Năm đầu có em bé - mối nguy cho hôn nhân

(Dân trí) - Em bé mới ra đời mang theo nhiều hạnh phúc và cả những vấn đề nhạy cảm mà nếu không có kỹ năng giải quyết, vợ chồng rất dễ rơi vào khủng hoảng.

 
1. Mất cả lý trí vì thiếu ngủ


 

1. Mất cả lý trí vì thiếu ngủ

 

Những khó chịu nho nhỏ có thể tích tụ thành vấn đề nghiêm trọng dẫn đến ly hôn. Đầu óc thiếu tỉnh táo khiến bạn dễ nổi cáu với những lý do lãng xẹt nhất. Thực tế, theo kinh nghiệm của những người mới làm cha mẹ: “Đôi khi, tất cả những gì các bạn cần để giải quyết xung đột chỉ là chợp mắt một lúc mà thôi”.

 

2. Chóng mặt vì giặt giũ

 

Khối lượng việc nhà trong ngày trở nên “bùng nổ” kể từ khi em bé chào đời. Sự bừa bãi, lộn xộn của tã lót, khăn xô, quần áo, khăn tắm, khăn ủ… của bé khiến bạn có cảm giác “tôi chỉ là một con người nhỏ bé, sao có thể giải quyết hết chỗ này!”, và thế là lại tốn thêm ít năng lượng để vợ chồng tranh cãi xem ai là người phải mang đồ đi giặt.

 

3. Tâm lý không ổn định của mẹ

 

Đây là giai đoạn lúc nào người mẹ trẻ cũng tỏ ra lo lắng. Thiếu kinh nghiệm chăm con cộng với ý nghĩ “phải mang mọi điều tốt đẹp đến cho em bé” là nguyên nhân khiến mẹ luôn gắng sức, nỗ lực gấp đôi và tự rước vào nhiều áp lực. Bạn sẽ lo lắng đến cả việc ít nữa tôi đi làm thì con sẽ gửi ai, bỉm, sữa trong nhà còn hay hết… Đừng thái quá như vậy, hãy để bố em bé xắn tay cùng làm với bạn, những gì do anh ấy đảm nhiệm, anh ấy chắc chắn sẽ xuất sắc hoàn thành.

 

4. Nghe họ hàng hơn nghe chồng

 

Các ông bố bà mẹ trẻ thường xuyên mắc kẹt trong việc làm sao để cả mẹ đẻ lẫn nửa kia của mình được vui lòng. Xung quanh chuyện chăm nuôi em bé những ngày đầu, rất dễ xảy ra cảnh mỗi người một ý, các bà cho rằng điều này tốt nhất cho cháu trong khi bố mẹ có khi lại nghĩ điều kia mới tốt hơn…

 

Thực ra bạn không cần thiết phải quá đau đầu chuyện làm hài lòng đôi bên. Đã đến lúc lên kế hoạch quản lý mới cho gia đình nhỏ của bạn rồi, nguyên tắc là: Ý kiến của vợ/chồng tôi phải được đặt lên trên hết.

 

5. Không nghe bất cứ ai ngoài vợ/chồng mình

 

Hai người ở trên cùng một chiến thuyền, quá tuyệt! Nhưng hãy nhìn vào sự thật lạnh lùng này: Các bạn chẳng thể làm gì nếu chỉ có hai người đơn độc với nhau. Bạn sẽ phát điên và bắt đầu quay ra “cắn nhau” khi căng thẳng đấy. Hãy để những người thân xắn tay vào cùng giúp. Không chỉ chia sẻ được cùng vợ chồng bạn nỗi vất vả con mọn, họ còn đủ cảm thông để hiểu cho những rối loạn tâm lý gây ra bởi tình trạng thiếu ngủ của các bạn nữa cơ.

 

6. Cả tuần không cho bé ra ngoài

 

Ai cũng cần thay đổi khung cảnh sống. Vợ chồng bạn hãy đưa con ra ngoài hít thở không khí trong lành, đi uống cà phê để thư giãn, sẽ thấy cuộc sống bớt bực dọc hơn.

 

7. Không nói với nhau về sex

 

Nói về lần cuối cùng “gần gũi” vợ chồng, phụ nữ thường chỉ nhớ được lờ mờ trong khi đàn ông nhớ rất chính xác khi nào. Đây không đơn thuần là vấn đề nhu cầu sinh lý. Đàn ông qua chuyện “yêu vợ” cũng thấy được chấp nhận, được đánh giá cao, và được vợ yêu. Liên tục nhận câu từ chối chẳng khác nào bị vỗ vào mặt rằng “em không yêu anh”.

 

Phụ nữ nên hiểu người đàn ông của mình cảm thấy thế nào về tình dục, và anh ấy có nhu cầu được nói về chuyện đó. Trong giai đoạn “kiêng cữ” chưa thể gặp gỡ chồng, bạn đừng quên những cử chỉ vuốt ve, những nụ hôn âu yếm, và cứ thoải mái chuyện trò với anh ấy về ngày hai người “tái ngộ”.

 

HA

Theo RBM