Nhóc con tinh nghịch
(Dân trí) - “Vượt cạn” xong, mẹ chưa kịp thở phào thì bỗng dưng thấy có gì đó bất ổn, vẻ như ai nấy đều lo lắng, có tiếng rì rầm “Sao lại không khóc”? Bà ngoại lẩm bẩm run run: “Trộm mụ, được cái mắt nó nhanh lắm, thao láo ra nhìn”.
Thế rồi hình như bác sỹ có phát nhẹ vào mông con một cái và thế là con khóc váng nhà hộ sinh, khiến mọi người cười rộn rã, mẹ gọi đó là trò “quậy” đầu đời của con.
Nước mắt mẹ tràn ra sung sướng, và cũng thấy buồn cười vì chợt nghĩ không biết bố con có xông vào “tẩn” bác sỹ vì dám đánh con khóc, giống như clip vui mà lần bố mẹ từng xem không.
Ngày con tròn tháng, mọi người hỏi mẹ, con biết làm gì rồi? Mẹ hồ hởi, “Cháu nó tài lắm, đã biết nhìn mẹ, co chân, đập tay. biết ăn ti, biết khóc biết tè... nhiều lắm ạ”
Ba tháng rưỡi, con đã lẫy thành công sau bao phen cố gắng gồng người để trở mình. Con bắt đầu hành trình tung hoành ngang dọc quanh cái giường và bất kể thứ gì cứ lọt vào tầm ngắm là con biến thành đồ chơi của mình hết.
Bốn tháng tuổi, con biết hớt chuyện leo lẻo, “buôn” với bố nỏ như pháo rang. Chỉ cần cái khăn sữa bố chấm chấm vào trán mà con cứ cười giòn tan, rồi cũng biết cầm khăn để xoay xoay tự nghịch.
Cuộc sống của bố mẹ vui vẻ và ý nghĩa hơn rất nhiều bên cạnh những trò ngịch ngợm của con với mức độ ngày một “nghiêm trọng”.
Mười tháng tuổi, con đã biết tạo “công ăn việc làm” cho bố mẹ. Đám “chiến trường” con bày ra khiến bố đi làm về “quạu”, quát lên: “Trời ơi, như ổ chuột thế này à?”, Con nhìn bố đôi mắt ngây thơ như muốn nói: “Không phải đâu bố, đây là chuồng cọp mà, con là con cọp con của bố mà, con đáng yêu này!” Rồi chớp chớp mắt rất chi là ngây thơ vô (số) tội.
Mười một tháng con đã hì hục trèo từ dưới đất lên được giường, rồi con cúi xuống xem thành quả, hẳn là miệng đang xuýt xoa: “Cao thế này mà mình trèo lên được, mình phục mình quá” Thế rồi con chới với cái tay, mẹ không đỡ kịp, tối đó mẹ không ăn được cơm vì thương con, vụ ngã khiến trán con bớt dô phần nào.
Càng lớn thằng nhóc càng thích nghịch, nhiều lúc mẹ chỉ biết ôm đầu kêu trời, nhà bên cạnh đang xây, con cứ mắt trước mắt sau là nhót ra đó nghịch đất cát, thậm chí còn nhúng chân vào đám vữa thợ đang trộn, mẹ dắt tay con vào buồng tắm để rửa chân, đi qua vũng nước ngoài phòng khách (hình như cũng là tác phẩm của con thì phải) con vội vàng hua tay bảo “Mẹ nhấc con lên khỏi bẩn chân”. Mẹ phì cười, mất hẳn vẻ nghiêm trang ban nãy, Trời ạ, chân con thì đen ngòm, bẩn như con cáo cồ mẹ chẳng sợ bẩn nhà thì thôi, lại còn sợ bẩn chân.
Đang chơi mà nghe tiếng ai đó kêu cứu hoặc khóc (giả vờ) là con bỏ tất đấy, nhanh chóng khẩn trương chạy thình thịch đến như một người thi hành công vụ mẫn cán. Hết nhìn bố rồi nhìn mẹ hỏi “Ai trêu”, nếu mẹ nói “Bố trêu”, là con sẵn sàng lấy bàn tay bé xíu được xòe ra hết cỡ của mình phát vào tay bố một cái kèm theo ánh mắt gườm gườm “Một trận giờ nhé, không được trêu mẹ!”.
Bố mẹ cố nín cười, rồi tủm tỉm thì thầm với nhau, “Nhà mình có bảo kê từ bao giờ thế nhỉ?”
Lớn rồi, mỗi lần đi dạo bộ, con không còn thích cảnh bố dắt tay mẹ, mẹ dắt tay con nữa mà con thường thích len vào giữa nắm tay cả bố lẫn mẹ rồi kéo nhẹ tay một cái làm “ám hiệu”, để bố mẹ nắm chặt lấy tay con, con còn đu lên, đi một đoạn ở trên không, và cười khanh khách, khoái chí nói “con đi cáp treo”.
Yêu cả những lúc con nghịch nhảy điệu “cắm quả xoài” (Gangnam style) rồi cả kiểu “lên nóc nhà là bắt con gà” khiến ai cũng phải cười chảy cả nước mắt. Có lúc từ đâu con lại lao vào như làn gió, nhảy vào lòng mẹ ngước đôi mắt tròn xoe lên giục “Mẹ hỏi chuyện em bé đi”. Ừ thì với bố mẹ, lúc nào con cũng là đứa bé bỏng đáng yêu mà!
TSL