Một kiểu “già nhân ngãi…”

(Dân trí) - Họ là sinh viên, doanh nhân, hay những người mới rời gia đình, chuyển đến sống ở một nơi khác để học tập và làm việc. Vậy cũng đồng nghĩa với để mối tình nồng cháy đã “quá mù ra mưa” của mình ở nhà, và bắt đầu cảnh sống vợ chồng… hờ xa nhau.

 

Tình yêu đẹp - cuộc sống trong mơ

Chưa đám cưới, mới chỉ là người yêu, nhưng Hoàng và Thu (Thái Nguyên) cũng như một số đông công dân 8x coi chuyện "ăn cơm trước kẻng" là rất bình thường.

 

Được một thời gian Thu phải rời quê nhà xuống Hà Nội học. Tưởng đâu tình cảm của họ sẽ bớt mặn nồng và tan vỡ như bao người chỉ trỏ, ai dè còn dữ dội hơn. Cứ cuối tuần Thu lại lên xe về TN gặp người yêu. Hai ngày ba đêm được nghỉ thì Thu ở nhà một ngày một đêm, còn lại cô nàng xây tổ ấm với Hoàng.

 

Mỗi lần như thế họ tốn vài trăm nghìn gọi là chi phí tình yêu. Đôi lúc nhớ Thu, bất chấp công việc hay học hành, Hoàng cũng phóng xe máy xuống thăm "vợ". Thương "chồng" đi xa vất vả, "cô vợ" lại nằng nặc đòi đi cùng về, sáng hôm sau bắt xe xuống sớm để còn học.

 

Cuộc sống không có ràng buộc gia đình, không có trách nhiệm con cái hay nghề nghiệp. Sự chi phối duy nhất tác động lên tình yêu "đẹp" của họ là tài chính và độ "hot" của tình cảm. Có thể vì phải xa nhau nên mỗi lần gặp nhau mỗi khác, đồng thời cảm thấy háo hức hơn, mới lạ hơn.

 

Linh và Hiệp vốn người Hà Nội gốc. Học cùng nhau từ nhỏ, lớn lên tự nhiên tình yêu đến với hai người. Linh trao cả đời con gái cho Hiệp với niềm tin sẽ chỉ là vợ của anh. Cuộc tình vụng trộm, cũng chẳng có ngày nào được sống bên nhau vì Linh vốn là con nhà gia giáo, 9h tối đã phải có mặt ở nhà.

 

Cơ hội đến khi Linh phải đi dạy ở Bắc cạn trong hai năm, gia đình xin cho cô ở lại nhưng cô nằng nặc đòi đi với lý do "rèn luyện". Mỗi cuối tuần Linh lén về Hà Nội với người yêu, hai người sống bên nhau như vợ chồng trong một căn phòng trọ. Xong cô quay lại với công việc và đếm từng ngày để được về bên "chồng".

 

Không ít đôi có hoàn cảnh tương tự, và chính vì mọi chuyện diễn ra êm đẹp, họ quên mất hôn nhân luôn giăng sẵn những cái "bẫy". Họ khẳng định họ có thể kết hôn và xây dựng một gia đình trong mơ: Không cãi vã, không bao giờ hết yêu thương và có thể người nọ hy sinh vì người kia, hiểu và thông cảm cho nhau.

 

Kết cục những cuộc tình

 

Quá tin vào "sự hiểu biết" của mình về người chồng hờ mà Linh đang sống cùng mỗi ngày cuối tuần, tự tin rằng đã sống thử với nhau như vợ chồng rồi, khó khăn cũng đã trải qua rồi, Linh và Hiệp đi đến hôn nhân.

 

Chân dung người chồng thật sự lúc này mới xuất hiện. Về ở với nhau Hiệp hiện nguyên hình là ông chồng bê tha rượu chè. Trước kia chăm cho Linh từng li từng tý, giờ anh ta thượng cẳng tay hạ cẳng chân mỗi khi Linh giận dỗi ghen tuông. Hai người cũng hay cãi nhau hơn với nỗi lo cơm áo gạo tiền và va chạm hàng ngày.

 

Cũng có lúc Hiệp dịu dàng ngọt ngào đưa vợ đi chơi đây đó như hồi mới yêu, lương lậu đưa đều đều, thỉnh thoảng lại xắn tay áo hộ Linh dọn nhà. Linh mới nhận ra hôn nhân thật sự là như thế nào.

 

Sống xa nhau hơn 100km, Hiền và Kiên vẫn bên nhau và yêu nhau theo kiểu vợ chồng xa mặc dù chưa kết hôn. Nhưng vốn tính ghen tuông, cô không tin Kiên sẽ chung thủy chờ cô nên lúc nào cũng thúc cưới, hoặc liên tục gọi điện hỏi anh đang ở đâu, làm gì, đi với ai,… và bắt anh về nhà ngay sau giờ làm.

 

Đôi lúc cãi cọ cô điên tiết lấy xe máy về để nói chuyện phải trái. Đến lúc Hiền có thai, Kiên giãn ra và kết luận một câu nhạt toẹt "chắc gì đã là con tôi, ở gần còn chả biết nữa là ở xa". Và thế là cái đám cưới trong mơ mà Kiên ngày ngày vẽ cho Hiền xem đã tan thành mây khói. Cô đành ngậm ngùi phá bỏ cái thai với bài học cay đắng nhớ mãi không quên.

 

Cặp Hoàng - Thu cũng không có kết quả tốt đẹp. Hoàng luôn nghĩ là yêu Thu và sẽ chung thủy với cô, nhưng chưa bao giờ anh muốn cùng cô làm đăng ký kết hôn và đứng trước bàn thờ tổ tiên của hai gia đình.

 

Đơn giản hơn, Hoàng nghĩ sống thế này đủ rồi, không gò bó cũng không phải trách nhiệm nặng nề, thấy không hợp thì chia tay khỏi thủ tục lằng nhằng.

 

Trong anh vẫn là suy nghĩ đơn giản Thu chỉ là người yêu chứ không phải là "vợ". Chính vì thế khi Thu học xong, quay về TN thúc Hoàng cưới thì anh cứ lần lữa "cưới làm gì, để từ từ sống thế này cũng được". Thu ngày ngày sống trong nỗi nghi ngờ tình yêu Hoàng dành cho mình.

 

Kết cục của những đôi "già nhân ngãi, non vợ chồng" thì ai cũng biết. Lành ít dữ nhiều. Nhưng pha trộn giữa sống thử kiểu sinh viên và vợ chồng xa thì kết quả cũng muôn màu.

 

Họ bị những lần sống thử đánh lừa và tin rằng người yêu chung thủy chờ đợi, yêu và muốn kết hôn với mình. Bị thực tế "giả" đánh lừa, không ít người rồi đã cay đắng nhận trái của "sống thử" chứ không phải niềm hạnh phúc đoàn tụ của "vợ chồng xa".

 

Tùng Nhi

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm