“Không người vợ nào vui khi chồng về nhà chỉ ngồi đếm like…”
(Dân trí) - “Tại sao trên Facebook không có nút dislike, đó là để chúng ta nhấn nút dislike ngoài đời thực. Không một người vợ nào vui khi đức ông chồng về nhà chỉ ngồi đếm like hay nhấn biểu tượng mặt cười trên Facebook mà không quan tâm đến tâm trạng của vợ ngoài đời thực”.
Sống ảo, bỏ rơi đời thực
Quan điểm nói trên của Bí thư Chi đoàn Bảo tàng Hồ Chí Minh - Nguyễn Thanh Huyền tại Diễn đàn “Tác động của công nghệ và mạng xã hội tới gia đình trẻ hiện nay” ngay lập tức thu hút sự quan tâm của các đại biểu và khán giả có mặt tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa, Nghệ thuật Việt Nam, số 2, Hoa Lư, Vân Hồ, Hà Nội sáng nay (28/6).
Diễn đàn do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh -khối các cơ quan TƯ BCH Đoàn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhằm Hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam 2015.
Nguyễn Thanh Huyền dẫn ra biểu hiện của những người nghiện Facebook: Thường xuyên chia sẻ trạng thái, quá quan tâm đến hình tượng trên Facebook, dành nhiều thời gian trong ngày cho Facebook, kết bạn quá nhiều,…
“Khi các ông chồng đang mải mê F5 liên tục để kiểm lượng like (yêu thích) thì các anh có biết người bạn đời của mình đang tất bật làm việc nhà hay không?”, Thanh Huyền đặt vấn đề.
Ông Trịnh Ngọc Chung - Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch phản biện, ông cho rằng tình trạng “nghiện Facebook và mạng xã hội” không chỉ tồn tại ở đấng mày râu mà rất nhiều bà vợ cũng mắc hội chứng nói trên. Ông dẫn ra thực tế nguy hiểm khi nhiều cặp vợ chồng không nói chuyện trực tiếp được với nhau mà phải nói chuyện thông qua các thiết bị công nghệ, qua Facebook,…
“Cứ 10 gia đình trẻ hiện nay thì cả 10 gia đình trẻ đều sử dụng công nghệ hiện đại và internet. 70% các gia đình trẻ đang không quan tâm tới mô hình gia đình truyền thống. Tỷ lệ ly hôn của các gia đình trẻ là rất cao”, ông Chung trăn trở về một thực tế đáng buồn.
Không thể cho con ăn nếu không có ipad?
Dương Anh Quân - Phó Bí thư Chi đoàn Trung tâm Công nghệ thông tin cũng có những chia sẻ bên lề đầy tâm huyết với PV Dân trí: “Thử cùng tôi hình dung lại cuộc sống của gia đình cách đây 10-15-20 năm trước đây như thế nào? Bố mẹ đi làm về thường cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ, nấu nướng, sửa soạn bữa cơm gia đình. Trẻ con thì chơi bắn bi, ném lon, hái sấu, nhảy dây,…
Còn bây giờ không cần hình dung cũng nhận ra được, công nghệ đang tồn tại ở mọi nơi: đi siêu thị, đi chợ, đi xem phim, đi du lịch, đi làm việc,… và ngay cả trên… giường ngủ, thậm chí cả trong nhà tắm của các gia đình trẻ hiện nay”.
“Một hình ảnh không hiếm hiện nay: hình ảnh của một gia đình đi ăn tiệm và trên tay ai cũng là một chiếc điện thoại thông minh hoặc một chiếc máy tính bảng (ipad). Hay thậm chí các bà ông bố bà mẹ trẻ không thể dỗ con nín nếu không có ipad, không thể cho con ăn nếu không có ipad. Mỗi người chìm đắm trong một thế giới riêng tư của mình mà không còn sự giao tiếp thực tế”, Anh Quân nói.
Chúng ta ngày càng kiệm lời với nhau hơn
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam nhận định: “Công nghệ thông tin đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống của chúng ta, không thể phủ nhận những thành tựu mà nó mang lại nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, nó đang tác động, gây ra trào lưu cá nhân hóa, coi bản thân là trung tâm của thế giới này. Từ khóa selfie (bức ảnh được tự chụp - PV) được Từ điển tiếng Anh Oxford chọn là từ phổ biến nhất trong năm 2013. Trào lưu chúng ta coi chúng ta trên cả mọi người được tiếp sức bởi các phương tiện truyền thông mới”.
Mạng xã hội cũng là nguyên nhân tác động tới sự thay đổi về ngôn ngữ trong xã hội. Một nghiên cứu chỉ ra sự thay đổi này bắt nguồn từ điện thoại di động. Việc gửi tin nhắn ban đầu chỉ giới hạn trong 140 kí tự khiến mọi người muốn gửi tin dài phải viết tắt. Điều này dần dần phổ biến trong xã hội. Giờ đây các ngôn ngữ đều có tiếng lóng và chịu ảnh hưởng từ mạng xã hội.
“Chúng ta giờ đây tưởng mình thông minh hơn, biết nhiều hơn tuy nhiên điều này không đúng hoàn toàn. Chất lượng cuộc sống mới là điều đáng bàn. Khi chúng ta về nhà, bố, mẹ, con cái mỗi người ngồi một góc với một thiết bị công nghệ số. Đó là hiện tượng đáng báo động về sự lãnh cảm, phá vỡ nền tảng xã hội”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn phân tích.
“Ngừng vào mạng một giờ để lắng nghe và hiểu nhau hơn”
Đồng tình với quan điểm của PGS.TS Bùi Hoài Sơn, ông Trịnh Ngọc Chung kể một câu chuyện hóm hỉnh: “Có một thực tế vui xung quanh cách đàn ông lưu số của vợ trong điện thoại di động, có người lưu là “vợ yêu” hoặc “người yêu”, nhưng cũng có người lưu tên vợ là “Cảnh sát 113”, Sư tử Hà Đông,…
Khi các anh đang tụ tập bên bàn nhậu, nhận được tin nhắn của vợ: “Đang ở đâu”, “Có về không” thì chắc chắn không ai vui vẻ gì. Giá mà tin nhắn đó được thay bằng “Anh ơi anh có về không” thì có phải đáng yêu hơn biết bao nhiêu. Cách chúng ta ứng xử, giao tiếp với nhau qua các thiết bị công nghệ cũng rất quan trọng”.
Mai Thùy Hương - Phó Bí thư Chi đoàn Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cũng chung quan điểm đó: “Tan làm, chồng đi nhậu, nhắn cho vợ báo về muộn. Vợ đang lúc bực mình thì chỉ nhắn lại: “Ok”. Trước đây thời ông bà, bố mẹ chúng ta đi xa hay viết thư. Bây giờ chúng ta có một cách đơn giản hơn là “check-in” thay cho báo cáo. Gần đây trào lưu nhắn tin “Em yêu anh” mà các bà vợ nhắn cho đức ông chồng gây xôn xao mạng xã hội. Trào lưu này khiến chúng ta nhận ra bao lâu rồi, chúng ta không nói với nhau câu đó trực tiếp với nhau, có phải chúng ta ngày càng kiệm lời hơn?”.
Thùy Hương cho rằng muốn giữ gìn hạnh phúc gia đình thì cha mẹ phải thực tế hóa sự chăm chút, tình yêu thương bằng hành động và lời nói trực tiếp.
Nguyễn Việt Đức - Ủy viên BCH Đoàn Thông tấn xã Việt Nam, Bí thư Chi đoàn Báo điện tử Vietnamplus kêu gọi: “Ngừng vào mạng một giờ để lắng nghe và hiểu nhau hơn”. Anh Việt Đức cho rằng Đoàn TNCS HCM cũng như các tổ chức xã hội cần có phong trào khơi dậy nâng cao nhận thức, thử áp dụng mô hình một khu vực không hề có sóng di động, không sử dụng thiết bị công nghệ để giúp mọi người trở lại chính bản thân mình.
Một phong trào sống chậm để tạo thêm thời gian cho các thành viên trong gia đình kết nối thực với nhau nhiều hơn là điều mà các đại biểu tham dự Diễn đàn đồng tình hưởng ứng trong ngày 28/6. “Hãy dành 80% thời gian cho gia đình và nó sẽ cho chúng ta 80% hạnh phúc trong đời thực, thay vì chỉ quan tâm đến Facebook và nó chỉ mang đến cho bạn 20% niềm vui. Hãy để Facebook là gia vị làm phong phú đời sống của bạn chứ đừng lệ thuộc vào nó”, đại biểu Thanh Huyền nhấn mạnh.
Phương Nhung