Người chồng lý tưởng

Minh lấy Huyền khi cả hai còn là sinh viên. Bố mẹ Huyền rất khó tính nên thường cấm cản những cơ hội tiếp xúc bạn bè vì sợ con hư. Biết con gái yêu Minh nhưng ông bà vẫn muốn cô lấy con một người bạn cũ để định cư ở Mỹ cho an nhàn tấm thân.

Nhưng ngăn cản con gái không được, ông bà sợ Huyền làm liều, nên bằng lòng gả cho Minh nhưng lại nói hờn với Huyền trước ngày cưới: “Minh là do con chọn, sau này khổ đừng bước chân về nhà”.

 

Những “trục trặc” giữa Huyền và gia đình, Minh đều biết. Anh luôn cố gắng để vợ mình không khổ. Tốt nghiệp ĐH Kiến trúc, anh lao vào làm việc điên cuồng để vợ không thua chị kém em.

 

Ngày Huyền có bầu đứa con đầu lòng, anh vội vàng vay tiền mua nhà riêng để cô không lệ thuộc bố mẹ chồng. Ở riêng, Huyền phải thức đêm chăm sóc con nên Minh đỡ đần vợ chuyện đi chợ, nấu ăn. Huyền gần như được bao bọc trong vòng tay của chồng từ công việc nhà đến xã hội, cô chỉ có mỗi nhiệm vụ giữ tiền và cân đối chi tiêu trong gia đình.

 

Khi con đến tuổi đi nhà trẻ, Minh bảo Huyền: “Em nên đi làm, không phải vì tiền mà đây là quan hệ xã hội, con người nếu không giao tiếp với cộng đồng thì dễ cô độc và tụt hậu”. Huyền nghe lời chồng, gửi con đi nhà trẻ rồi đi làm. Còn Minh bắt đầu thời khoá biểu mới. Sáng: tắm cho con, đưa con đi học, đi chợ, phơi quần áo, đi làm. Chiều: 4 giờ đón con về, cho con ăn, uống thuốc, nấu cơm. Minh làm mọi việc trong ngoài cốt để Huyền thoải mái chuyên tâm vào công việc.

 

Đến một ngày, Huyền nói: “Anh ơi! Mình sinh thêm em bé thôi, Tí lớn quá rồi”. Minh rất vui nhưng trong lòng không khỏi “bối rối” vì một núi công việc đang chờ anh.

 

Họ sinh em bé, may mắn thay kỳ này là bé gái. Mặt Huyền rạng rỡ, bạn bè ai cũng khen vợ chồng khéo đẻ. Ngày bế em bé từ bệnh viện về, Minh tiếp tục “con đường đau khổ” tập 2. Ngày bé được bảy tháng, Huyền đi công tác nước ngoài một tháng. Cơ quan thấy cô luôn hoàn thành nhiệm vụ nên ai cũng khen cô khéo thu xếp. Công việc của cô ngày một tốt hơn, ở lãnh vực của mình cô đã thành một chuyên gia lỗi lạc. Cô được mời đi nước ngoài liên tục.

 

Huyền và hai con là một bộ ba vui vẻ dưới sự “bao cấp” từ A đến Z của Minh. Chỉ có điều, nếu lỡ hôm nào Minh bận việc hay đi công tác xa, một hai ngày là nhà cửa rối tung rối mù, mẹ con í oé.

 

Còn về phía Huyền, nhờ không nặng gánh lo toan nên trông cô trẻ hơn tuổi 40 của cô. Có không ít đàn ông theo đuổi Huyền. Họ thanh lịch, thời thượng, kè kè vi tính xách tay, da dẻ hồng hào chứ không đen đủi, phong trần và vất vả như Minh.

 

Sau nhiều đêm suy nghĩ, trằn trọc, cân đo đong đếm, Huyền thấy cuộc đời cô như mới bắt đầu. Cô nói với Minh “Em sẽ đi Mỹ vài tháng, vừa là công việc, vừa là đi chơi và để suy nghĩ về hôn nhân của chúng mình. Em thấy hình như mình chưa được sống, chưa được yêu”. Cô nói nhiều nhưng Minh chỉ cần nghe “khúc nhạc dạo” là hiểu hết phần sau. Anh chỉ cười mỉm “Em cứ đi, cố gắng quan sát và suy nghĩ”.

 

Sau sáu tháng ở Mỹ, Huyền về lại Việt Nam mà không báo trước cho chồng con. Cô bước vội vào nhà, ôm con vào lòng khóc oà, rồi ngần ngại liếc nhìn thái độ của chồng. Minh mỉm cười ý nhị.

 

Là người đàn ông từng trải, anh biết điểm yếu của mình là bao bọc, bao cấp tất cả, tạo điều kiện cho vợ nhìn cuộc đời chỉ bằng cặp kính màu hồng. Và để cho vợ ý thức mình đang có những gì trong tay, không còn cách nào hơn là đồng ý cho vợ ra đi và chấp nhận sự trở về của vợ. Và anh biết bắt đầu từ đây căn nhà này mới trở thành mái ấm.

 

Theo Phụ Nữ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm