳnh là nơi tá túc của nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn.

 

 
Ròng rã gần 20 năm trời, vợ chồng chị Nữ đi khắp nơi tìm thầy chạy chữa với hy vọng có được đứa con ẵm bồng. Chị bộc bạch: “Lần đầu tiên đặt 8 trứng tại bệnh viện ở Hà Nội nhưng không đậu, vợ chồng hết sạch tiền đành xách đồ về quê. Hai năm sau lại cố gắng làm việc tích góp tiền bạc đi hết Bệnh viện Nam Định đến Thái Bình… Nhiều khi chán nản nhưng thấy đứa trẻ kháu khỉnh, vợ chồng lại quyết tâm kiếm con”. Cách đây hơn nửa năm, nghe nhiều người giới thiệu đến Khoa Hiếm muộn của Bệnh viện Từ Dũ, vợ chồng chị Nữ lại khăn gói vào TPHCM. Chị đưa tay xoa bụng, giọng vui vẻ: “Chỉ cần có con dù bán nhà cũng không tiếc”.

 

Trong một phòng trọ chật chội khác, anh Minh lúi húi chuẩn bị bữa cơm chiều. Từ Hải Phòng, anh chị đến đây trọ gần một năm, tốn kém hơn 200 triệu đồng. Ở tuổi 38, với hơn 15 năm chạy chữa  hiếm muộn, chị Thanh, vợ anh, không khi nào nguôi khao khát một lần được làm mẹ. Chị cho biết: “Chọc trứng 8 lần hết hơn 800 triệu đồng. Không ít lần chồng tôi khuyên nên chấp nhận số phận. Mỗi lần chọc trứng đau đớn, nguy hiểm lắm. Có người trướng bụng lên phải đưa đi cấp cứu. Chỉ mong lần này, trời thương cho tôi được toại nguyện, có đứa con cho vui cửa vui nhà”.

 

Dễ rạn nứt hôn nhân

 

Trong nhà không có tiếng con trẻ bi bô khiến nhiều cặp vợ chồng trở nên xa cách, hạnh phúc gia đình dần phai nhạt. Những ngày Tết trong gia đình chị Thúy (quê Thái Bình) luôn ngột ngạt, nặng nề. Nhà kinh doanh đồ gỗ, chồng giỏi nghề chạm trổ, tiền bạc luôn rủng rỉnh nhưng vợ chồng chị không khi nào có ngày vui.

 

Mãi vẫn chẳng có con, năm chị Thúy 35 tuổi, vợ chồng chị quyết định nhận con nuôi. Cậu con nuôi đã 5 tuổi nhưng chị Thúy vẫn cảm thấy có lỗi khi không sinh cho chồng được một đứa con. Chị tâm sự: “Anh là con trai một nên tôi luôn thấy áp lực. Nhiều lần, tôi khuyên anh đi lấy vợ khác để tìm con nhưng anh vẫn còn thương vợ nên không đành. Vì vậy, chúng tôi lại quyết định tiếp tục chữa trị”.

 

Hoàn cảnh trớ trêu không thua gì chị Thúy, anh Linh (quê ở Cà Mau) ngại ngùng khi nhắc đến nguyên nhân vợ chồng anh không có con. “Cưới nhau cả 10 năm không thấy vợ sinh con, gia đình tôi cứ nằng nặc đổ lỗi cho cô ấy. Chúng tôi từng ly thân 2 năm nhưng vì vẫn còn tình cảm nên quay lại. Đi khám mới biết tôi bị tinh trùng yếu, không phải lỗi của vợ”. Để tiết kiệm chi phí, anh tranh thủ đi làm phụ hồ kiếm thêm thu nhập.

 

Nhớ lại những cái Tết trước, chị Thúy buồn bã: “Tết, gia đình người ta dẫn con cái đi mua sắm còn vợ chồng tôi chẳng thiết tha gì. Anh cứ đóng cửa ở trong nhà suốt, không đi thăm hỏi, chúc Tết bà con. Mong sao lần này chữa trị thành công để tôi không phải mang tiếng cây độc không trái, gái độc không con”.

 

Theo Nguyễn Nga

NLĐ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm