Người đàn ông bí ẩn của mẹ

“... Thấy ánh sáng le lói từ phòng bên lọt qua khe cửa, nó từ từ tiến lại gần. Cảnh tượng lạ lùng diễn ra trước mắt nó. Chú ấy đang ôm ghì lấy mẹ…”

 Ngày đó, cha nó đi công tác xa. Mỗi lần chú đưa thư ghé nhà là hai mẹ con mừng mừng tủi tủi. Những lá thư chan chứa tình yêu thương từ cha thấm lệ mẹ ướt nhòa.

Người đàn ông bí ẩn của mẹ - 1


Bẵng đi một thời gian, bóng dáng chú đưa thư thưa dần. Khi nó lên 10 tuổi, có một người đàn ông thường ghé nhà, giúp mẹ khi thì sửa lại mái ngói, lúc thì đóng cái chân bàn bị khập khiễng. Chú hay mua kẹo và tập viết cho nó. Chú nhẹ nhàng, ân cần và chu đáo. Càng ngày nó càng thấy chú ở nhà mình nhiều hơn. Lúc đầu nó khó chịu lắm, riết thành quen.

 

Sự hiện diện của chú vào mỗi tối khiến mẹ con nó đỡ phần cô quạnh, giúp nó bớt lo sợ vào những lúc đêm khuya. Nó nhận được nhiều quan tâm từ chú ấy. Và đôi khi nó thấy thương cha rất nhiều, tự thấy mình thật đáng trách.

 

Đêm nọ, nó giật mình thức giấc, chẳng thấy mẹ đâu. “Mẹ. Mẹ ơi!” - tiếng nó vang vọng cả căn nhà.

 

- Mẹ đây. Mẹ đây rồi. Sao vậy con?

 

- Con đau bụng quá!

 

- Chắc lại mấy con giun rồi. Mẹ xoa dầu một lúc là khỏi ngay ấy mà.

 

Nó dần thiu thiu ngủ trong vòng tay ấm của mẹ. Nhưng chỉ được lúc sau, nó chợt thấy lành lạnh, trông trống, mở mắt ra lại không có ai bên cạnh nữa. “Ủa, mẹ đâu nữa rồi?” - nó lẩm bẩm, lần mò đi tìm mẹ. Thấy ánh sáng le lói từ phòng bên lọt qua khe cửa, nó từ từ tiến lại gần. Cảnh tượng lạ lùng diễn ra trước mắt nó. Chú ấy đang ôm ghì lấy mẹ…

 

Từ lần ấy, nó trở nên thờ ơ với mẹ và lạnh nhạt với người đàn ông kia. Nó bắt đầu ít nói hơn và hay thu mình trong một góc nhỏ. Có lúc đang ngồi học bài bỗng dưng nước mắt nó lăn dài. Nó nhớ những lúc hiếm hoi cha có mặt ở nhà. Nhớ những lần vui mừng khi cha mua quần áo mới cho hai mẹ con vào mỗi kỳ nghỉ phép...

 

Nó trở nên bướng bỉnh, khó bảo và hay cãi lời mẹ. Có đêm mất ngủ, nó lang thang ngoài vườn nghĩ về cha và òa khóc một mình, ấm ức, tức tối. Trong thâm tâm, nó ghét mẹ và người đàn ông kia vô cùng. Nỗi thất vọng ngập tràn, nó chán nản, học hành bê trễ. Đã vài lần nó tính chuyện bỏ nhà ra đi, nhưng nghĩ đến cha lại thôi.

 

Mỗi lần cha về phép, nhìn cha sửa soạn lại nhà cửa nó chợt chạnh lòng. Bước chân ngập ngừng tiến đến gần cha nhưng rồi lui lại, nó định mở lời mà sao lo sợ quá. Phải, nó muốn mẹ có cơ hội để thay đổi…

 

Theo PGS - TS Lê Thị Hoa, Bộ môn Tâm lý học, Trường ĐH KHXHNV TPHCM, trong tình huống này, người mẹ đã đánh mất niềm tin và cả lòng kính trọng của con.

 

Gặp những đứa trẻ cá tính mạnh, nó có thể căm ghét mẹ vô cùng và không tin bất cứ ai nữa. Nếu không giải quyết kịp thời vấn đề này, sự tổn thương về tinh thần sẽ còn kéo dài và tác động nhiều tới sự phát triển tâm lý của trẻ sau này.

 

Người mẹ nên mau chóng xin lỗi con và có thể nói với con rằng: Mẹ đã sai lầm, đó chỉ là phút yếu lòng và trong chốc lát mà thôi, thực sự mẹ không muốn phá vỡ mối quan hệ gia đình. Mẹ đã chấm dứt mọi chuyện với người đàn ông kia và từ nay sẽ tập trung chăm sóc cho con và cha. Hơn ai hết, hai cha con mới chính là hạnh phúc đích thực của mẹ. Cuộc sống của mẹ sẽ không còn ý nghĩa nếu thiếu một trong hai người. Hãy bỏ qua cho mẹ và chúng ta sẽ bắt đầu một cuộc sống mới hạnh phúc hơn con nhé!

 

Bên cạnh đó, người mẹ nên tìm một giải pháp từ người thứ ba. Đây có thể là chuyên gia tâm lý hoặc một người thân cận, gần gũi mà trẻ tin tưởng để làm chiếc cầu nối giữa hai mẹ con, dần dần lấy lại sự cân bằng tâm lý cho con.

 

Theo PNO

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm