Khi vợ “xuất chưởng”
Nói đến nạn bạo hành trong gia đình, người ta thường liên tưởng đến việc người phụ nữ bị chồng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”. Ít ai biết rằng, trong thời đại @ nhưng nhiều ông chồng đã phải sống cảnh tủi nhục cùng những bà vợ côn đồ, thiếu văn hóa.
Khi vợ giỏi võ
Ông Cao, người chồng trong phiên toà, có vợ bé, hiển nhiên là sai. Tuy nhiên, qua việc ông bị mất chức, nhiều người mới vỡ lẽ, vợ chồng ông trở thành địch thủ của nhau có nguyên nhân quan trọng là bà vợ quá “quân phiệt”, thiếu văn hóa.
Lần sinh nhật đứa con trai đầu tròn một tuổi, ông Cao nhắc vợ ăn nhanh để pha trà tiếp khách. Ngay lập tức, vợ ông phản ứng: “Tao ăn cũng không xong với mày”. Khách khứa im bặt. Mẹ ông Cao bật khóc vì thương con trai.
Sau lần này, cứ mỗi khi nổi cơn giận, bà vợ của ông lại xưng “mày, tao” với chồng. Có lần, ông Cao mời bạn bè về nhà chơi, ông mua sẵn đồ về nhà đãi bạn. Ông đang cùng bạn chuyện trò rôm rả thì bà vợ của ông từ buồng trong lừ lừ tiến ra, hất tung mâm cơm xuống đất, vì tội làm ồn.
Giận đứa con trai mải chơi trò chơi điện tử, vợ ông cầm con dao Thái lao lên tầng 2, nơi thằng bé đang tắm, cắm phập vào đùi nó. Ông Cao lúc đó phải ngậm tăm, cắn răng đưa con đi cấp cứu rồi tìm chỗ lánh nạn mấy hôm, bởi nếu không thế thì chính ông sẽ là nạn nhân tiếp theo.
Đường đường là Phó tổng giám đốc một Tổng công ty lớn, thét ra lửa ở cơ quan; nhưng về nhà ông Cao nhũn như con chi chi trước vợ. Có đôi lần, vị Phó tổng giám đốc trừng mắt, vung tay lên, nhưng chưa kịp làm gì tiếp thì đã bị bà vợ giỏi võ cho một chưởng lăn quay. Cứ tưởng “ngậm bồ hòn” thì yên chuyện, nhưng sự bức xúc ngày càng lớn.
Quá mệt mỏi, có lần ông Cao đã xin chuyển công tác vào TPHCM và làm đơn ly hôn. Tuy nhiên, do lấn bấn tình thương người bạn cùng lớp bao nhiêu năm, lại ngại nỗi đôi bên thông gia đều là chỗ thân quen từ lâu, cộng với nỗi lo đứa con bơ vơ nên ông Cao không dám quyết, cứ để mọi việc lơ lửng. Vợ chồng ly thân gần chục năm.
Sáu năm trước, trong thời gian công tác tại miền Nam, ông Cao quen một cô gái trẻ hơn mình hơn hai chục tuổi, người một tỉnh miền núi phía Bắc. Người đàn ông bị vợ “dập” tơi bời nay gặp được cô gái trẻ biết chiều chuộng, cảm thấy như sống lại thủa đôi mươi.
Mối tình này được âm thầm nuôi dưỡng đến tận khi ông Cao về Hà Nội đảm đương vị trí Phó tổng giám đốc. Cô gái trẻ mà ông Cao gặp ở miền Nam trở về quê Bắc, làm chủ tiệm massage. Hai người tiếp tục đi lại và có với nhau một đứa con trai. Họ chung tiền mua đất làm nhà ở quê cô vợ bé.
Trong một lần ông Cao bất cẩn khi sử dụng điện thoại di động, bà vợ tinh ranh phát hiện ra cái “tổ chuồn chuồn”. Bà dỗ ngon dỗ ngọt, ông khai ra tuốt tuột sự thật, những mong được bà tha thứ, cho ông được sống cảnh “một đất nước hai chế độ”.
Bà ra rất nhiều điều kiện, trong đó có việc tuyệt giao với cô vợ bé và đòi lại căn nhà. Ông Cao bảo: “Tôi không thể hành xử như thế được”. Bà nhất quyết không nghe. Ông đành viết đơn ly dị lần thứ nhất.
Bà đến cơ quan chồng làm ầm ĩ, gặp ai cũng rêu rao chuyện chồng có vợ bé con riêng. Có lần ông Cao đang chủ trì một cuộc họp ở trụ sở Tổng công ty thì bà đột ngột xông vào.
Bà vừa la vừa cầm chiếc ghế vung lên, khiến ông Cao phải bổ nhào ra cửa. Bà cầm chiếc máy tính xách tay trên bàn ông, đập bốp xuống nền nhà. Mọi người trong phòng ông Cao còn chưa kịp nói gì thì bà vợ đã quay ra cửa, rút guốc đuổi theo “thằng khốn nạn”.
Sau đó, để có bằng chứng người thật việc thật, bà giả danh làm một kẻ giang hồ, tìm đến tận “tổ con chuồn chuồn” rồi về đâm đơn tố cáo chồng “đem tiền của công ty đi bao gái”.
Câu chuyện chấm dứt đúng như lời tuyên bố của vợ ông Cao. Danh dự, quyền chức và tiền bạc tan thành mây khói khi mọi việc bị vỡ lở. Khi tiếp xúc gương mặt ông Cao méo mó, thảm hại: “Cũng vì tôi quá nhu nhược”.
Khi chồng bị đe cắt “của quý”
Hoa nhiều lần doạ cắt “của quý” của chồng khiến cho Thanh không dám về nhà ngủ mà phải thuê một căn nhà để “tạm lánh”. Đâu đã hết, điện thoại di động của Thanh suốt ngày reo, cứ bật máy lên là nghe tiếng đứa con khóc thét vì cơn hận bố của mẹ nó.
Hoa và Thanh lấy nhau đã gần 10 năm. Khi còn yêu nhau, cô sinh viên báo chí, vợ Thanh bây giờ đã nhiều lần đá đít Thanh và từng xưng hô “mày, tao”. Lúc đấy, Thanh cứ tưởng rằng nữ nhà báo tương lai này thể hiện cá tính. Thanh hy vọng qua thời gian dần dần sẽ thay đổi được bản tính mạnh mẽ của cô vợ.
Sống với nhau đến khi có con, vợ của Thanh ngày càng đanh đá hơn trước. Công việc kinh doanh của Thanh thường xuyên phải xa nhà nhưng dù Thanh đi đến đâu và làm gì cũng đều bị nữ nhà báo vợ xăm soi kỹ càng. Cứ sau mỗi buổi làm việc, Thanh lại được vợ gọi điện thông báo về lịch trình kế tiếp, với lời răn đe: “Khôn hồn thì đừng làm điều gì khác đi. Tao kiểm soát hết đấy”.
Giận vợ, đã có lần Thanh nổi đóa, cố lên gân lên cốt, vung tay giậm chân, thể hiện sĩ diện đàn ông. Tuy nhiên, lập tức đáp lại là những đòn cào cấu, chửi rủa náo loạn.
Qua nhiều lần, cả ngọt nhạt khuyên nhủ lẫn to tiếng doạ nạt mãi không xong, Thanh dần trở nên cam chịu. Rạn nứt của gia đình bé nhỏ ngày càng lớn, khi vợ Thanh ngày càng tỏ ra không coi gia đình bên nội là gì.
Tiến sĩ Lê Thanh Hương, Phó Giám đốc Viện Tâm lý (Viện Khoa học Xã hội): “Bạo lực do phụ nữ gây ra thường có nguyên nhân phức tạp. Thông thường, bạo lực của phụ nữ chỉ dừng ở mức nổi giận bằng hành vi, thái độ. Cao hơn là mắng mỏ, thậm chí, chửi bới. Còn sự tức giận vượt đến mức gây tổn hại vật chất và tinh thần cho người khác, tôi nghĩ, có nhưng không nhiều.
Có khi người vợ nổi giận vì sự bất lực của người chồng trong chuyện chăn gối, vì chồng không tỏ được mình là đấng nam nhi trong công việc gia đình, xã hội. Bạo lực cũng có khi để phản kháng lại bạo lực của người chồng sau khi các biện pháp khác không đạt kết quả.
Còn chuyện phụ nữ có xu hướng bạo lực với con cái hơn đàn ông, một trong những nguyên nhân có lẽ là do họ phải trực tiếp chăm sóc con cái, trực tiếp hứng chịu những việc làm không được vừa ý của con cái. Một phần nữa, tôi cho là, những phụ nữ học vấn thấp thường ưa dùng bạo lực với con cái, thậm chí, với chồng hơn”.
Bố mẹ Thanh từ thôn quê ra thăm con cháu cũng bị vợ Thanh bỏ mặc và tỏ vẻ khó chịu. Một lần, Thanh đi công tác về nhà muộn, Hoa xách 3 con dao phay xông ra tuyên bố: “Một dao mày chém tao, dao kia chém con, cái còn lại phần mày đấy”.
Thanh khiếp đảm, lủi thủi vào nhà giặt quần áo rồi nấu cơm mời vợ lên ăn, hòng xoa dịu cơn ghen điên cuồng; nhưng cả bữa ấy Thanh tiếp tục được xơi cái “ba vạn chín nghìn”, còn cơm thì nửa miếng nuốt không trôi...
Thanh như con thuyền mất phương hướng, không biết giạt vào đâu. Bỏ nhà đi lang thang giải khuây thì bị vợ xông đến gặp lãnh đạo công ty, đề nghị thi hành kỷ luật kẻ “bê tha”, “vô trách nhiệm”. Ớn quá, Thanh lại về sống lầm lũi và răm rắp tuân theo giờ giấc vợ đặt cho. Được dăm bữa nửa tháng, người vợ này lại siết chặt “thiết quân luật” bằng cách phân công chồng đón con, nấu ăn, giặt giũ.
Hoa cho rằng nghề của mình là bận bịu, vất vả nhất trên đời, nên người chồng phải phục vụ thật chu đáo, vô điều kiện. Đỉnh điểm của sự khiếp hãi đến, khi Hoa tuyên bố, nếu Thanh không thực hiện đúng “luật gia đình” và léng phéng bồ bịch thì cô sẽ cắt phăng “của quý” lúc anh ngủ say. Mấy lần nghe vợ đe thế, Thanh thực sự “loạn chiêu”. Thanh lẳng lặng đi thuê một “căn hộ” gần cơ quan mình, dùng làm nơi “tạm lánh”. Vậy mà đâu có yên.
Không hành được chồng thì vợ Thanh quay ra hành con và bật máy điện thoại cho chồng nghe. Cực chẳng đã, thỉnh thoảng về “nhà tạm lánh”, Thanh phải mang cả con theo. Hai bố con lúc ấy vui mừng như qua phen chạy giặc. Kể chuyện này, giọng Thanh run run như muốn khóc: “Biết là nhục và hèn thật đấy, nhưng mãi vẫn chưa tìm được cách nào thoát khỏi cảnh này”.
Không chỉ dừng lại ở hành vi đe dọa, người phụ nữ có máu Hoạn Thư còn cắt “của quý” của người tình. Do ghen tuông và không kiềm chế được, H. (sinh năm 1967 ở nhà 482/1, tổ 6, phường Bình Trưng Đông, quận 2, TP HCM) đã dùng dao lam cắt đứt “của quý” của người tình là L. (sinh năm 1972, quê ở Quảng Nam). Hai người sống chung với nhau như vợ chồng từ hơn 1 năm nay. L. làm phụ hồ, còn H. làm thợ sơn sửa móng chân, móng tay.
Bạo lực với con cái
Tuy chưa có điều tra chính thức nào, điều lạ là không ít gia đình, người mẹ lại có xu hướng bạo lực hơn người cha. Trong dòng người chật như nêm sáng 1/5 vừa qua trước cổng Công viên Thủ Lệ (Hà Nội) một người phụ nữ tát bôm bốp vào mặt thằng bé chừng bốn tuổi đang bám theo mẹ.
Cuộc “hành xác” diễn ra hàng chục phút. Bên cạnh nó, một người đàn ông xách túi mặt ỉu xìu không hé răng một lời. Bên hè phố Bát Đàn (Hà Nội), quán phở gia truyền, một tối đầu hè năm nay, người phụ nữ diêm dúa đút phở cho cháu bé gái khoảng năm tuổi.
Em bé không ăn búng mãi. Mẹ nó tát khiến nó bật miếng phở ra khỏi miệng. Lại đút. Lại tát. Con bé không khóc lấy một tiếng, càng bị mẹ nó đánh tợn.
Theo Tiền Phong