Góc tâm hồn
Nhớ nồi cá bống kho của mẹ
(Dân trí) - Ngày ấy, vào mỗi buổi chiều mùa mưa, vợ chồng ông lão hàng chài thường hay cắm con sào nghỉ lại nơi con sông nước lợ chảy trước nhà. Nghe tiếng gõ lanh canh, mẹ anh liền xách cái rá con đựng gạo bước rảo xuống bến.
- Bữa nay có cá gì không hả bác chài ơi?
- Được mấy bác cứ đem cho tôi, trời mưa trời gió có chợ búa được gì đâu.
Chẳng phải đợi lâu, người đàn bà lam lũ ấy đã xách cái giỏ cá bước trên chiếc thuyền nhỏ chông chênh lên bờ và nhận lấy gạo từ mẹ anh.
Những con cá nhỏ chỉ cỡ ngón tay út, vệt lưng trong, sáng lấp lánh vẻ như màu vàng của cát sông đã dịu và xanh màu xanh của dòng sông. Anh cầm hai bên cái miệng rá lắc lư tựa như chiếc thuyền mủng đang dập dờn trên sóng. Những con cá bị động, lẩy nhẹ mình.
Mẹ anh đem cá rửa sơ, trộn chút muối rồi dùng tay chà đi xát lại cho sạch vảy. Bà tỉ mẩn ngồi lấy hết ruột cá, rửa kỹ để cho ráo nước sau đem cá ướp với nước mắm ngon và bột ngọt.
Canh chừng cá đã thấm, bà khử dầu phi hành băm thật thơm mới cho cá vào đảo nhẹ. Châm thêm chút nước mắm để món cá đậm đà. Suốt những năm thơ dại anh thấy mẹ mình chỉ dùng mỗi cái nồi đất để kho cá, dẫu là cá sông, cá biển hay cá đồng. Bà bảo, chỉ có cái nồi ấy mới giữ được những gì tinh tuý trong mình cá.
Chuẩn bị xong xuôi bà bắt đầu nhóm bếp. "Kho cá bống hãy cứ thong thả mà ngồi canh, chớ có nóng mà thổi ngọn lửa bùng. Lửa tạt chỉ làm xém mình cá mà thôi!". Mẹ vẫn thường dạy anh như thế. Và bữa nào nấu cái món bống kho, mẹ anh cũng đều phải cất công bắc riêng ra một bếp. Bao nhiêu cái nồi bên bếp này bà đã nấu xong, cái trách cá bống vẫn còn liu riu cháy, vẫn còn âm ỉ sôi.
Ngó nồi thấy cái vung mẹ anh đậy kín mít. Bà còn cẩn thận hong vạt lá chuối trên lửa cho dịu đậy miệng nồi, sau mới úp vung lên. Thế mà cái mùi thơm dìu dịu thẳm sâu ấy cứ dập dìu lan tỏa như đánh thức, như nhắc nhớ, đến cả đứa trẻ ham chơi nhất cũng phải háo hức chẳng chịu rời chân mẹ.
Khi nước trong nồi đã rút gần hết, bấy giờ mẹ anh mới rưới thêm chút tiêu xay và nước màu đặc quánh sắc từ đường, đậy vung thật kín để tiêu ngấm sâu. Vậy là nhà anh có món cá kho ăn đến cả tuần.
Trời vẫn mưa, càng về chiều tối càng nặng hạt. Trên sông vắng ngắt, sợi khói giăng mắc trên chiếc thuyền con của vợ chồng bác chài đã nhạt nhòa trong màn mưa dày đặc... Mẹ anh cũng vừa dọn cơm tối. Trách đất chỉ mới hé vung đã nghe mùi thơm nồng xức. Con cá bé tí đã hao đi đôi phần, ngả màu cánh gián. Anh với đứa em hí hửng gõ đũa vào bát leng keng, vừa hát om sòm: "Cái bống là cái bống bang, là cái bống là cái bống bang...". Mẹ anh mỉm cười, anh biết thể nào cũng được bà gắp cho những con cá béo múp, ôm cả bụng trứng vàng. Rồi bà dặn các con, ăn cơm phải nhai cho thật kỹ, có thế thì mới cảm nhận được vị chắc, vị ngọt bùi của con cá sông mùa nước nổi. Và món cơm trắng hơi khô mẹ thổi đựng trong chiếc nồi gang dày sụ, gặp con cá bống kho quẹt ngày mưa thoáng chốc đã hết vèo. Những bữa cơm sau, mẹ anh chỉ việc dấu niêu cá trong đống tro sắp tàn vậy là dọn ra ăn. Kỳ lạ thật! Con cá bống cắn ngang vẫn cứ tươi ngon, đậm đà.
Ngày mẹ anh ra đi, cái niêu đất gác bếp, món cá bống kho cũng xa anh vời vợi. Bao nhiêu năm qua anh mải miết đi tìm. Vợ anh cũng có lần chiều chồng mua về mớ cá ấy. Nhìn vợ lóng ngóng với mớ cá con con, anh thở dài rồi xắn tay giúp vợ. Cũng xóc muối, cũng ướp mắm ngon, ướp bột ngọt và khử dầu rồi kho. Vợ chồng thay nhau canh lửa. Khi cá gần được mới cho nước màu, hạt tiêu xay. Vậy mà con cá ăn vẫn thấy nhạt nhẽo. Cũng phải, cá bống người ta nuôi sao mà bằng được với con cá của dòng sông quê anh. Bỗng nghe lòng rưng rưng nhớ...
Xuyến Chi - Khánh Hồng