Mẹ chồng quá đáng
Tôi là người miền Bắc còn mẹ chồng tôi là người miền Trung. Thực tình trong thâm tâm, ngay từ lúc về làm dâu tôi luôn nghĩ sẽ sống yêu thương bố mẹ chồng như bố mẹ đẻ.
Tôi sinh bé thứ 2 cũng là lúc Chính phủ có quy định mới về đăng ký và quản lý hộ tịch. Theo đó, quê quán của con khi khai sinh được xác định theo quê cha hoặc quê mẹ theo tập quán hoặc theo thỏa thuận của cha mẹ (trước đây thì quê quán của con ghi theo quê quán của cha ruột).
Nghe được thông tin đó, tôi kể chuyện lại với gia đình, có mẹ chồng và chồng tôi ngồi đó. Tôi chỉ nói “đến giờ đẻ đứa thứ 2 khai sinh quê mẹ cũng được”. Chỉ có vậy thôi mà mẹ chồng tôi nói thẳng trước mặt tôi và chồng tôi, rằng: “Nó chửa với thằng Hải Dương (quê tôi ở Hải Dương) hay sao mà để con nó khai sinh ở Hải Dương”. Tôi choáng váng, chết lặng mà không nói được câu nào. Chồng tôi cũng không nói gì.
Hôm sau có việc tôi chạy qua nhà hàng xóm, bà hàng xóm hỏi lại: “Mày nói gì để bà ý nói là mày láo, coi thường dân Thanh Hoá (quê chồng tôi ở Thanh Hóa) và đòi cho con khai sinh ở Hải Dương. Mẹ chồng mày bảo mày chửa với thằng Hải Dương...”.
Tôi tím tái mặt mày, quá sức chịu đựng. Vượt quá giới hạn của lòng tự trọng, nhưng thể trạng yếu và không muốn nhiều lời, nhất là với người ngoài, nên tôi chỉ còn biết khóc. Tôi mới sinh con được mấy hôm cũng chỉ biết nằm khóc vì không thể chia sẻ được với ai. Tôi không biết phải nói gì với chồng mình vì chồng tôi rất coi trọng bố mẹ đẻ. Nếu tôi có nói gì anh cũng chỉ bảo bỏ qua cho bà hay đừng chấp vặt, đừng để ý. Nhưng anh đâu có phải là đối tượng phải chịu đựng những lời nói đó để mà không chấp nhặt, không để ý, để mà hiểu những cảm xúc khi bị xúc phạm như vậy!
Rồi mọi chuyện cũng qua. Chúng tôi lên Hà Nội thuê nhà trọ, làm việc những mong kiếm ít tiền lo cho con cái. Mới đây con tôi bị ốm, chồng tôi thì đi công tác. Con tôi sốt cao, phải truyền nước, bà ra ở cùng hai mẹ con tôi. Tôi đã rất khéo léo để mẹ con hòa thuận nhưng không phải lúc nào cũng được như ý. Cháu nhà tôi sốt cao quá, phải truyền nước. Cháu quấy, tôi đành tay bế con, tay cầm chai nước truyền rong rẩy đưa con đi chơi. Cứ ngồi một chỗ là cháu khóc đòi giật kim truyền ra. Không còn cách nào khác, tôi đành gọi mẹ chồng giúp. Nhưng có vẻ bà không vui vì điều đó.
Hôm sau là Chủ nhật tôi cho con ở viện về nhà trọ nghỉ ngơi. Cô bé hàng xóm trọ nhà bên mang gạo sang nhà tôi rủ làm bánh ăn. Bà thấy thế mắng chửi tôi, thậm chí mắng lây sang cả cô bé đó, rằng “con thì đau ốm, không chịu quan tâm cứ bày trò”.
Cô hàng xóm kia ngại quá đi về, tôi đành mang chậu gạo sang bảo nó “bà mang gạo nhà bà về đi” (tôi và cô bé hàng xóm vẫn hay xưng tôi - bà). Vậy là bà làm ầm lên, bà nói tôi mất dạy, bà mất bao công sức mang gạo lên rồi lại bảo bà mang về. Hôm mẹ chồng tôi lên ở cùng chăm cháu, có mang gạo lên cho vợ chồng tôi. Biết mẹ chồng hiểu lầm, tôi đã cố gắng giải thích cho bà hiểu tôi thật sự không nói bà, tôi vẫn xưng tôi - bà với cô bé hàng xóm. Bà nghe thế sau hồi nóng giận, cũng bảo “không phải thì thôi!”.
Tôi tưởng mọi chuyện dừng ở đó do có chút hiểu lầm nhỏ. Nhưng không, đến tối nấu cơm xong tôi mời bà lên ăn, bà bảo “tôi không ăn cơm nhà chị cho đỡ nặng lòng”. Tôi ức đến đắng họng. Tôi lại kìm nén bưng mâm cơm đi mà chẳng thể ăn nổi.
Buổi tối, chồng tôi về hỏi “sao chưa ai ăn cơm?”. Mẹ chồng tôi lại ầm ĩ lên nói những câu như lúc trước, rằng tôi mất dạy, bà mất bao công sức mang gạo lên để tôi nói láo là bà mang gạo về nhà bà đi. Ngay lúc đó nghe tôi giải thích, chồng tôi giải thích lại với bà. Nhưng bà kết luận một câu “Nó cố tình nói thế! Nếu không cố tình thì nó đã bảo: bà mang bột nhà bà về chứ sao nó lại nói là bà mang gạo nhà bà về”.
Tôi không còn gì để nói nữa. Mọi uất hận dồn nén. Tôi có cảm giác tôi không thể “chinh phục” nổi mẹ chồng. Tôi bất lực khi không thể hiểu nổi tôi đã làm gì để bà ghét tôi. Ngay tối hôm sau, khi bà đã trở về quê, tôi nói trong nước mắt với chồng, rằng chúng ta chia tay. Rằng kiểu gì anh cũng chẳng bỏ được mẹ anh, còn em thì có cố gắng cũng chẳng thể ở được với mẹ anh.
Tối đó cả hai chúng tôi đều khóc rất nhiều. Từ khi lấy nhau sướng khổ như nào anh đều biết. Nhưng những nỗi lòng, sự căng thẳng mà tôi phải chịu đựng với mẹ chồng giờ anh mới thấm thía. Chồng tôi đã động viên. Anh nói anh thương tôi nhiều, vợ chồng ở với nhau là chính, bố mẹ không thể tác động được. Rồi cũng từ hôm đó, quan hệ giữa mẹ chồng và tôi vẫn rất căng thẳng. Tôi không gọi điện về hỏi thăm bà nữa vì tôi không biết mình có thể nói chuyện với bà không, nếu có thì nói chuyện gì đây! Mỗi lần bà gọi điện lên, tôi để chồng nghe hoặc đưa máy cho chồng. Quan hệ của chúng tôi vẫn chưa được giải tỏa.
Chẳng ai muốn lấy chồng mà phải bắt chồng từ bỏ cha mẹ, nhưng nhiều khi cha mẹ chồng có coi người con dâu đấy là con thực sự không?
Theo Thu Trang
Gia đình & Xã hội