Người lạ
(Dân trí) - Ta mặc định người lạ thì hững hờ, hoài nghi. Ta chẳng thể nào vô tư trải lòng hay yêu thương hết mình trước một người lạ. Ta mỗi ngày sống cùng mấy tỷ người lạ, nhìn ai cũng không thấy tha thiết nên đời sống mãi hoang mang.
Ta yêu nhất bố mẹ ta, con cháu ta, vợ/chồng ta, anh chị em ta, bạn bè ta hoặc người tình ta. Nên ta vẫn đau khổ tột cùng khi một người thân qua đời, vẫn sân hận, nhớ nhung bầm gan tím ruột khi một người tình hết yêu, vuột ra khỏi tầm kiểm soát, sở hữu của ta.
Có kẻ nghĩ mình trắng tay khi mất sạch những tình thân trong đời. Cha mẹ đã xa lìa cõi tạm, anh chị em ly tán, bạn bè ai lo phận nấy, đứa con thơ khờ dại trong lúc dỗi hờn đã hét vào mặt: "con ghét mẹ nhất trên đời", người đầu ấp tay gối năm năm có lẻ bỗng một ngày trở về nhà nói lời ăn năn - "bao lâu nay anh đã lừa dối em đi ngoại tình, giờ anh muốn ly hôn, giải thoát cho cả hai". Bầu trời dường như sụp đổ, niềm tin rằng mình sở hữu chồng mình, con mình, rằng họ không phải người lạ, rằng có họ đời sẽ hết cô đơn, đau khổ cũng sụp đổ hoang tàn, chóng vánh.
Chị lên chùa vài hôm mong giải tỏa căng thẳng. Trước khi xuống núi sư cô nói với chị rằng Phật dạy một trong những nghiệp căn ở đời là “người dưng chết chóc, nước mắt ráo khô, thân quyến qua đời, đầm đìa lệ máu”. Chị không hiểu đạo và thấy rất mông lung, người thân ắt phải hơn người lạ, cớ sao ta phải khóc than vì đám tang một người không máu mủ, tình thương.
Kẻ trắng tay trở về với công việc bộn bề và cuộc hôn nhân vụn vỡ. Người chị từng muốn nắm riết lấy tay đi trọn kiếp sau khi ký roẹt tờ đơn nhạt toẹt bỗng trở thành người xa lạ. Chị đưa con về sống với mình. Đã thấm nỗi sợ hãi khi mất mát người thân nên chị học cách buông bỏ thói quen sở hữu, kiểm soát. Chị thôi biến nó thành đứa-con-của-mình, phải nghe lời mình, thực hiện ước mơ mình còn để dở. Chị yêu nó hồn nhiên, không đòi hỏi, chỉ muốn nó làm một em bé hạnh phúc. Đứa trẻ được mẹ tháo cho nhiều mối ràng buộc bỗng tươi tắn, yêu đời và yêu mẹ hơn.
Chị cũng tự tháo cho mình những mối định kiến khi tiếp xúc người lạ. Một lần dắt con về quê thăm mộ bố mẹ, chị ngạc nhiên vô cùng khi thấy một người lạ mặt đang lúi húi nhổ cỏ quanh mộ hai cụ. Nếu là ngày xưa chị đã nghĩ ông già đó lẩm cẩm nhầm mộ người người dưng thành mộ người thân, nhưng lúc ấy chị ân cần nói lời cám ơn, lòng thật sự biết ơn một người lạ quan tâm mộ bố mẹ mình. Cụ già hiền từ bảo " Tôi hay lên thăm mộ vợ, đi ngang thấy hai mộ này lâu ngày cỏ dại mọc cao, đoán chắc con cháu họ ở xa nên hằng tuần tôi vẫn làm cỏ giúp". Ba ông cháu cùng cười vô tư, ấm áp giữa nghĩa trang vắng buổi chiều tà, thấy ranh giới người thân người lạ như không tồn tại. Hình như chị dần hiểu lời Phật dạy về người lạ, người thân.
Kẻ trắng tay dần thấy mình không còn mất mát, cô độc vì những điều rất giản dị, vì mỗi buổi sáng ra đường chị vui vẻ và lễ phép đáp lại lời hỏi han của bà cụ hàng xóm mà trước đây chị vẫn cho là lắm lời; vì những ngày đông hai mẹ con lên vùng cao làm tình nguyện, chị tặng quần áo, bánh sữa, dành cái nhìn trìu mến và nỗi lo lắng chân thành cho những đứa trẻ không phải con mình, những đứa trẻ là nạn nhân của nghèo đói, mù chữ hoặc nạn tảo hôn; vì những lần ngẫu nhiên chị vô tư giúp đỡ, mỉm cười chào hoặc ân cần trò chuyện với một người lạ. Làm như thế không thể biến họ trở thành người thân của mình, nhưng khiến chị thấy nhân gian chật chội này không hề vô tình.
Rồi một ngày, một người lạ đặc biệt đến bên đời chị trong một lần con chị nhập viện. Anh là bác sỹ trực tiếp điều trị cho bé, anh nhiệt tình, tận tâm không phải vì phong bì dày cộm, chỉ là bản tính anh vốn thế, như bạn bè anh có người ác ý vẫn miêu tả “thích lo chuyện bao đồng”. Người lạ với chị quen thân từ lúc nào không hay. Con chị đã xuất viện, anh vẫn điện thoải hỏi thăm hai mẹ con. Những buổi hẹn café, những bữa cơm 3 người, những điều giản dị anh làm cho hai mẹ con kéo họ đến gần nhau hơn.
Chị không biết mối quan hệ này đi đến đâu và kéo dài được bao lâu nhưng chị sẽ để tình cảm đến tự nhiên, không tính toán, không vồ vập biến anh thành người thân, bởi những người lạ gặp được nhau đã là một duyên lành.
An Nguyên