Khi đàn ông... thua vợ

Có một thực tế là, chồng hơn vợ bao nhiêu cũng không thành "vấn đề". Nhưng nếu người đàn ông cảm thấy thua kém vợ về một mặt nào đó thì ấy lại là nguyên nhân dẫn tới "bất hòa" trong cuộc sống gia đình.

Thực tế không vui

 

Chỉ cần vợ học cao hơn chồng, có chút địa vị xã hội hơn chồng, kiếm nhiều tiền hơn... là người đàn ông có cảm giác tự ti.

 

Khi đã tự ti, anh chồng thiếu tự tin vào bản thân mình, có cảm giác "hèn hèn" nên không dám "mạnh mồm" trong giao tiếp hàng ngày.

 

Có không ít đàn ông né tránh chuyện "chồng thấp vợ cao" ngay từ khi mới quen biết nhau. Khi phát hiện người phụ nữ "đa tài", nổi trội hơn anh ta mọi mặt, nhất là về học vấn và làm kinh tế, anh ta sẽ rút lui từ sớm để khỏi vướng vào vòng "nhờ vợ" về sau. Tất nhiên đó phải là những người đàn ông có lòng tự trọng. Còn có một số đàn ông chuyên đi tìm những người phụ nữ "khá giả" để nương nhờ, song số đó không nhiều.

 

Người chồng không vui khi cô vợ thành đạt hơn mình. Có khi anh ta còn nói khích bác, châm chọc, tỏ vẻ coi thường những cái mà vợ đạt được... Lại có trường hợp những người đàn ông cảm thấy lép vế so với vợ sinh ra buồn chán, không quan tâm đến vợ con. Hơn nữa, có anh đi tìm nơi "ngoài vợ" để không bị cảm giác lép vế.

 

Có phải đàn ông quá tệ?

 

Nhiều người đổ lỗi cho đàn ông "ích kỷ", "lỗi thời, cổ hủ", ngăn cản sự vươn lên bình đẳng nam nữ khi anh ta buồn phiền vì kém vợ. Phê phán như vậy chưa thật thấu tình đạt lý.

 

Quan niệm về sự bình đẳng nam nữ mới hình thành vài chục năm, còn từ hàng nghìn năm nay, xã hội đã coi người đàn ông phải là trụ cột của gia đình, là chỗ dựa cho vợ con về kinh tế và tinh thần. Quan niệm như thế là một gánh nặng tâm lý đè lên vai người đàn ông, khiến họ bức xúc.

 

Nói chung khi người đàn ông cảm thấy thua kém vợ, chủ yếu về học vấn và kinh tế, sẽ có hai cách ứng xử . Hoặc là sự mặc cảm ấy sẽ là động lực để họ vượt lên giành thế chủ động và địa vị đáng kính trong gia đình, xã hội; Hoặc là sự không hài lòng sẽ đẩy anh ta vào tình trạng buồn chán, kìm hãm vợ, không thoải mái khi giúp đỡ vợ, gây sự để trút giận cho hả. Tiếc rằng loại ứng xử tiêu cực lại phổ biến hơn.

 

Phụ nữ nên ứng xử thế nào?

 

Khi trong gia đình có bất hòa lớn vì lý do chồng mặc cảm, người phụ nữ hãy cân nhắc giữa sự vươn lên trong cuộc sống xã hội và sự giữ êm ấm gia đình cái nào cần hơn. Chẳng hạn khi vợ quá hăng hái trong các hoạt động xã hội khiến chồng bực bội, người vợ thử suy nghĩ xem có nhất thiết phải tham gia các hoạt động ấy bằng mọi giá, hay có thể rút lui để bảo vệ hoà khí gia đình?

 

Tuy nhiên, cách ứng xử khôn khéo nhất vẫn là khéo léo tâm sự và cùng chồng bàn bạc hướng để anh ấy vươn lên trong cuộc sống như tạo điều kiện cho anh ấy đi học, giúp đỡ anh trong làm ăn.

 

Các chị cũng cố gắng giữ đúng vai trò người phụ nữ trong gia đình, không để công việc lấn át cuộc sống gia đình và vai trò làm vợ, làm mẹ. Cần nhìn thấy những điểm mạnh ở chồng mà nâng đỡ, đề cao, tôn trọng chồng trong những công việc anh ấy thành đạt.

 

Vẫn biết trong cuộc sống gia đình, quan trọng không phải là chuyện ai hơn, ai thua. Song việc hiểu những đặc điểm tâm lý của người chồng sẽ giúp các chị ứng xử khéo léo hơn, tránh những trục trặc, bất hòa không đáng có. 

 

Theo Kinh tế đô thị