Góc tâm hồn
Nhà bà, vườn bạch đàn và hàng râm bụt đỏ
(Dân trí) - - “Một, hai, ba… ba bảy, ba tám… bốn chín, năm mươi. Chúng mày xong chưa?” - Thằng bé bỏ tay bịt mắt, quay lại khoảng sân trống không ngó láo lơ và bắt đầu sục sạo.
Gần hai mươi năm trôi qua, tôi chẳng còn nhớ hết tên lũ trẻ vẫn thường cùng chơi đùa trong sân nhà bà ngoại trong ngõ Văn Chương ngày ấy. Chắc hẳn tất cả đều đã lớn, có công ăn việc làm, có gia đình hoặc chưa, thành đạt hoặc không thành đạt. Chắc có những người sung sướng, có những người còn vất vả, cũng có người bất hạnh khổ đau, tôi cũng không biết nữa. Duy chỉ có một điều chắc chắn, chúng tôi đều có chung những kỷ niệm rất đẹp của tuổi thơ.
Trường Văn Chương nơi tôi theo học lớp 1 rất gần nhà bà ngoại nên hàng sáng mẹ đánh thức tôi dậy thật sớm, đặt ngồi lên yên sau xe đạp và lóc cóc đạp qua những con phố vắng xanh rợp bóng cây đến nhà bà. Nhà nhỏ, chỉ có hai gian, trần thấp, sàn lát gạch màu trắng cũ kỹ, lúc nào cũng yên lặng và thanh bình. Cửa sau nhà bà dẫn ra một khoảng sân rộng trồng rất nhiều bạch đàn. Trong trí nhớ của tôi, cây bạch đàn ngày ấy cao lắm, tưởng như có thể chọc cả vào những đám mây.
Bà tôi, chẳng hề giống chút nào với khái niệm “bà” với áo nâu cũ, vấn tóc, nhai trầu bỏm bẻm. Bởi xuất thân là nữ sinh Đồng Khánh, bà tôi không mặc áo nâu mà chỉ thích áo cánh trắng. Tóc bà bạc như cước, dài đến eo và được búi thành một búi cài trâm gọn gàng sau gáy. Và bởi vì không nhai trầu nên răng bà tôi trắng đều, bóng loáng, tôi nhìn còn ghen tị.
Tất cả lũ trẻ con lau nhau quanh đấy đều thích tụ tập trong sân nhà bà tôi, một phần vì sân rộng có chỗ chơi, phần kia là vì bà có sạp hàng ô mai kẹo bánh, lần nào đến cũng được bà đãi nào ô mai khế, ô mai mận…
Sau khi đánh chén hết sạch hàng của bà, chúng tôi bắt đầu bày trò chơi. Nào là “bịt mắt bắt dê”, nào là “trốn tìm”, “mèo đuổi chuột”, lại cả chơi “đồ” nữa. Thôi thì tha hồ cười hét, xô đẩy vang động cả mấy khu nhà tập thể quanh đấy.
Tôi khoái chơi đồ hàng nhất. Những chiếc nồi đồ chơi xinh xinh được nhét đầy hoa râm bụt đỏ chót hái ở bờ rào, chúng tôi chia nhau rửa rau, nấu cơm, nấu nước, cho em bé (búp bê) ăn; cuối cùng mỗi đứa mới được chia một bát hoa. Hoa râm bụt rút phần cuống ra, mút mút phía đuôi nghe ngòn ngọt như đường kính, ngon không tả được.
Năm lớp Một tôi học chiều, nên cứ khoảng một giờ kém mười lăm là bà ngoại bắt đầu chuẩn bị đưa tôi đi học. Không hiểu sao trong ký ức về những ngày đó, lúc nào tôi cũng nhớ là trời rất nóng. Nắng vàng chóe trải óng quãng đường dài thênh thang. Bà tôi áo cánh quần đen, đầu đội nón trắng nắm tay đứa cháu lếch thếch đeo cặp sách đầy căng. Mặt bà đỏ lên, mồ hôi túa ra lóng lánh. Tôi bảo: “Bà ơi, mặt bà đầy kim cương bà ạ”. Bà phì cười, bảo kim cương ấy bà tặng cháu luôn, chả tiếc…
Bây giờ thì cả bà và tất cả những gì của ngày ấy đều không còn nữa. Ngày tôi chuẩn bị đi du học, bà bỗng nhiên đổ bệnh. Hôm trước ngày ra sân bay, tôi lại đến thăm bà. Bà nằm trên giường, ốm đến nỗi chỉ còn da bọc xương, chỉ thỉnh thoảng mới tỉnh táo được đôi chút, còn lại thì thường xuyên rơi vào cơn mê sảng.
Tôi ôm lấy bà, cố gắng nuốt ngược vào trong những giọt nước mắt bởi một điều ai cũng hiểu, rằng bà chẳng còn được bao lâu nữa, lần này sẽ là lần cuối cùng tôi được gặp bà. Thật kỳ lạ, lúc đó đột nhiên bà tỉnh táo trở lại. Bàn tay gầy guộc nổi đầy gân xanh nhẹ nhàng vuốt tóc cháu. Thậm chí ngay cả trong lúc ấy, bà vẫn còn nghĩ ra được việc lần túi áo lấy nốt mấy tờ mười nghìn màu đỏ, nói khẽ: “Cho con Thủy… sắm thêm các thứ… mà đi học…”.
Tôi khóc suốt quãng đường về, cũng như khóc suốt một tiếng đồng hồ ở hàng net nơi xứ lạ khi được tin bà mất một tháng sau đó. Chính trong cái hàng net tối om và sặc mùi khói thuốc ấy, tôi đã nhớ lại tất cả những hình ảnh xưa cũ thời thơ ấu. Tôi cũng nhớ rằng khi tôi đã lớn, bà thường hỏi: “Thế con Thủy có yêu bà không?”, nhưng tôi vì những lý do nào đó, chẳng bao giờ trả lời như ý bà mong muốn.
Tôi cũng nhớ rằng tôi thường xuyên mê mải với những thói quen, những học hành, những cuộc vui mà bỏ mặc bà lủi thủi trong bốn bức tường lạnh lùng. Mình tồi tệ đến thế sao? Tôi tự hỏi mình hàng trăm lần câu đó…
Mảnh đất cũ nhà bà xưa cậu tôi thừa hưởng, xây thành một căn nhà mới đẹp và khang trang hơn nhiều so với trước. Vậy mà sao tôi cứ thấy hơi buồn buồn nuối tiếc. Ừ thì cứ bảo hoài cổ cũng được, nhưng sao tôi vẫn nhớ quá vườn bạch đàn và hàng rào râm bụt xao xác ngày xưa…
Tạ Thu Thủy