Mang con ra dọa chồng

(Dân trí) - Vừa về đến đầu ngõ, Trung đã giật nảy mình. Vợ và con anh đứng sừng sững như hai bóng đen câm lặng dưới ánh đèn đường nhợt nhạt trong đêm đông lạnh giá. Cảnh tượng y như trong một bộ phim kinh dị.

Lần nào cũng như lần nào, cứ mỗi khi Trung nhậu nhẹt về muộn, vợ anh lại dắt thằng con 5 tuổi ra đầu ngõ đứng chờ bố về cho kỳ được mới thôi.

 

Cô bảo: “Ông này vợ nói có chịu nghe đâu, đang nhậu mà em gọi điện, thấy hiện số vợ lên là tắt máy, em điên lắm, phải làm cách này!”. Dù có tính hay “cả nể” bạn bè, nhưng sau vài lần như vậy, Trung “rét” hẳn.

 

Đứa con là của chung hiện hữu nhất giữa hai vợ chồng, dùng “của chung” để gây áp lực với người kia không phải chuyện hiếm. Có nhiều kiểu “áp lực” rất dễ thương.

 

Lan Nhi, mỗi lần chồng về muộn lại “nhờ” con gái Vân Nhi 2 tuổi gọi điện cho bố. Nghe giọng cô con gái yêu non nớt ngọng nghịu: “Bố Lâm về đi, em nhớ bố lắm, không có bố em không ngủ được…” là Lâm đứng lên ngay lập tức. Con cái tình cảm, dễ thương như vậy, ông bố nào mà lại chẳng mềm lòng.

 

Thái, chồng Lam Phương là con trai một, được bố mẹ cưng chiều nên có tính ỷ lại. Việc gì anh cũng không chủ động làm, phải có người nhắc nhở. Bóng điện hỏng, anh không nhúc nhích đến khi Phương phải tự đi mua về thay lấy. Phương phàn nàn nhiều lần nhưng Thái vẫn vậy.

 

Từ khi có con, chỉ cần Phương nhẹ giọng: “Anh ơi, con nó cứ ho thôi, anh ạ” là Thái đã xăng xái dọn dẹp nhà cửa sạch như li như lau để khỏi bụi, lắp điều hòa có bộ lọc để tránh ô nhiễm không khí, rồi thuê thợ lát sàn gỗ tự nhiên để mẹ con đi khỏi lạnh chân. Lam Phương bảo chồng, biết thế này em đẻ con trước khi cưới cho nó sướng!

 

Hai vợ chồng Hùng - Thu sống ly thân đã mấy năm nay. Nhưng đến khi nghe phong thanh chồng có bồ, Thu vẫn sôi sục xộc vào các khách sạn nhà nghỉ để “bắt quả tang” chồng, mang theo cả đứa con gái nhỏ.

 

Thu ngại dư luận đàm tiếu, sợ mang tiếng là người phụ nữ bị chồng bỏ, sợ đời sống kinh tế sau này sẽ khó khăn nên nhất quyết không chịu ly hôn. Mặc dù cô cũng không còn tình cảm gì với Hùng, nhưng vì cái “danh dự” đó của mình, và cũng vì không muốn chồng có một cuộc sống hạnh phúc nên đã cố tình gây khó dễ cho anh.

 

Biết Hùng rất thương con gái, Thu thường mang con ra làm áp lực. Cô còn biết anh rất muốn được nuôi dưỡng đứa con sau ly hôn nên đã dựa vào cớ này mà gây khó khăn và nhất quyết không đặt bút ký. Khổ thân đứa trẻ, lúc thì bị mẹ mang ra quát mắng để thỏa cơn giận, lúc lại bị mẹ nài nỉ lên cơ quan bố cùng mẹ kể tội bố vô trách nhiệm với gia đình.

 

Đứa bé đã đủ khôn ngoan để phản đối thì mẹ nó lại mắng té tát: “Mày không màng đến công tao mang nặng đẻ đau, rau nào sâu nấy, cút đi với thằng bố khốn nạn của mày!”.

 

Dùng đứa con như một thứ vũ khí để thoả mãn tự ái của chính mình như Thu là điều hết sức sai lầm và nguy hiểm. Dù con bạn đẻ ra, nhưng đứa trẻ có suy nghĩ độc lập và có quyền được tôn trọng.

 

Sử dụng “vũ khí” sai lầm không những làm vết thương mâu thuẫn gia đình càng thêm trầm trọng, chứng tỏ bạn là người nhẫn tâm và càng “mất điểm”, mà còn làm thương tổn thêm tâm hồn của trẻ thơ. 

 

Hạnh Chi