Làm gì khi mâu thuẫn ly hôn?

(Dân trí) - Mặc dầu việc quyết định duy trì hôn nhân hay ly hôn là trách nhiệm của cặp vợ chồng chứ không phải của nhà tâm lý nhưng việc hiểu được động lực của ly hôn và các giai đoạn phát triển của nó là rất quan trọng để đánh giá và thiết kế được những chiến lược hỗ trợ cho các cặp vợ chồng.

Nhiều con số thống kê hiện nay cho thấy các vụ ly hôn gần như tăng lên gấp 3 lần so với 50 năm trước đây. Người ta cho rằng khoảng 50% các cuộc hôn nhân hiện đại kết thúc bằng ly dị. Tỉ lệ tái hôn sau đó vào khoảng 65% đối với nữ và 70% đối với nam. Trong số những người tái hôn sẽ lại có khoảng 30% ly hôn lần nữa. Từ những con số thống kê này, các nhà tâm lý nhận thấy nhu cầu lớn về trị liệu tâm lý liên quan đến vấn đề ly hôn cả cho những người từng trải qua ly hôn, đang trong quá trình quyết định ly hôn hoặc là bị ảnh hưởng bởi quá trình ly hôn của một thành viên trong gia đình.

Làm gì khi mâu thuẫn ly hôn? - 1

Vai trò quan trọng của nhà tâm lý lúc này là giúp cho các cặp vợ chồng trao đổi được với nhau về quyết định cho tương lai ngay cả khi họ đều bất cứ một kỳ vọng chung nào cho mối quan hệ.

4 giai đoạn đi đến quyết định ly hôn

Giai đoạn 1 là xảy ra sau một số năm đầu cuộc hôn nhân. Trong giai đoạn này, cặp đôi có thể trao đổi cởi mở với nhau và rất ít xung đột. Những hành động chỉ trích hoặc hành vi tiêu cực cũng ít xảy ra. Nếu có thì mỗi người đều cố gắng tìm ra những cách thức lành mạnh để tranh luận về những xung khắc. Những vấn đề thường được đề cập trong giai đoạn này là việc làm sao để ở cạnh nhau, quản lý tài chính thế nào, thống nhất nguyên tắc ứng xử trong quan hệ với bố mẹ vợ, bố mẹ chồng ra sao.

Sang giai đoạn 2, sự xung đột vợ chồng được gọi tên như một vấn đề. Giữa hai vợ chồng nổ ra tranh cãi thường xuyên và cảm xúc âm tính chiếm ưu thế. Mặc dầu cặp đôi vẫn có thể nói ra nhưng nội dung trao đổi bắt đầu có nhiều chỉ trích, và hai bền đều phải sử dụng một số chiến lược kiểm soát, tự giải tỏa của riêng mình. Ở giai đoạn này, suy nghĩ về ly thân có thể xuất hiện lúc này hoặc lúc khác khi phải nỗ lực giải quyết bất đồng. Thời điểm này, nhiều người có nhu cầu tìm đến với nhà tâm lý.

Nếu không vượt qua giai đoạn 2, cặp đôi sẽ chuyển tới giai đoạn 3 với một bầu không khí rất nặng nề giữa hai vợ chồng. Mức độ lo lắng và bất an tăng cao. Nhiều lúc, cá nhân này tự chọn cho mình quan điểm đối lập với người kia kiểu “đổ dầu vào lửa” chỉ để thể hiện người này không thể dung hòa với người kia. Các chỉ trích trở nên khắc nghiệt và cuộc sống của họ trôi đi như hai đường thẳng song song. Mỗi người chạy theo những hứng thú riêng của mình và hầu như không có tương tác. Họ có thể ly thân dù vẫn sống dưới cùng một mái nhà. Ở giai đoạn này, giữa vợ chồng có cảm giác hỗn độn, yêu ghét lẫn lộn, bị từ chối và có thể một người sẽ vờ như mọi chuyện đều ổn, đồng thời cố gắng giành lại yêu thương của vợ/chồng mình. Bối rối, cảm xúc lẫn lộn, không thoả mãn và thất bại là những cảm giác dễ xuất hiện. Thường thì các cá nhân lúc này sẽ tranh thủ tình cảm của bạn bè, gia đình hai bên nhằm thuyết phục người bạn đời duy trì hôn nhân.

Giai đoạn 4 đặc trưng bởi những xung đột cực độ, một hoặc cả hai bên đã phải nhờ đến luật sư. Đây là giai đoạn đau đớn và lẫn lộn nhất của cặp đôi khi đối diện giấc mộng cuộc đời tan vỡ, sự phân chia tài sản, quyền nuôi dạy con cái

Hỗ trợ các cặp đôi trước quyết định ly hôn

Nếu cặp đôi mới chỉ đang gặp những khúc mắc trong giai đoạn 1 thì không cần thiết đến mức phải đi trị liệu tâm lý. Thay vào đó, sự hỗ trợ xã hội từ gia đình, người thân bạn bè hay sự giúp đỡ gián tiếp qua lời khuyên chuyên gia trên các diễn đàn; các chương trình tâm lý giáo dục về cuộc sống hôn nhân, những kiến thức về quan hệ vợ chồng và chăm sóc sức khỏe bà mẹ sau sinh là đủ.

Giai đoạn 2 là giai đoạn mà các cặp đôi bắt đầu tìm kiếm các dịch vụ hỗ trợ tâm lý. Tham vấn tâm lý ở thời điểm này sẽ giúp hai vợ chồng hạn chế việc bám dính vào những đau đớn và cãi cọ trong quá khứ hay đưa ra những đòi hỏi thái quá với vợ/chồng mình. Thay vào đó, tham vấn kích thích việc tạo lập những hứng thú mới và niềm vui giữa cặp đôi. Nếu vợ chồng có thể điều hoà sự khác biệt của mình trong giai đoạn này họ sẽ không đi tiếp đến giai đoạn phải trị liệu ly hôn. Ở giai đoạn này, cũng sẽ tốt hơn nếu tiến hành tham vấn tâm lý cho cả hai vợ chồng thay vì làm việc với từng người riêng lẻ. Và ngay cả trong trường hợp làm riêng lẻ, sẽ hiệu quả hơn nếu nhà tâm lý thống nhất được với cặp đôi rằng tất cả các thông tin phát sinh trong các buổi trị liệu cá nhân đều được coi là thông tin chung, và sẽ được hai người chia sẻ với nhau trong những buổi gặp chung.

Đối với giai đoạn 3, can thiệp tâm lý là cấp thiết và quan trọng. Ở giai đoạn này can thiệp tâm lý sẽ gặp nhiều khó khăn vì cả hai vợ chồng đều có biểu hiện dữ dội và căng thẳng về mặt cảm xúc. Vì vậy, mục tiêu đầu tiên của can thiệp là giảm sự giận dữ, buộc tội, chỉ trích mà người này hướng đến người kia để cho hai người có thể đưa ra một vài quyết định cho mối quan hệ của họ. Nhà tâm lý phải giúp cho thân chủ đối diện với nỗi đau của riêng mình, truyền cho cho cả hai thân chủ niềm hy vọng rằng rồi họ sẽ nguôi ngoai. Các buổi làm việc tiếp theo sẽ tập trung giúp cặp đôi sáng tỏ những cảm giác bối rối, xác định các khả năng có thể xảy ra để tìm hướng giải quyết, đưa ra quyết định có lợi nhất cho các bên liên quan. Nhà tâm lý cũng có thể chủ trì việc thảo luận về quyền nuôi con, nhất là khi mỗi người đều muốn mình giành được quyền nuôi con. Nhắc nhở cha mẹ nguy cơ con cái trở thành nạn nhân trong cuộc chiến ly hôn của bố mẹ một khi mâu thuẫn giành quyền nuôi con trở nên trầm trọng.

Ở giai đoạn 4, nhà tâm lý cần hướng cặp đôi đến trị liệu cá nhân chứ không nên tiếp tục đồng thời gặp cả hai. Người ta cũng không khuyến khích nhà tâm lý tiếp tục làm việc với một trong hai người vì những điều khó xử liên quan đến bảo mật thông tin hoặc nguy cơ cặp đôi nghĩ rằng nhà tâm lý đang đứng về phía người còn lại. Cách thức tốt nhất là giới thiệu họ đến với những người trợ giúp khác theo nhu cầu của họ gồm cả những luật sư am hiểu về các vấn đề ly hôn.

Tóm lại, với khoảng một nửa số cuộc hôn nhân kết thúc bằng ly hôn, rõ ràng đây là một địa hạt rộng lớn nhưng đầy thách thức cho các nhà tâm lý. Để hỗ trợ được tốt nhất cho các cặp đôi, nhà tâm lý cần được trải qua đào tạo và thời gian thực hành lâu dài. Tuy nhiên, nhận diện được chính xác các giai đoạn và có chiến lược can thiệp phù hợp, đúng thời điểm luôn làm tăng cơ hội hàn gắn.

TS. Trần Thành Nam