“Nghề” trông trẻ

(Dân trí) - Bà là con vợ lẽ, bà cả đã mất. Thời phong kiến lề lối đã khiến mẹ con bà bị ghẻ lạnh, cuộc sống như phải chịu ơn những người con của bà cả.

 

 

“Nghề” trông trẻ - 1


Năm bảy tuổi bà được cử đến trông con cho ông anh cả. Con mèo tha con chuột. Kể sao hết nỗi tủi thân, vất vả của bà khi ấy, bởi bị coi như phận con sen người ở, trông có lúc hai ba đứa cháu, vừa phải nấu cơm giặt giũ, quét dọn nhà cửa...

 

Lần bạn chị dâu đến chơi, hỏi thăm, chị trề môi nói giọng coi thường: “Con bà hai đấy!”, thi thoảng lại bị nghe xỉa xói vì để cháu ngã hoặc lê la nom bẩn thỉu. Bà trông hết đứa nọ đến đứa kia, hàng chục đứa. Ông anh đùa: “Nom cô có số làm bảo mẫu”.

 

Cho đến năm mười sáu tuổi bà mới về ở với mẹ mình, khi đó bố vừa mất do tuổi già.

 

Mười tám tuổi, bà được mai mối lấy người ở làng bên. Cuộc sống sang một trang mới với bao vất vả mới.

 

Bà sinh liền tù tì năm năm ba đứa đều là con trai. Như bao phụ nữ thời ấy, bà phải làm một mạch từ lúc có chửa cho đến tận hôm chuyển dạ đẻ chẳng được ngơi tay. Bởi có làm thì mới có ăn. Ông ngày ấy luôn dành thời gian lo lắng cho nội tộc, những việc lớn của dòng họ, đâu có rảnh rỗi lo cho những vụn vặn như việc vì sao có gạo mà ăn, làm sao cho các con khôn lớn.

 

Như việc chửa đẻ, tất yếu đàn bà phải có trách nhiệm gánh vác. Bà vượt cạn một mình, chồng chẳng ở gần mà vỗ về, động viên. Sau đó bà vừa trông con vừa làm, đã có kinh nghiệm nên bà không bị cuống cuồng, rối tung mọi thứ.

 

Ba đứa trẻ quăng quật lớn lên, đứa nào đứa nấy chắc rắn như nắm cơm. Được huấn luyện, dạy dỗ từ bé nên giúp mẹ được khối việc, chẳng nề hà gì, từ đồng áng đến việc nhà. Bà cũng như thấy được an ủi phần nào, tự nhủ cuộc sống của bà bớt u ám, cực nhọc rồi chăng!

 

Nhưng có lẽ lời ông anh ngày nào đã vận vào người, cái nghề trông trẻ như bám riết lấy bà. Khi anh con cả lấy vợ rồi sinh con, bà vui vẻ trông cho. Khốn nỗi, con dâu cũng cứ sòn sòn năm một, cả thảy ba đứa. Trong thời gian ấy thì anh thứ hai lấy vợ.

 

Khi đứa cháu nội đầu tiên được hơn hai tuổi cũng là lúc vợ anh thứ hai đẻ con, và khổ thay, lại cũng năm năm ba đứa. Tóm lại cả thảy bà được sáu đứa cháu, hai trai bốn gái. Bà phải ôm hết vào người, bởi bà ngoại chúng, bà thì đi làm kinh tế mới tít trong Lâm Đồng, xa xôi, bận rộn, còn không ra thăm được, còn một bà cũng hai nách hai đứa cháu mà bà ấy đã già yếu, đi lại khó khăn, đâu khỏe khoắn bằng bà nội. Thôi thì cháu bà nội bà nội chăm nhé!

 

Thế là nhà bà hệt cái nhà trẻ, đông vui tấp nập với bọn cháu lít nhít đủ mọi lứa tuổi. Bà dạy đứa lớn trông đứa bé để bà tranh thủ làm việc nhà. Bà vẫn chịu khó, quán xuyến mọi việc cho con dâu và con trai yên tâm công tác. Khi đứa cháu gái đầu được sáu tuổi, đứa út của anh thứ hai sắp sinh thì anh con Út của bà cũng bắt đầu rộn ràng đám cưới. Chín tháng sau vợ anh sinh con, khó khăn từ đây bắt đầu nảy sinh, bởi anh công tác trên thành phố, bà ngoại quê cũng xa nên việc trông cháu lại đến lượt bà nội. Vấn đề bây giờ là mấy đứa cháu ở quê biết thu xếp làm sao?

 

Đứa đầu sắp lên lớp hai, hai đứa con của hai anh bằng tuổi nhau cũng đã đi nhà trẻ, giờ còn ba đứa, ba tuổi, hai tuổi và đứa út của anh thứ hai gần đầy năm đã cai sữa.

 

Tính tới tính lui bà quyết định tha cả ba đứa cháu lũ lượt đến chăm dâu đẻ. Nhìn cảnh ấy, ai nấy không khỏi cười ra nước mắt. Bà bảo: “Con nào cũng là con, cháu nào tôi cũng quý, cũng yêu. Sáu đứa kia tôi chăm cho từ lúc đỏ hỏn, thì đến lượt anh út này không đi áy náy lắm!”.

 

Ban ngày mọi người trong nhà đi làm cả nên sân khá rộng, hai đứa lớn rủ nhau thơ thẩn ra đó chơi. Thi thoảng bà đang giặt, đứa hai tuổi lại nhõng nhẽo chạy đến đòi ngồi vắt vẻo trên đùi bà. Đứa bé nhất được ưu ái địu trên lưng để làm việc, từ đi chợ nấu nướng đến giặt giũ... Mọi người đều tròn mắt khâm phục sự đảm đang, tháo vát của bà.

 

Thế rồi thời bận bịu khó nhọc với các cháu qua đi. Vì đẻ cùng lứa nên chúng cứ lớn cùng một lúc, đi học hết, bà đâm nhàn rỗi, lại quay về với ruộng đồng, vườn cây, luôn tay luôn chân, chẳng bao giờ thấy bà ngồi một phút cho thảnh thơi.

 

Năm tháng trôi, đứa cháu đầu vừa tốt nghiệp cao đẳng. Bà lại bỏm bẻm: “Mày lấy chồng mau đi, bà còn khỏe bà đến ôm con cho”...

 

Thiều San Ly