Kế hoạch tài chính hoàn hảo
Chuẩn bị cho một đám cưới hoàn hảo đòi hỏi rất nhiều yếu tố, trong đó tài chính luôn là vấn đề quan trọng hàng đầu. Hai bạn cần trao đổi kỹ để lập kế hoạch chi tiết cho đám cưới.
Thông thường, nhiều cặp đặc biệt coi trọng việc “đầu tư” vào bộ ảnh cưới và áo cưới. Bởi họ quan niệm đó chính là “bộ mặt” của đám cưới. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia tư vấn về cưới hỏi thì đây lại chính là nơi dễ khiến bạn tốn tiền một cách không đáng. Ảnh cưới là để ghi dấu thời khắc tuyệt vời trong tình yêu của hai bạn. Tuy nhiên, không nhất thiết phải có một bộ ảnh cưới hoành tráng, mà cần chọn loại ảnh cưới phù hợp với điều kiện của mình. Bởi thực tế là sau đám cưới, bộ ảnh công phu và tốn kém này có thể phải “thường trú dài hạn” trong tủ. Với mặt bằng giá hiện nay, cặp đôi có thu nhập trung bình thì nên chọn “gói” ảnh cưới, bao gồm cả album và ảnh chụp đám hỏi, đám cưới khoảng 7-10 triệu đồng.
Với áo cưới, có những bạn phải kỳ công lặn lội khắp nơi để chọn một bộ áo cưới “long lanh” với giá rất đắt. Tuy nhiên, có 2 lý do khiến bạn nên cân nhắc lại: Thứ nhất, đó là đồ thuê nên không phải thứ bạn có thể giữ lâu dài hoặc nếu có mua thì bạn cũng không thể mặc lại… lần nữa. Thứ hai, sẽ không có nhiều người “zoom cận cảnh” bộ áo cưới của bạn để bình phẩm. Nên chủ yếu là dáng của áo đẹp, phù hợp với vóc dáng chứ đừng câu nệ quá đến các chi tiết. Vì vậy, giá thuê áo cưới mức vừa phải là khoảng 3 triệu đồng/bộ.
Nhẫn cưới cũng là thứ có thể “tiết giảm”. Thay vì bỏ nhiều tiền mua cặp nhẫn “hoành tráng”, bạn nên chọn loại vừa phải (giá hiện nay khoảng 6-8 triệu đồng/cặp). Nhẫn cưới là vật mang tính tượng trưng, “bảo chứng” cho tình yêu của 2 bạn, chứ ít khi “bị” coi là tài sản. Do đó, nhẫn lớn hay nhỏ, đẹp hay không cũng đều có ý nghĩa như nhau.
Việc in thiệp cưới cũng không nên lãng phí. Với những người bạn thân thiết, đôi khi bạn chỉ cần gọi điện thoại hoặc gửi thiệp online, thiệp trên facebook. Bạn chỉ nên gửi cho sếp, đồng nghiệp, những đối tác làm ăn quan trọng, họ hàng. Hiện trên thị trường có rất nhiều mẫu thiệp với các mức giá chênh lệch lớn, có loại chỉ 4.000 đồng/tấm, nhưng cũng có những loại lên tới vài chục ngàn đồng. Bạn nên chọn loại vừa phải, không “úi xùi” nhưng cũng không cần quá sang trọng. Khoảng 7.000 - 10.000 đồng/thiệp là khá đẹp rồi!
Khi lên kế hoạch tài chính, bạn cần lưu ý không được bỏ sót bất cứ chi tiết nào. Ví dụ, chi phí cho đám hỏi thông thường bằng khoảng 10% so với chi phí đám cưới (khoảng 20 triệu đồng). Chi phí cho tuần trăng mật cũng có thể bằng hoặc cao hơn đám hỏi.
Riêng việc đặt tiệc cưới, bạn phải căn cứ vào điều kiện của mình và khả năng tài chính của phần đông khách mời. Nếu khách chủ yếu là người khá giả thì có thể đặt bàn tiệc (10 người) khoảng 4-5 triệu đồng. Còn khách chủ yếu là bạn bè đều còn trẻ thì nên chọn những thực đơn có giá trên dưới 3 triệu đồng (bàn 10 người).
Với khoản tiền mừng, có lẽ phần lớn bạn sẽ dành để thanh toán tiền tiệc. Phần còn lại, bạn nên chia ngay ra 2 khoản chính bằng nhau, trong đó một khoản để chi phí cho tuần trăng mật và mua sắm vật dụng cho gia đình mới; phần còn lại gửi ngân hàng để phục vụ cho những dự định dài lâu.
Chi phí trung bình cho một đám cưới ở thành phố hiện nay khoảng 200 triệu đồng. Tuy nhiên, trong đó có tới hơn 60% là các khoản có thể tiết giảm. Nếu khéo chi tiêu thì sau đám cưới, bạn có thể bước đầu tích lũy một khoản tài chính nho nhỏ để xây dựng mái ấm.
Theo Mai Thảo
PNVN