Nhiều vợ lắm con...
(Dân trí) - Ngày về ra mắt, gia đình gã đã chê Thủy già, kêu cô gầy quá rồi thì “chửa đẻ bao giờ chưa mà nhìn yếu ớt như bị hậu sản…”.
Mọi người kịch liệt phản đối, nhưng họ vẫn kịp có với nhau đứa con. Bố mẹ gã khăng khăng, dứt khoát không nhận cháu rơi. Bơ vơ, kèm với chán nản nên Thủy bỏ phố về sống gần bố mẹ đẻ.
Gã thường lén lút vượt đường xa qua lại, không đến được thì gửi tiền đều cho Thủy nuôi con. Đồng thời gã tự tìm niềm vui, chí thú kiếm người mới sao cho hợp nhãn bố mẹ. Thời gian ngắn sau gã gặp một em trẻ trung, phơi phới.
Nhung vừa học xong cấp ba, quê nghèo nên anh em kéo rủ nhau ra thành phố kiếm sống. Nhung đi bưng bia cho một quán giải khát rất đắt hàng, quán mà gã sau một ngày làm việc không thể không ghé qua. Khi nhìn con bé chân chất, hồn nhiên, thấy thương thương, gã xán lại trò chuyện, tán tỉnh... Cái bẻm mép của một gã trai thị thành, từng trải chẳng khó khăn gì trong việc làm xiêu lòng con bé mới lớn.
Nhung có bầu được bốn tháng thì hai nhà gấp gáp làm đám cưới. Xa xôi quá, lại bầu bì đi lại bất tiện, nên họ thống nhất không đón dâu, chỉ làm mâm cỗ mời khách cho xong. Nhà Nhung nghèo nên đỡ được một miệng ăn bố mẹ nó mừng lắm.
Cưới về được ba tháng thì Nhung đẻ non, phải mổ. Chạy tới chạy lui, gồng gánh nuôi cả mẹ, cả con khiến gã như con gà rù, phờ phạc…
Một lần gã uống rượu say nên khi Thủy gọi điện cho gã, Nhung đã nghe máy, cả hai cùng nhận là vợ gã. Chuyện vỡ bung bét, gã tắt điện thoại dạt đến nhà bạn cho đỡ nhức đầu.
Gã mặc kệ hai con đàn bà giải quyết, chửi bới nhau, có ra sao thì ra. Ấy thế mà họ cùng phải thỏa hiệp, xuống nước với gã, vì thực tế cả hai cô đều yếu thế. Thủy dẫu là người đến trước, song không có hôn thú và vẫn xác định sẽ làm mẹ đơn thân, nên ngậm ngùi không hờn không trách, miễn gã vẫn chu cấp đảm bảo nuôi con.
Nhung thì kém hiểu biết, kinh tế không có, lấy quyền gì mà đòi hỏi.
Kể từ đó người quen ngầm định gã có hai vợ, thi thoảng gã kiếm cớ về thăm con, đổi gió ở vợ này, vợ kia một tí. Song cũng từ đây những ngày cơ cực bắt đầu bám đuổi, giày xéo gã.
Hai gia đình nhỏ lúc nào cũng coi gã như cái cây rút tiền công cộng. Không ai bảo ai cả hai vợ thi nhau bòn rút gã cật lực, kẻo không béo “chó” hết.
Phải kéo dăm cái tàu há mồm khiến chưa bốn mươi tuổi mà nhìn gã tóp teo, hom hem như năm mươi. Gã nghiến răng cam chịu, rồi đến suýt khóc khi một ngày Nhung hí hửng nhắn tin thông báo: “Chồng ơi, em lại hai vạch rồi! Con là của, anh nhỉ?” khi ấy đứa thứ hai còn chưa đầy hai tuổi.
Nhung vốn chỉ ở nhà chăm con, với đòi quản chồng, cô chẳng làm lụng gì hết, vì tiền kiếm chẳng đủ gửi con đi học, làm làm gì cho mệt. Nhung non nớt nghĩ, dùng những đứa con ràng buộc sẽ khiến chồng càng thêm phần có trách nhiệm với mình, mà xao nhãng mẹ con nhà kia.
Phần Thủy, từ lúc biết gã lấy vợ đã càng thêm chán đời, thây kệ bố con nhà nó lo cho nhau. Làm được bao nhiêu cô hưởng thụ, tung hoành nuôi “bố” đề hết.
Gã ngày càng “cày bừa” ác hơn để nuôi vợ này con kia. Gã thường phải ủ mưu, đấu đá, chia bè kéo cánh các kiểu ở công ty để "kiếm thêm thu nhập". Gã đóng góp một phần nhỏ khiến cho công ty phá sản.
Gã thất nghiệp, đành lui cui quay về làm tạm nghề xe ôm. Hôm thấy gã đứng đón khách, một người quen gọi với: “Đi “em ơi” đê?”, gã ỉu xìu: “Hai nợ rồi, còn ham hố gì nữa”.
An Miên