“Kế hoạch” hay không?

(Dân trí) - Hội bà tám tụ họp theo phiên định kỳ. Hôm nay sự chú ý hướng vào bà Lâm, tốt phúc nhất hội, mới ngoài bốn mươi đã lên chức mẹ chồng, mọi người đang hỏi dồn dập xem con dâu biết điều chứ? Ngoan không? Sắp thăng chức bà nội chưa?

 

“Kế hoạch” hay không?  - 1


Bà Lâm chậm rãi trả lời từng câu: “Nó vẫn phụ thuộc vào mình từng tý, chẳng ngoan lại không à, nên giờ chưa biết được, chỉ thấy nó cũng chịu khó, ở nhà suốt ngày nên làm hết, chẳng để tôi phải mó tay vào việc gì. Còn chưa biết có chửa chưa, hôm cưới thấy nó vẫn dùng băng vệ sinh, hơn tháng qua chưa thấy gì, chúng kế hoạch cũng nên”.

 

Trong giây phút ngắn ngủi, cả hội bốn người như cùng suy nghĩ, bọn trẻ giờ khá thật, kiến thức sách vở chả có mấy mà thực tế thì hiểu biết ra phết. Cũng bởi hai đứa ấy học lực dưới trung bình, có thể nhận xét là kém. Học cùng lớp cấp ba, đắm đuối nhau mãi, ra trường cũng chẳng đi học ở đâu, cứ nhong nhóng hẹn hò, trốn bố mẹ dắt nhau đi chơi suốt, ngán ngẩm quá hai ông bà đành ngậm ngùi mang cơi trầu sang cho chúng về chung một nhà với hy vọng cả hai sẽ tu tỉnh, bảo ban nhau.

 

Bà Hoa nói nhỏ nhẹ nhưng phá tan bầu không khí tĩnh lặng: “Mới một tháng chưa chắc được điều gì, song theo tôi, bà ý tứ nói chúng kế hoạch một, hai năm thì tốt, kiếm nghề ngỗng mà làm, chứ thành gia đình rồi, ăn bám mãi sao được. Bố mẹ rồi lại cả con đẽo, thì ông bà cũng khánh kiệt mà dần mòn chết non mất thôi.

 

 Bà Lâm gật đầu: “Em mong thế lắm, nhưng nói ra thì ngại, nhỡ nó sửng cồ lên”.

 

 “Thì chỉ định hướng, nói ra ý của mình”.

 

Bà Chi vung tay lên: “Việc gì phải kế hoạch, con cái là lộc trời cho. Động viên nó đẻ đi, sợ gì! Trời sinh voi sinh cỏ, kế hoạch sau tịt mít ra đấy ngồi mà khóc, có tiền tấn nhét vào chắc gì đã được, con là của, của là con”.  

 

Bà Hoa phản pháo: “Nói hay chửa, đẻ ra ai nuôi, lại bà Lâm còng lưng gánh nợ à, nó ăn chưa no lo chưa tới, sao đã hiểu trách nhiệm để làm cha làm mẹ, còn mải chơi thế thì chỉn chu sao được, để nó kiếm được đồng tiền, biết được mồ hôi, công sức thì sau mới biết mà dạy con chứ. Hai nữa, con bé kia còn trẻ, cơ thể cũng như chức năng làm mẹ có khi còn chưa phát triển toàn diện, đầy đủ, chưa kể kiến thức về thai nghén, sinh nở và nuôi con gần như bằng không. Cái ngữ nói chuyện ngô nghê như thế là tôi nghi lắm. Mình là bậc tiền bối, phải vạch ra hướng cho chúng nó, bằng ngần này tuổi rồi sao lại cứ để nước chảy bèo trôi, may nhờ rủi chịu thế!”.

 

Bà Chi không kém cạnh: “Bà mới buồn cười! Có quyết, có định hướng đằng giời, giờ có con khó lắm chứ tưởng à, bao tấm gương điếc lòi ra kìa, có đứa con vào nó khác biết vắt giò lên mà chạy, để kiếm tiền. Vả lại nó là đích tôn, ai chả mong có cháu, vất một tí vậy”.

  

Bà Hoa bĩu môi: “Thì đấy, cứ kêu lấy vợ rồi nó khắc biết nghĩ hơn, vẫn đâu đóng đấy đó thôi. Nó chưa đủ tuổi, chưa đủ trải nghiệm để tự bảo bọc nuôi sống mình nữa là giờ bảo nó đèo bòng thêm kẻ khác, mình phải khuyên nhủ dạy dỗ nó kẻo sau hối không kịp. Còn nếu sau kế hoạch mà chẳng thể có con thì biết đâu trước đó nó đã chẳng có khả năng rồi, sao tại mình mà cứ đổ lỗi cho khách quan?”.

 

Bà Chi hít một hơi dài định trả đũa thì bà Tuyết xua tay, chen vào: “Ô hay hai bà này, “chuyện nhà người vỡ nồi nhà mình”, thong thả xem nào. Chín người mười ý, mỗi người có một quan điểm riêng, áp đặt làm gì. Còn theo tôi cứ đẻ lấy một đứa, rồi kế hoạch đứa sau. Chứ để lâu e không ổn, phải xem “máy móc” hoạt động thế nào đã. Thôi đành, bà Lâm cố mà nuôi cho nó đứa đầu vậy, dù sao cũng là ruột rà nhà mình”.

 

Phiên chợ vẫn cạc cạc, thi nhau nói thì bỗng có chuông điện thoại bà Lâm vang lên, nghe xong bà chẹp miệng: “Thôi, cảm ơn các bác đã cho cao kiến, song con tôi vừa gọi điện báo vợ nó có thai rồi, đang gọi tôi về xin tiền mua sữa cho con bé bồi dưỡng. Chẳng biết nên mừng hay nên lo đây, mọi việc hạ hồi phân giải. Còn theo tôi, kế hoạch hay không là do số Trời, cái số tôi lận đận là thế…

 

Cuộc họp hôm nay giải tán sớm, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng và đều thở dài.

 

TSL