Kiếp “phi công”

(Dân trí) - Ngày đặt chân đến cái nhà trọ này tôi đã thấy có cái gì đó là lạ, đến 30 phòng trọ không có lấy một mống con gái, cô nào nhỡ độ đường chuyển đến thì ở tối đa không quá một tuần rồi cũng phải khăn gói ra đi.

  

Kiếp “phi công”


Giờ nhớ lãi vừa hãi vừa buồn cười: Sau khi được dẫn đi xem phòng ốc xong, đang lân la ở gần cầu thang thì gặp người đàn bà, cứ nghĩ chắc là mẹ ông chủ định buột miệng “chào bà” thì ông chủ đã nhanh nhảu “Cô đấy! Giá cả thế nào cứ bàn với cô”. Sau này nghe mấy anh kể lại cũng có mấy đứa vì lỡ miệng “chào bà” nên bị ghét ra mặt. Cứ đến tháng mà chưa có tiền nhà là bà chửi, ồn ào một tí là bị mắng và tất nhiên nếu ngược lại, chịu khó khen cô đã gần 60 mà dáng còn chuẩn, ăn mặc hợp mốt thì hoàn toàn vô tư, nợ ba bốn tháng không thành vấn đề.

 

Cả gia đình bà sang Mỹ định cư còn lại mỗi hai chị em bà bị kẹt lại. Thế là bao nhiêu tình thương gia đình đều giành cho hai chị em. Có chút vốn liếng bà mua đất xây căn nhà ba gác vừa làm nhà nghỉ bình dân vừa làm nhà trọ. Hồi ấy mới mở cửa nên bà cũng thuộc dạng thức thời. Chẳng bao lâu bà phất lên nhanh chóng, mở thêm một khách sạn mini cho bà em quản lý. Khổ nỗi hai bà sinh vào ngày giờ nào mà cái số cao kinh khủng. Cũng xinh xắn, giàu có mà không có ma nào thèm đoái hoài. Năm bà tròm trèm bốn mươi, đã toan thành bà cô tổ thì hình như ông trời rủ lòng thương gặp chú bây giờ. Chú lúc đó mới là sinh viên năm thứ nhất thua cô hai mươi tuổi…

 

Nhiều lúc ngồi nhậu với bọn tôi, khi nhắc đến chủ đề này chú thường đánh trống lảng hoặc thở dài thườn thượt… “Hồi đó khổ lắm tụi bay. Tao cũng đấu tranh tư tưởng gớm lắm chớ, còn ba mẹ, họ hàng nữa nhưng rồi đói đầu gối phải bò, nhìn tụi bạn hớt hải vì tiền ăn, tiền học tao oải lắm. Ở với bả cơm ngon canh ngọt, nhà trọ miễn phí. Một lần tao

nhậu xỉn bả xông vào tắt điện tối om,vậy là…”

 

Nhìn hai ông bà suốt ngày săm soi cho “dung nhan” mà không nhịn được cười. Trong khi bà dùng các loại kem dưỡng da đắt tiền, các loại thực phẩm chức năng cố níu giữ tuổi xuân thì ông làm ngược lại, nuôi râu, ăn nhiều mỡ để trông người bệ vệ một chút khi ra đường cùng bà đỡ lệch nhưng chẳng ăn thua… Chênh lệch một vài tuổi không nói làm gì đằng này đến 20 tuổi. “Phi công” quá trẻ mà “máy bay” hết đát “ xăng nhớt” khô khốc. Hình như công cuộc cải tạo nhan sắc của bà không ăn thua, đã thế khi ra đường ông cứ dán mắt vào bọn trẻ ranh khiến bà càng lồng lộn, điên tiết, việc đầu tiên là tống cổ bọn con gái ra khỏi nhà, tránh tình trạng lửa gần rơm. Mỗi lần thấy ông cười nhăn nhở đóng giúp bọn chúng cái dây phơi hay cái ri đô máu bà sôi sùng sục.

 

Công nhận máu ghen của bà kinh khủng thật. Mỗi lần bà điên tiết gương mặt nhờn nhợt chảy xuống như dái ngựa, đôi mắt long lên đỏ ngầu, cái giọng the thé nanh nọc của bà có lẽ đến chết vẫn còn kinh.

 

Nhìn ông, một chàng “ phi công” hoành tráng, hừng hực chỉ muốn bùng nổ còn bà như cái “máy bay” cổ lổ sỉ, suốt ngày gầm gừ nhức hết cả óc mà lại không làm ăn gì được ông đâm ra cáu bẳn đã thế dãy nhà trọ độc con trai nó cứ nhàn nhạt, khô không khốc… Thằng Bình, chúng tôi vẫn gọi Bình cá lóc vì cái miệng nó rộng ngoác như miệng cá lóc, học hành không ra gì nhưng mấy khoản ăn chơi là nhất, quán bia ôm nào mới mọc, quán hương rừng với đặc sản gì mới lên nó biết tất… Thương ông cả đời phải “ chay tịnh” nó nảy ra ý định rủ ông đi đổi gió, lúc đầu ông chối đây đẩy nhưng rồi một lần, hai lần, ba lần thế là ông nghiện lúc nào không hay, ngẫm lại mới thấy cụ Tú Xương có lý: “Một trà một rượu một đàn bà”… Thú thật mỗi lần đưa ông qua sông an toàn, ông cười tủm tỉm cả bọn thở phào, như trút được cái gánh nặng, bà mà biết được thì.. ôi thôi! Ba bốn tháng tiền nhà truy thu một lúc chỉ còn nước ra đứng đường… Nhưng đi đêm lâu cũng có ngày gặp ma. Không biết từ đâu cái kế hoạch tuyệt mật này lọt đến tai bà, bố trí cẩn thận đến thế vẫn bị bắt tại trận. Cả bọn ngồi im chịu trận đòn ghen sấm sét, nhìn ông rúm ró như con chó đói trước mấy thằng đệ tử to như con gấu, mấy ả tiếp viên thừa da thiếu vải quỳ mọp vái lạy lia lịa… Cả bọn nhận được một bức tối hậu thư lạnh lùng: Cho một ngày tìm nhà trọ, thanh toán các khoản một lúc.

 

Bà bỏ đi Sài Gòn chơi, cắt sạch viện trợ, ăn sung mặc sướng quen rồi giờ nhìn ông trệu trạo nhai cơm sinh viên cả bọn quặn thắt. Nghe tin ông rước người đàn bà hơn hai mươi tuổi họ hàng từ mặt, được bà nuông chiều như con lại phải dành thời gian “điều trị” cho bà chị mót chồng ông đâm ra lêu lổng, đến năm thứ hai bỏ học, nghề ngỗng không có, suốt ngày đi ra đi vào, có lẽ giờ ông mới thấy hết giá trị của chiếc “máy bay già”. Cả bọn chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm… Ôi! “ phi công”.

 

Đình Dũng