Làm hại trẻ vì thành tích

(Dân trí) - Cậu bé mới lên 3 tuổi, vậy mà khi tan trường, bé đã biết đứng chặn đường các bạn gái trong lớp để “trấn” phiếu bé ngoan…

Mẹ đòi điểm 10, con sinh tật nói dối

Sự việc chỉ vỡ lở trong một lần, vì “hăng” quá, bé đã lấy liền 2 phiếu bé ngoan của 2 bạn mà không biết giải thích với mẹ như thế nào vì lần được thưởng “đột xuất” này.

Chị Trần Thị Hương (huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc) giờ vẫn chưa hết bần thần vì hành động của cậu con quý tử mới lên 3 tuổi của mình. Chị không ngờ rằng, những lần bé không được phiếu bé ngoan, chị phạt con không cho ăn bim bim, không được xem siêu nhân… đã khiến bé có hành động như vậy. Chị đau lòng hơn, là bé còn quá nhỏ mà đã biết “đối phó” với mẹ bằng cách nói dối về những phiếu bé ngoan vốn không thuộc về mình.

Cậu bé Đ.L học sinh lớp 2 trường tiểu học Chu Văn An (Hà Nội) cũng trở nên hay dối mẹ mỗi lần mẹ hỏi: “Hôm nay, con được mấy điểm”. Vốn rất thông minh, học giỏi nhưng cũng nghịch như quỷ sứ, mải chơi nên không phải hôm nào L cũng mang về cho mẹ được điểm 10 tròn trĩnh. Cứ hôm nào “dính” điểm 7, 8 là Linh lặng lẽ xé bỏ trang vở đó, tự mình làm “đền” một bài tập mới mà kết quả cậu chắc chắn không sai, rồi về chìa ra cho mẹ nói hôm nay cô giao bài nhưng không chấm điểm.

Theo TS.BS Trần Tuấn, Giám đốc TT Nghiên cứu & Đào tạo phát triển cộng đồng, chính áp lực từ bố mẹ đã khiến trẻ có hành vi nói dối để không bị trách móc hay phạt. Đây là trường hợp những em còn nhỏ nên áp lực bắt học giỏi từ bố mẹ không ảnh hưởng quá nghiêm trọng như ở trẻ lớn. Tuy nhiên, về lâu dài sẽ gây ảnh hưởng xấu đến nhân cách của trẻ như có hành vi nói dối, cướp giật của bạn bè…

Ở những trẻ lớn hơn, khi đã ý thức được sự ngại ngùng, xấu hổ vì bị người lớn rầy la do học kém, thì áp lực đó có thể gây hậu quả nặng nề.

Như mới đây, cô học sinh 18 tuổi tại Quỳ Hợp, Nghệ An sau khi biết mình không đậu tốt nghiệp THPT, T. đã thắt cổ tự tử trong vườn nhà. Được gia đình phát hiện kịp thời, T vào viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê bất tỉnh, nguy kịch đến tính mạng.

Theo người thân, T. là một học sinh khá, nên khi thấy mình không đậu tốt nghiệp đã buồn bã và làm điều dại dột.

Rối nhiễu tâm trí vì áp lực học tập

Theo BS Tuấn, áp lực học tập là một trong những yếu tố đẩy trẻ đến tình trạng bị rối nhiễu tâm trí (RNTT). Theo nghiên cứu, cứ 5 trẻ thì có 1 trẻ bất thường, bị RNTT gây ảnh hưởng nặng nề tới tương lai trẻ.

Năm ngoái, TT đã từng tư vấn, chữa trị cho một bệnh nhân đặc biệt, bị trầm cảm vì đợi kết quả thi đại học.

Vốn là học sinh trường chuyên có tiếng ở tỉnh Vĩnh Phúc, học thuộc dạng “top” của lớp, nhưng cô bé này luôn ám ảnh nỗi sợ hãi thi không đỗ đại học, vì cô nghĩ thi cử có may, có rủi, nên chỉ sợ phần rủi đó rơi vào mình.

Thi xong, tự chấm điểm cho mình cũng không đến nỗi nào nhưng H không thoải mái chờ đợi kết quả thi như các bạn cùng trang lứa. Mỗi ngày, H đều lên mạng, vào những trang web có kết quả thi để xem có điểm chưa. Không chơi bời, suốt ngày ngồi trong phòng ôm máy tính, đếm thời gian trôi đi từng ngày để mong ngày có điểm thi.

Sau gần nửa tháng, gia đình thấy cô bé có biểu hiện không bình thường, ngơ ngơ, ít trò chuyện, hay cáu gắt, nhất là mỗi khi nó đến chuyện thi cử, giảng đường đại học…

Khi đến TT khám, dùng nhiều phương pháp, tâm sự, thủ thỉ, các bác sĩ mới biết cô bé quá căng thẳng đợi kết quả thi nên sinh ra tính khí thất thường. Một ngày chưa có kết quả, ngày đó cô bé chưa thể yên tâm và chỉ nghĩ đến cảnh mình… trượt ĐH đã khóc nấc, nổi da gà vì không biết lúc đó sẽ đối mặt với điều đó như thế nào.

Theo BS Tuấn, tình hình RNTL trí ở thanh thiếu niên đã trở thành vấn đề y tế công cộng và gánh nặng với gia đình và xã hội Việt Nam. Theo kết quả điều tra dịch tễ mẫu, do Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng tiến hành trong 5 năm qua, tỷ lệ thanh thiếu niên Việt Nam ở lứa tuổi từ 8 - 17 bị rối nhiễu tâm trí chiếm tới gần 20%.

“Chính vì nhiều bậc cha mẹ lúc nào cũng nghĩ con mình học giỏi số 1, học giỏi, đỗ đạt, điểm cao là điều hiển nhiên… nên đã vô tình gây áp lực rất lớn cho trẻ. Có thể nói, những trẻ bị áp lực về học tập khó có lúc nào ăn ngon, ngủ yên, lúc nào đầu óc thảnh thơi mà không nghĩ đến việc học. Đầu óc những em này lúc nào cũng nghĩ đến học, thậm chí, nhiều em, khi đã học xong bài, đến giờ đi ngủ, lên giường mà mãi vẫn chưa thể vào giấc ngủ do những con chữ nhảy múa trong đầu, cứ nhẩm, học lại những gì mình vừa học”, BS Tuấn nói.

Ở nhiều trẻ, những biểu hiện của rối nhiễu tâm trí là nhức đầu, mệt mỏi không rõ nguyên nhân, chán ăn, lo lắng, mất tập trung, giảm trí nhớ…Điều này ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của trẻ, trẻ dần mất tập trung học tập, sức học sa sút, chán học và thậm chí bỏ học. Hay có những trẻ rơi vào trạng thái trầm cảm, thu hẹp mình, chỉ biết im lặng lao đầu vào học nên tình trạng rối nhiễu ngày càng nặng hơn do trẻ tự tạo ra áp lực học cho chính mình.

Vì thế, theo TS Tuấn, để lứa tuổi học trò không bị những trạng thái rối nhiễu tâm trí, cha mẹ không nên tạo quá nhiều áp lực cho trẻ. Hãy để trẻ học, thể hiện, phát huy theo đúng khả năng vốn có. Chắc chắn sẽ mang lại nhiều hiệu quả tích cực cả về mặt học tập cũng như về khía cạnh xã hội hơn là cố ép, bắt trẻ phải học.

Hồng Hải