Lộ bản chất trước ngày cưới

“Anh thích màu này và chắc chắn mẹ cũng thích. Em lấy chồng rồi nên bỏ dần thói trẻ con đòi gì được nấy đi” - Thủy bất ngờ trước thái độ gay gắt của chồng sắp cưới.

Sự thể là, hai người đi mua rèm cửa cho phòng tân hôn. Thủy thích rèm trơn màu kem, trong khi Hoàng thích vải hoa màu xanh lục. Trước đây, Hoàng vẫn chiều Thủy và lúc này cô có cảm giác để làm vậy, anh đã phải cố gắng hết sức, còn bây giờ, thì không thấy cần thiết nữa.

 

Nhưng nếu chuyện chỉ có thế thì cũng không sao. Khi hỏi giá, Hoàng chê đắt và yêu cầu bớt. Chủ hàng nói ngay là không giảm một đồng nào, nhưng anh cứ nì nèo mặc cả mãi, mỗi lần nâng giá lên một chút, càng lúc càng cáu kỉnh vì bà chủ không đổi ý. Thấy mẫu đẹp mà giá không chênh mấy so với những nơi đã xem, Thủy bảo: “Thôi chị cho bọn em đặt cọc, chiều đến lắp giùm”. Hoàng trợn mắt quát: “Lắp lắp cái gì, ai cho em tự tiện thế, đi về ngay”. Suốt dọc đường về, anh giảng giải cho Thủy là làm vợ phải hỏi ý kiến chồng trong mọi việc, rằng em phải học cách tiết kiệm từng đồng, cái túi mới sờn quai một tí em đã bỏ đi là không ổn, cưới xong mẹ sẽ làm chủ việc chi tiêu để giúp em quen dần nếp nhà…

 

Thủy - giáo viên cấp 3 ở Từ Liêm, Hà Nội, đã 29 tuổi, vị hôn phu vừa qua tuổi 35 nên cả hai bên gia đình đều rất phấn khởi khi họ đưa nhau về ra mắt và muốn tổ chức luôn dù họ biết nhau chưa đầy năm. Phòng cưới, mâm cỗ đã đặt, thiệp mời đã viết, và ảnh cưới đã được khoe khắp người thân.

 

Rồi một buổi tối, bố mẹ Thủy sững người khi con gái thông báo: “Không cưới xin gì nữa, con bỏ anh ấy rồi. Hóa ra anh ấy vừa độc đoán vừa bủn xỉn, lại lắm điều. Mới ăn hỏi đã bộc lộ chứng ấy tính xấu mà con ghét, không hiểu cưới xong còn lộ ra những gì”.

 

Vì chuyện cưới xin đã được thông báo khắp nơi, bố mẹ cô thuyết phục, rồi huy động cả họ hàng ép con cưới “kẻo bôi tro trát trấu vào gia đình và bản thân cũng mang tiếng sau này ai thèm rước nữa”. Mặc cho bố mẹ ép buộc, nhà trai trách móc, thiên hạ dèm pha, cô vẫn kiên quyết từ chối làm đám cưới.

 

Chuyện chia tay ngay trước ngày cưới vì phát hiện một điểm không hay nào đó ở bạn đời không hề hiếm. Chuyên gia tâm lý Trần Thị Hồng Hà cho biết, Trung tâm Tư vấn tình yêu hôn nhân gia đình của bà đã tiếp nhiều khách hàng có tâm sự này. Một phụ nữ gọi điện cho bà Hà, bức xúc kể: Suốt thời gian tìm hiểu nhau, người đàn ông của cô luôn tỏ ra rất ga-lăng, dịu dàng và điềm đạm. Có bất đồng gì, anh đều nhẹ nhàng thuyết phục, không bao giờ to tiếng. Sau khi ăn hỏi, trong một lần bất đồng vì chuyện chuẩn bị đám cưới, anh ta đã tát vị hôn thê ngay trước mặt mọi người.

 

“Cho dù anh ấy có xin lỗi, có biện minh thế nào thì cháu cũng không thể cưới được, vì đó chính là biểu hiện của thói vũ phu, bạo hành” - cô gái nói. Gia đình phản đối dữ dội vì cho rằng khi đã ăn hỏi, đã đưa thiệp mời thì coi như “ván đã đóng thuyền”, từ hôn sẽ mất mặt gia đình. Do đó, cô gọi điện tâm sự với nhà tư vấn để củng cố quyết tâm.

 

Nên dừng lại và suy nghĩ

 

Thực tế cho thấy những đôi đột ngột chia tay khi đám cưới đã sẵn sàng thường là do một trong hai người phát hiện “đối tác” có một tính xấu nào đó mà họ không thể chấp nhận hay một chuyện không hay trong quá khứ, vốn được giấu kỹ.

 

Để thuyết phục được người kia lấy mình, nhiều người ém nhẹm rất khéo những nét tính cách mà họ biết là không hay, đến sát ngày cưới, khi cảm thấy đã chắc chắn trói được nhau thì mới để lộ ra. Và khi đó, không ít người dứt khoát chia tay.

 

“Tôi cho rằng đó là những người dũng cảm” - chuyên gia Hồng Hà nhận xét. Theo bà, nếu phát hiện ở bạn đời tương lai một điểm nào đó có thể cản trở hạnh phúc khi sống chung thì dù đám cưới đã được chuẩn bị, bạn chí ít cũng nên hoãn để suy nghĩ chín chắn xem với “điểm đen” đó, hai người có thể khắc phục hoặc chấp nhận nhau không.

 

Về phía gia đình, khi thấy người thân muốn hoãn hay dừng đám cưới vì lý do này thì không nên gây sức ép để phản đối, vì “mất mặt” một chút vẫn hơn là con cái bất hạnh trong chuyện hôn nhân.

 

Nhiều người không dám đối mặt với sức ép, đã tặc lưỡi lên xe hoa vì cho là mọi sự đã an bài hoặc nghĩ bụng sau đám cưới sẽ tìm cách “cải thiện”. Và sau đó họ đã phải sớm ly hôn hoặc sống không hạnh phúc.

 

Câu chuyện của Lê, 28 tuổi, Vinh, Nghệ An, là một ví dụ. Gần đến ngày cưới, cô phát hiện ra Toàn - người yêu mình, là người trăng hoa, trong mấy năm yêu cô vẫn lên giường với nhiều cô gái và đang cặp bồ với một phụ nữ bỏ chồng. Lê đòi chia tay, nhưng Toàn thề thốt là từ nay sẽ bỏ tật xấu đó.

 

Nghĩ rằng ai nấy đều biết mình yêu Toàn đã lâu, “cái quý nhất đời con gái” cũng đã trao cho anh, nếu bỏ thì sẽ khó lấy chồng nên Lê đành tha thứ. Nhưng sau khi cưới, anh vẫn chứng nào tật đấy. Khi cô cố dồn quyết tâm để bỏ thì phát hiện ra mình mang thai. Lê nghĩ bụng chờ con cứng cáp sẽ ly dị, nhưng theo thời gian, quyết tâm đó càng bị mòn đi, cô sống trong đau khổ triền miên.

 

Do đó, các chuyên gia khuyên những người muốn kết hôn nên suy nghĩ chín chắn. Và để tránh việc sát ngày cưới mới nhận ra con người thật của nhau, nên tìm hiểu kỹ bạn đời tương lai, tạo điều kiện để họ bộc lộ tính cách thật trong những tình huống, những va chạm cụ thể của đời thường, trong các mối quan hệ khác nhau.

 

Theo Báo Đất Việt