Ngã rẽ của tình yêu

(Dân trí) - Lòng rối như tơ vò, Lan Anh với tay tắt điện thoại. Cô không muốn nghe, không muốn thấy và phải suy nghĩ bất cứ điều gì, nhất là những tin nhắn hay cuộc gọi từ Kiên. Bật máy tính, nghe bản tình ca buồn, Lan Anh thấy lúc này với mình sao khó khăn đến thế.

Về quê lập nghiệp

 

Bằng tuổi, lại là bạn từ thủa ấu thơ, sáu năm trước, Lan Anh cùng Kiên lơ ngơ chân ướt chân ráo lên Hà Nội học. Lần đầu xa nhà, bao nhiêu bỡ ngỡ, hụt hẫng với thầy mới, bạn mới, cả những đêm ôm gối khóc ròng nhớ bố mẹ, Lan Anh được Kiên giúp đỡ và an ủi rất nhiều.

 

Hai đứa ở cùng dãy trọ trên đường Cầu Giấy. Cái xóm nhỏ bé và ẩm thấp, hễ trời mưa dù to hay nhỏ nước cũng lõm bõm ngang bắp chân. Mùa mưa, sáng nào cũng vậy, Kiên dậy thật sớm dắt xe cho Lan Anh qua đoạn đường “đau khổ”. Nhớ có lần, Lan Anh ngã trẹo chân, suốt một tuần liền, Kiên lo thuốc thang, cơm nước và đưa đón cô tới trường.

 

Tình cảm cứ lớn dần theo thời gian, lòng hai người đã mang thứ cảm xúc cao hơn tình bạn. Kiên tỏ tình vụng về vào một tối Giáng sinh, sau khi hai đứa đã đạp xe rong ruổi cả ngày. Anh mua tặng cô một con thú bông hình trái tim có dòng chữ “I love you” ngộ nghĩnh. Còn cô cũng mất công lắm khi chọn cho anh chiếc khăn quàng cổ ấm áp.

 

Ra trường, Lan Anh xin làm phiên dịch ở một công ty máy tính của Mỹ, lương tháng đủ sống tương đối tốt giữa đất Hà Thành. Kiên lang thang hết công ty tư nhân này đến công ty tư nhân khác, anh đâm chán nản khi tính chuyện tương lai.

 

Hai đứa dự định đi làm, tiết kiệm tiền, mua tạm một căn hộ chung cư nhỏ và kết hôn. Nhưng giấc mơ mãi chỉ là giấc mơ khi giá cả leo thang theo cấp số nhân, còn lương tháng “ngoi” lên theo cấp số cộng.

 

Đang chơi vơi như người chết đuối giữa dòng, Kiên vớ được cái phao cứu sinh từ quê. Bố mẹ báo tin vui: “Đã xin cho con được vào Sở rồi. Thu xếp rồi về nhà nhanh nhé”.

 

Cơ hội ngàn năm có một, Kiên không thể bỏ qua. Về quê nghĩa là anh có cơ hội tiến xa trên con đường sự nghiệp, hơn rất nhiều ở lại Hà Nội loanh quanh với mấy công ty tư nhân, biết bao giờ mới ngóc đầu lên nổi.

 

Nàng có cùng về?

 

Kiên về nhà đã hơn tháng, hai người ngày nào cũng nhắn tin, gọi điện, cuối tuần vẫn gặp nhau nhưng Lan Anh ngày càng buồn bã.

 

25 tuổi, bạn bè cùng trang lứa lần lượt yên bề gia thất. Chuyện tình với Kiên, bố mẹ cô đều biết và rất ủng hộ. Mẹ còn nhắc khéo: “Thôi con ạ, về sống gần gia đình còn hơn vất vưởng ngoài ấy. Con gái có thì, không tính đi thì đợi đến bao giờ nữa”. Lan Anh chỉ biết “vâng dạ” cho qua.

 

Suốt bao năm, cô đã quá quen thuộc với từng cửa hàng, quán ăn và cái chợ nhỏ bé trên đường Cầu Giấy này. Nhóm bạn Đại Học cũng chỉ ở trọ quanh đây. Thứ Sáu nào cũng vậy, hễ tan giờ làm là í ới tụ tập, ăn uống, nói cười.

 

Về quê, Lan Anh sẽ giống như những người phụ nữ khác, như bà, như mẹ, như những đứa bạn thời phổ thông, lấy chồng, sinh con, và kiếm một công việc ổn định, nhàn hạ để có nhiều thời gian chăm sóc gia đình. Thoáng rùng mình, cô không muốn trói buộc cuộc đời trong cái không gian nhỏ hẹp ấy.

 

Giờ thì cô chắc rằng Kiên sẽ không quay trở lại Hà Nội. Anh đã nói “Tùy em quyết định”. Hoặc cô về bên Kiên, bỏ lại sau lưng tất cả, công việc yêu thích, kế hoạch học tập, bạn bè thân thiết, phố xá ồn ào, hoặc ở lại, từ bỏ tình yêu.

 

Điện thoại lại reo, Lan Anh vẫn chưa tìm ra lời đáp…

 

Ngọc Anh