Nghẹn ngào những đứa trẻ gọi bà ngoại, cô hàng xóm là... mẹ
(Dân trí) - 3 tháng tuổi, mẹ thả Tũn lại cho bà ngoại nuôi rồi đi biền biệt. Nhiều năm qua, Tũn gọi bà ngoại là mẹ, "nắn" lại không được.
Về ngoại đón Tết, là người mẹ có con nhỏ, điều tôi nặng lòng nhất ở quê là hình ảnh những đứa trẻ thiếu vắng mẹ cha. Chúng sống với bà, với dì, với cậu... có thể đủ ăn đủ mặc nhưng lại đang thiếu thứ cần nhất của mỗi con người, đó là thiếu mẹ, thiếu cha.
Đối diện nhà tôi là hàng tạp hóa của bà Hảo. Bà có đứa cháu ngoại lên 6, cu Tũn. Từ bé, Tũn gọi bà là mẹ, ai "nắn" thế nào cũng không được.
Dung, con gái bà Hảo, học xong lớp 12 ra Hà Nội kiếm việc làm. Vài tháng sau, Dung trở về với cái bụng lùm lùm, anh bạn trai chuẩn bị cưới vướng vào tù tội với cái án mấy năm tù.
Bà Hảo sửa cửa hàng tạp hóa, mở rộng hơn với suy nghĩ tạo việc cho con gái, mấy bà cháu, mẹ con nuôi nhau. Nhưng không, sinh con được 3 tháng chưa dứt sữa, Dung vứt con lại cho bà rồi đi biền biệt, lâu lâu gửi về ít tiền.
Hai bà cháu díu dắt nuôi nhau, đứa cháu nhỏ gọi bà là mẹ. Cách gọi như để phần nào bù đắp thiếu thốn trong nó.
Ở cuối làng, bé Thảo đang học lớp 2 ở với nhà bác ruột. Ngoài giờ học, Thảo ngồi trước ti vi hoặc chạy chơi khắp làng không ai quản lý, hỏi han. Nhà bác cũng có 3 đứa nhỏ, công việc bận tối tăm mặt mũi.
Trước 4 tuổi, Thảo sống cùng bố mẹ. Bố mẹ Thảo cưới nhau khi còn nhỏ tuổi, sống tại một căn nhà thuê trong xóm. Hai vợ chồng chửi nhau, đánh nhau suốt ngày.
Bà mẹ trẻ nhiều lần ôm đồ bỏ đi, mặc hai cha con. Mẹ đi rồi về, về rồi lại đi... Cách đây mấy năm, chị vào Nam, đã sống với một người đàn ông khác.
Một thời gian trong cảnh gà trống nuôi con, ông bố gửi con gái lại cho bác rồi đi làm ăn... Mới đây, bố cũng đã có gia đình mới.
Bữa cơm tất niên ở nhà cô bạn cũ của tôi có vị khách không mời là cậu nhóc 5 tuổi nhà cạnh. Cô bạn xúc thật nhiều món con cho thằng nhỏ, thằng nhỏ ríu rít: "Con cảm ơn mẹ Hạnh! Cảm ơn bố Tuấn".
Hạnh kể, bố mẹ bé bỏ nhau từ khi đứa bé mới một tuổi, để con lại cho bà cô nuôi. Thằng bé không thiếu ăn, thiếu mặc nhưng thiếu tình thương, thiếu những cái ôm, vỗ về của cha, của mẹ. Bé hay sang nhà Hạnh chơi, gọi Hạnh và Tuấn là mẹ, là bố.
"Nhiều khi nhìn thằng bé lủi thủi, nói con nhớ mẹ, nhớ bố lắm mà tao chảy nước mắt. Chỉ biết ôm lấy nó", Hạnh nghèn nghẹn.
Trong làng, nhiều đứa trẻ đang sống lay lắt không có cha có mẹ bên cạnh như vậy, chúng gọi ông bà, hàng xóm là bố là mẹ. Có đứa, mẹ không chồng, hoặc vợ chồng bỏ nhau, mặc nhiên thả con lại cho người thân nuôi.
Đông không kém là những đứa trẻ bố mẹ đi làm ăn xa, vào miền Nam, đi xuất khẩu lao động... gửi con cho ông bà, người thân. Hàng tháng, bố mẹ gửi tiền nuôi dưỡng về.
Có những đứa trẻ, nhiều năm trời chưa gặp lại bố mẹ. Hay khi bố mẹ đi mới chỉ lẫm chẫm, ngày bố mẹ về đã lớn tồng ngồng.
Có những làng quê, chỉ toàn người già và trẻ nhỏ sống trong những ngôi nhà khang trang, rộng rãi từ tiền bố mẹ gửi về. Trong những ngôi nhà đó, trẻ nhỏ thiếu kiệt quệ tình cảm thiêng liêng nhất của đời người là tình phụ tử, mẫu tử. Thiếu những cái ôm, những lời hỏi han, quan tâm và thiếu cả những lời trách phạt...
Biết rằng, cuộc sống là những lựa chọn và lựa chọn nào cũng phải đánh đổi. Nhưng trong mọi lựa chọn của không ít ông bố bà mẹ ngày nay, dường như đứa trẻ đang nằm cuối vùng ưu tiên.
Có lẽ chưa bao giờ những đứa trẻ ở làng tôi lại dễ dàng bị bỏ rơi như vậy bởi chính bố mẹ mình...
Ít ai nói với nhau rằng, trong mọi hoàn cảnh, trước hết phải làm mọi cách để con được quyền thụ hưởng mẹ cha và cha mẹ cũng được quyền thụ hưởng con.
Người người chỉ nhìn vào nhau để đo nhà ai to hơn, lương tháng bao nhiêu, có bao nhiêu tiền gửi ngân hàng...
Và đó không chỉ là sự thiệt thòi mà chúng sẽ còn rất khó khăn trong quá trình trưởng thành. Trẻ có thể gặp những sang chấn, khủng hoảng khi bố mẹ chọn buông tay con.
Như tiếng cu Tũn da diết và ám ảnh gọi bà ngoại khi xế chiều: "Mẹ ơi!".