Phản hồi bài "Bà bầu tủi thân vì đề nghị của mẹ chồng khi mình mắc Covid":
Nàng dâu "F0 giữa lúc đang bầu" phản đối mẹ chồng can thiệp vào cuộc sống
(Dân trí) - Các mâu thuẫn gia đình đa phần không xuất phát từ chủ ý của người trong cuộc, mà sơ sảy từ việc các thành viên đã không tìm được cách ứng xử phù hợp với nhau trước mỗi vấn đề phát sinh.
Một nàng dâu trẻ đại diện tiếng nói của thế hệ sau góp ý về cách ứng xử trong gia đình khi gặp sự cố không mong muốn. Từ câu chuyện của "nàng dâu F0" bị mẹ chồng tách ngay chồng ra khi biết con dâu dính Covid , cô cho rằng các mâu thuẫn gia đình đa phần không xuất phát từ chủ ý của người trong cuộc, mà sơ sảy từ việc các thành viên đã không tìm được cách ứng xử phù hợp với nhau trước mỗi vấn đề phát sinh:
"Xin chào quý độc giả Góc "Chuyện của tôi", chuyên mục Tình yêu - Gia đình,
Em cũng trạc tuổi người vợ trẻ trong bài tâm sự "Bà bầu tủi thân vì đề nghị của mẹ chồng khi mình mắc Covid" . Xin được đại diện nói lên tiếng nói của thế hệ trẻ tụi em, những nàng dâu mới kết hôn và ít nhiều chịu sự can thiệp của mẹ chồng trong cuộc sống.
Em cũng tin rằng so với các mẹ, tụi em sẽ non nớt hơn về những trải nghiệm trong cuộc đời, cách nghĩ đôi khi có thể vẫn còn sự hiếu thắng và bốc đồng, chưa lo toan xa xôi nhiều như các mẹ.
Em cũng đọc phản hồi của bác Kim Xuyến , em tin rằng mọi người mẹ đều yêu thương đứa con của mình nhất trên đời, lo lắng cho sự an nguy của nó nhất trên đời, không nên trách móc họ vì tình yêu đó.
Nhưng sau khi đọc tâm sự của người vợ trẻ thì em nghĩ rằng điều khiến bạn chạnh lòng, rồi khó chịu không xuất phát từ việc mẹ chồng quá lo lắng cho con trai, mà xuất phát từ cách làm của bác ấy: Can thiệp, chỉ đạo ngay lập tức để tách con trai ra mà chưa cần biết ý kiến con dâu, chưa hỏi han xem bạn ấy và cháu nội mình đang thế nào trong hoàn cảnh vừa phát hiện mắc Covid.
Sự tủi thân của người vợ trẻ còn bắt nguồn cả từ cách ứng xử của chồng. Vợ chồng trẻ, nên kỳ vọng về cách thể hiện yêu đương với nhau tất nhiên sẽ nhiều hơn, "sến" hơn so với người lớn tuổi. Bình thường chưa ốm đã muốn được quan tâm rồi huống chi lại còn vừa trở thành F0, nhưng điều đó bạn ấy lại không nhận được từ chồng nên sớm phải thất vọng và oán trách.
Trong tình huống này, em thiên về việc ủng hộ vợ chồng trẻ tự giải quyết, sắp xếp. Các bạn ấy đã trưởng thành rồi, làm bố mẹ trẻ con rồi, có gia đình riêng rồi thì cần đặt các bạn ấy lên vị trí cao nhất của người quyết định mọi việc liên quan đến gia đình nhỏ của các bạn ấy. Ý kiến ông bà, người lớn tuổi trong nhà trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng đều chỉ là dành để tham khảo mà thôi, hợp lý thì nghe, mà nhiều khi các bạn không nghe thì ông bà cũng cố gắng cho qua đừng vì đó mà phật lòng, phiền não.
Sẽ thuyết phục hơn nếu ngay từ đầu mẹ chồng bạn ấy gọi điện hỏi han con dâu và cháu, xem tình hình bạn ấy thế nào, có cần mẹ hỗ trợ gì không, chủ động hỗ trợ bạn ấy những gì F0 cần và thổ lộ nỗi lo lắng của bác ấy rằng con trai bác ấy, tức là chồng của bạn ấy, từ bé đã không khỏe, bác ấy lo nếu anh chồng mắc Covid nữa thì sẽ thế nào, và hỏi ý kiến con dâu xem nên quyết chuyện này ra sao, "nếu các con cần, cứ để chồng con sang nhà bố mẹ cũng được"...
Trường hợp bạn ấy không muốn để chồng mình về nhà ông bà nội, muốn cả tổ ấm nhỏ sát cánh cùng nhau chiến đấu lại Covid thì cũng nên tôn trọng quyết định của bạn ấy, vì thực ra các bạn ấy cũng là người trưởng thành, biết phải đối phó với dịch bệnh và bảo vệ gia đình thế nào.
Khi ấy mong rằng các cụ hãy hết lòng hỗ trợ con cái. Có sức mạnh đoàn kết từ toàn thể gia đình thì Covid cũng chỉ là chuyện nhỏ mà thôi".
(Phản hồi của độc giả Thu Hồng)
Còn bạn, bạn nghĩ sao về ý kiến này? Bạn sẽ làm gì nếu ở vào hoàn cảnh tương tự như cô vợ trẻ ấy? Hãy nói lên ý kiến của bạn với chúng tôi bằng cách nhập Bình luận bên dưới bài viết nhé!
Mời bạn tham gia bình luận gỡ rối cho các bài viết trong chuyên mục "Chuyện của tôi" bằng cách nhập "Nội dung bình luận" phía cuối bài và ấn nút "Gửi bình luận". Các bình luận thú vị, phù hợp sẽ được chọn đăng trên chuyên mục Tình yêu - Giới tính. Trân trọng!