Nhà có 3 dâu tuổi Mèo

Theo quan niệm dân gian, trong 12 con giáp, người tuổi mèo thường gặp may. Nhưng may của người này có khi là rủi của người kia.

Yêu nhau mấy núi cũng trèo…

 

Vợ chồng ông Nguyễn Trung Ánh, P.Thới An, Q.12, TPHCM có ba con trai. Cả ba cô dâu đều tuổi mèo. Hai dâu chị đồng tuổi Tân Mẹo (sinh 1951); dâu em tuổi Quý Mẹo (1963). Người con lớn tuổi Quý Mùi (sinh 1943). Con trai kế sinh năm Canh Dần (1950). Con trai út sinh năm Tân Sửu (1961). Ngày cưới vợ cho các con, vợ chồng ông Ánh phải mất ngủ cả tháng trời. Bởi lẽ, theo “thầy” phán thì tuổi của các con trai đều không hạp người tuổi mèo.
 
Nhà có 3 dâu tuổi Mèo - 1


 

Thương con trai, ông Ánh tuyên bố: “Nếu tụi bây thương nhau đến mức không thể thiếu nhau thì muốn làm gì thì làm, chứ ba má nhất định không đi hỏi vợ”. Đương nhiên, yêu nhau mấy núi cũng trèo, nếu phải “ăn mày” mà sống được với nhau thì “còn hơn giàu có mồ côi một mình”. Họ đến với nhau không có đám cưới và rồi sinh một lèo bảy cô con gái. Đến lần sinh thứ tám mới được một mụn trai. Nhưng thằng bé bị sốt bại liệt. Thời bao cấp mà phải nuôi đến tám con, nên ngày nào người ta cũng thấy hai vợ chồng họ ngoài đồng với đám khổ qua, dưa chuột, hoặc đậu đũa, đậu que… Họ nghèo vì quá đông con; tuy nhiên ai cũng phải thừa nhận, cuộc sống gia đình họ lúc nào cũng đầm ấm, hạnh phúc.

 

Lần cưới vợ cho con trai kế, ông Ánh cũng rất “âm lịch”: “Con mèo là cô con cọp. Con tuổi Dần đi cưới vợ Mão khác nào con đâm đầu vào kiếp làm… mọi vợ”. Tất nhiên, lời khuyên chỉ mang tính chiếu lệ, vì ông thừa biết có nói đến gãy lưỡi cũng không thay đổi được gì ở thằng con trai vốn “cứng đầu cứng cổ nhất nhà”. Nhưng từ ngày lấy nhau, chòm xóm chỉ toàn nghe tiếng quát nạt ầm ĩ của con trai ông Ánh. Thậm chí, một tháng, người ta thấy anh say hết 29 ngày.

 

Lo lắng nhất đối với ông Ánh chính là lần cưới vợ cho đứa con út. Con dâu tương lai được con trai chọn tuổi Quý Mão. Theo ông, Quý Mão là mèo trong rừng núi, dáng vẻ trông mềm mại nhưng tính tình dữ hơn chúa sơn lâm. Mặt khác, nam Nhâm nữ Quý. Quý là hoàng, là vua, là sung sướng. Nhưng điều đó đồng nghĩa với việc con trai của mình sẽ trở thành đầy tớ, thậm chí còn tôn sùng vợ hơn mẹ đẻ. Tuy vậy, bao nhiêu điều dự báo mang tính khủng bố tinh thần về tương lai của con trai, đều bị chính con trai phớt lờ. Năm 1987, con trai ông mượn được bạn bè chiếc xe Ladalat cũ kỹ để chạy tuốt về Long An rước dâu tuổi Quý Mão.

 

Ba nàng dâu tuổi mèo

 

Anh Nguyễn Trung Hiếu, con trai út ông Ánh cười tươi khi nhắc lại sự lo lắng của cha mẹ trước ngày dựng vợ gả chồng: “Lo là một chuyện, nhưng thực tế lại là chuyện khác. Không phải ông bà đã từng nói “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”. Điều quan trọng là khi về chung sống có biết điều chỉnh tính tình để đồng vợ đồng chồng lo chuyện gia đình hay không”. Anh kể: “Bố tôi cho hai anh lớn ra riêng và ở ngay hai bên nhà. Còn tôi, con trai út sống chung với ông trong căn nhà từ đường”.

 

Theo lời anh kể, cùng là tuổi mèo, nhưng ba cô con dâu trong nhà mỗi người mỗi tính. Cô dâu cả biết phận mình không được cưới gả chính thức nên ít lui tới nhà cha mẹ chồng. Tuy nhiên, cô xuất thân từ gia đình bán cơm tấm nên có khiếu nấu nướng. Điểm mạnh này nhanh chóng được mẹ chồng phát hiện khi phần lớn món ăn cô nấu đều hợp khẩu vị của cha mẹ chồng. Vì vậy, đám tiệc trong nhà, cô dâu cả luôn luôn được giao nhiệm vụ làm bếp trưởng. Tranh thủ cơ hội đã được “dọn bàn”, cô chỉ còn trổ tài mà thu phục lòng người.

 

Tiếng lành đồn xa, cả họ tộc nhanh chóng có cảm tình với cô dâu có phần thiệt thòi nhất trong gia đình. Bây giờ sang tuổi cổ lai, anh Nguyễn Trung Kiên, con trai lớn ông Ánh vẫn còn vất vả cuốc xẻng ra đồng, nhưng gặp ai cũng cười hề hề, lạc quan: “Được bà con dòng họ khen… thằng Hai coi vậy mà biết chọn vợ là hạnh phúc rồi!”.

 

Cô dâu kế có phần ganh tị với cơ hội lấy lòng bố mẹ chồng của chị dâu nên nghĩ ra độc chiêu: Biết chồng cục tính, nóng như Trương Phi, chị cứ thủ thỉ những điều mà chồng khó chịu rồi ngồi khóc một mình như rằng mình là người vợ vô phúc, có chồng mà như không. Cậu em út kể: “Thực tế, chị dâu thứ hai của tôi thuộc loại văn võ song toàn, hầu hết cơ ngơi mà anh Trung Dũng có được ngày nay chủ yếu do sự linh hoạt, khéo léo tính toán của vợ anh. Điều đó khiến anh tôi thầm mang ơn vợ, nhưng không biết cách bày tỏ, ngoại trừ việc cười… cầu tài. Tuy vậy, do không chịu nổi “nước mắt đàn bà”, nên anh chỉ còn cách gầm thét như chúa sơn lâm. Ở cạnh nhà, mỗi lần như vậy, ba má tôi lại nhìn nhau mà thương con dâu hiền gặp phải thằng chồng “ba tiếng hét một cái, bảy tiếng gầm một lần!”.

 

Vui nhất là chuyện cô dâu út. Giàu út ăn nghèo út chịu, nên khi về nhà chồng cô dâu út đương nhiên sống chung với bố mẹ. Cô biết bố mẹ chồng từng  nghĩ rằng mình là con mèo hoang (mèo trong hang núi), nhưng luôn biết chờ thời cơ để ăn hiếp chồng. Cô không ngại “lăng xê” điểm mạnh “mềm mỏng dịu dàng như mèo” của mình. Ngày ngày, sau giờ đi dạy, cô hay thủ thỉ để xin cha mẹ chồng tư vấn từ những chuyện trong cuộc sống đến chuyện nghề nghiệp. Nước chảy đá mòn. Cách lắng nghe, tiếp thu một cách say sưa của cô dâu út có học khiến ông bà quên luôn việc chính mình đang bắt con trai út của mình làm Ôsin cho vợ lúc nào không hay.

 

Theo PNO