Kết cục của những cuộc hôn nhân gá lắp
Không còn ở tuổi thanh xuân, những cuộc hôn nhân của những người bắt đầu “có tuổi” nhiều khi chỉ mang tính gá lắp nương tựa vào nhau. Nếu không xuất phát từ tình cảm sâu đậm và sự tôn trọng lẫn nhau, những cuộc hôn nhân ấy rất khó đem lại hạnh phúc.
Bản “giao kèo” hôn nhân
Ngay khi đám cưới của Các và Tuyền diễn ra, người ta đã đọc được ý nghĩ của họ. Các là một giảng viên đại học, tuổi đã ngoài 40 và có một đời vợ. Vợ trước của Các chết vì một căn bệnh hiểm nghèo, bỏ lại cho chồng một đứa con trai đang tuổi ăn tuổi lớn.
Với tầm tuổi ấy cùng với địa vị xã hội của mình, Các hoàn toàn có thể lấy được một người phụ nữ có tuổi trẻ, có tri thức nhưng Các đã không làm như vậy. Lựa chọn mãi, cuối cùng theo sự giới thiệu của người quen, Các biết Tuyền.
Tuyền thời trẻ không xinh đẹp, lại đã lỡ thì. Tuyền là chị cả trong gia đình. Cha mất sớm, Tuyền phụ với mẹ nuôi các em khôn lớn. Khi các em lần lượt trưởng thành thì tuổi xuân của Tuyền cũng dần qua.
Tuyền cũng có một lần kết hôn qua mai mối nhưng nhà chồng đòi hỏi ở cô khá nhiều và họ muốn cô chỉ biết có nhà chồng. Với trách nhiệm là chị cả, lại quen lo lắng cho các em, Tuyền không chấp nhận được điều này.
Ở với nhau được một năm chưa kịp có con thì hai người chia tay. Sau đó cũng có vài người được mai mối cho Tuyền. Cao không tới, thấp không vừa, gần 40 tuổi, Tuyền không có nhiều sự lựa chọn.
Tuy nhiên, bù lại Tuyền có một yếu tố rất gây chú ý cho Các. Chị được thừa hưởng gia sản của cha mẹ để lại là một khu đất rộng hơn 1.000m2 ngay ở một quận mới thành lập của Hà Nội. Đây cũng coi như là phần ưu ái của gia đình cho những gì mà Tuyền đã đóng góp.
Mới ngoài 50 tuổi, ông Lý đã góa vợ. Ở cái tuổi này đi bước nữa cũng dở mà ở vậy cũng khó. Đúng lời vợ dặn trước lúc lâm chung, ông Lý sau khi dựng vợ gả chồng cho hai người con mới tính chuyện đi tục huyền.
Là một công chức của một cơ quan hành chính cấp tỉnh, có thu nhập và có nhà cửa ổn định, không quá khó để ông tìm một người vợ. Tuy nhiên điều quan trọng là ông muốn vợ mình không còn trẻ. Theo ông vì mình đã sắp già, chiều người trẻ bao giờ cũng khó. Chưa kể người trẻ sẽ phải sinh con đẻ cái. Ở cái tuổi ông đến lúc bế cháu rồi mà lại đi chăm con thì rất mệt.
Rồi cũng có người quen giới thiệu với ông cô Hồng. Cô đã ngoài 40 tuổi, làm công nhân, quá lứa nhỡ thì nên còn ở vậy. Cô chẳng phải người xấu nhưng cô sống quá khép mình nên cuối cùng suốt tuổi trẻ không lấy được ai. Bây giờ gặp được ông Lý coi như cô cũng tìm được chỗ nương tựa gửi gắm về sau. Cô cũng đồng ý với ông Lý rằng hai người chỉ kết hôn và sống với nhau chứ không sinh con nữa.
Hạnh phúc không đến
Đám cưới đơn giản diễn ra giữa ông Lý và cô Hồng. Rồi hai người về sống ở nhà ông. Giá chỉ có hai người có lẽ cuộc sống sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Tuy nhiên, Quảng, người con trai ông Lý dù đã được bố tạo dựng cho một cơ ngơi đàng hoàng, giờ đây nghe người khác xúi bẩy lại quay về ở cùng với họ. Người ta xui Quảng rằng, một mai ông Lý về với tổ tiên, gia sản nhà cửa sẽ rơi vào tay cô Hồng cả. Vậy là Quảng đưa cả vợ con về ở cùng với bố và dì bất chấp sự phản đối của ông Lý.
Từ đấy, vợ chồng Quảng thể hiện rõ ý đồ muốn kiểm soát mọi hoạt động chi tiêu trong nhà. Họ coi bà Hồng chỉ như người giúp việc. Họ bắt bà làm đủ việc trong nhà nhưng không cho quyền định đoạt tài chính. Mâu thuẫn va chạm ngày càng tăng vì ông Lý nể con, không dám can thiệp. Vậy là bà Hồng xách túi quần áo quay trở về sống trong căn nhà của mẹ đẻ như ngày chưa lấy chồng.
Trước khi cưới, Các gặp Tuyền và thỏa thuận với chị ta về những điều khoản trong “hợp đồng hôn nhân” mà anh ta thảo ra. Điều thứ nhất anh ta yêu cầu là sau khi kết hôn, hai người sẽ không sinh con. Anh ta đã có một đứa con trai và cho rằng chuyện con cái có thể làm hai người mệt mỏi, mất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Điều thứ hai, kinh tế trong gia đình sẽ do chính Các nắm giữ, định đoạt.
Tất nhiên đấy chỉ là thỏa thuận ngầm giữa hai người với nhau mà không cho bất cứ người thứ ba nào kể cả anh em họ hàng đôi bên được biết. Ngoài mặt, Các vẫn tỏ ra là người đàng hoàng tử tế khi chấp nhận ở lại phần đất do cha mẹ Tuyền để lại để hương khói cho bố mẹ vợ và mỗi năm đứng ra tổ chức gần 20 đám giỗ trong họ nhà vợ.
Họ hàng nhà Tuyền thì ai cũng mừng cho chị lấy được người chồng danh giá, có học thức, lại có địa vị xã hội. Tuy nhiên mọi người cũng vẫn lo ngại Các có thể sau khi cưới Tuyền chiếm nhà cửa đất cát lại phụ rẫy chị. Họ yêu cầu Các cam kết phải gắn bó với Tuyền đến suốt đời. Nếu Các vi phạm nghĩa vụ, lập tức họ sẽ hủy giao kèo và Các chẳng thể nào đụng tới một tấc đất của nhà họ.
Rồi đám cưới cũng diễn ra đúng với mong muốn của đôi bên. Các đưa cả con trai về ở với Tuyền. Thật ra cuộc sống của họ cũng khá đơn giản. Mọi chuyện về kinh tế trong nhà, Các sắp đặt cả, Tuyền chỉ việc thực hiện. Ngay cả chuyện chi tiêu sinh hoạt trong gia đình, Các cũng ấn định. Hàng tháng, Các đưa cho vợ một số tiền để đi chợ kèm theo một quyển sổ. Mua gì Tuyền phải ghi vào đó. Cuối tháng Các xem xét và “quyết toán”.
Rồi một lần khi hỏi lại chuyện cũ, Các biết rằng Tuyền từng về làm dâu nhà chồng cũ. Người này có một ngôi nhà và mảnh đất rất rộng. Khi ly hôn, hai người không đặt vấn đề chia tài sản. Vậy là Các quyết định sẽ chỉ đạo vợ khởi kiện chồng cũ để đòi chia ngôi nhà và mảnh đất có giá trị mà người chồng cũ đang ở.
Tuyền thì xưa nay đã quen chồng nói gì cũng nghe, miễn là anh ta không bỏ rơi cô. Vậy là Tuyền đứng ra khởi kiện chồng cũ đòi chia nhà đất. Các còn bỏ tiền thuê hẳn luật sư cố vấn về mặt pháp lý. Tuy nhiên, sau khi nghe luật sư nói rằng khả năng thành công là rất thấp, Tuyền cũng chỉ ở với chồng cũ một năm và nguồn gốc tài sản là của gia đình anh ta. Thấy đuối lý khó lòng thắng kiện, Các bảo vợ rút đơn về.
Thấy Các là người quá toan tính trong cuộc sống, anh em nhà Tuyền càng nâng cao cảnh giác. Họ dứt khoát chỉ để nhà đất đứng tên Tuyền. Họ cũng chỉ đồng ý cho vợ chồng chị được cho thuê đất này mà không cho bán dù chỉ là một phần. Tức tối, Các ngày đêm tính toán tìm cách thôn tính mảnh đất của nhà vợ.
Theo Thanh Thủy
Phụ nữ Việt Nam