Hương của vợ

“... Ấy là mùi sữa non rất lạ, tạo cảm giác dễ chịu thì không phải, khó chịu cũng không đúng, nhưng chẳng phải là mùi hấp dẫn phái mạnh. Rồi cả mùi khai nồng khi đứa con đầu lòng còn trong tháng...”

 
Hình minh họa: PNO

Hình minh họa: PNO
 
 
Chồng là dân tỉnh lẻ, trước 26 tuổi vẫn chưa biết chuyện một phụ nữ đẹp và tự tin ở thành phố nhất thiết phải dùng nước hoa và ti tỉ loại mỹ phẩm có hương thơm khác. Vợ người thành phố, nhưng cũng chẳng phải tiểu thư nên vốn tằn tiện trong chi tiêu. Cuộc sống chật vật, vợ chồng cố gắng lắm mới mua được căn nhà nhỏ. Vì vậy, “công tác tạo hương” gần như bị vợ bỏ quên.

 

Một lần, lựa lúc vợ đang vui, chồng rụt rè thăm dò: “Em à, phụ nữ mà thơm tho, chắc khiến đàn ông mê lắm nhỉ?”. Vợ trả lời gọn lỏn làm chồng chưng hửng: “Mệt! Tắm, gội đầu còn không có thời gian, hơi đâu mà thơm với tho”.

 

Chồng hỏi vậy là vì dạo này chồng bắt đầu để ý đến hương thơm phảng phất của mấy cô đồng nghiệp ở cơ quan. Buổi sáng, bước vào thang máy chung với một nữ đồng nghiệp tươi trẻ. Cô ấy đưa tay hất nhẹ mái tóc là đã nghe một mùi hương ngọt ngào, hấp dẫn. Chồng chợt muốn thang máy chạy chậm hơn chút nữa. Để ý thêm mới biết, phụ nữ hiện đại bây giờ đều dành nhiều thời gian, tiền bạc cho việc tạo hương. Cơ bản là mùi hương của tóc, được tỏa ra từ dầu gội, dầu xả. Dầu xịn thì hương sang. Điệu hơn một chút thì tỏa ra từ cổ một mùi hương có gu riêng. Riêng việc dùng nước hoa cũng vô cùng rắc rối. Người có cá tính mạnh thì dùng “hương cá tính khác biệt”, người dịu dàng chọn hương nhẹ nhàng, người trẻ trung chọn hương ngọt ngào, người trung niên chọn hương đằm thắm. Ấy là chưa kể việc chọn thương hiệu để khẳng định “đẳng cấp cá nhân”… Trong phòng làm việc của chồng có nhiều đồng nghiệp nữ, nên chồng “biết lóm” được như thế.

 

Khi bắt đầu để ý đến hương thơm của đồng nghiệp, chồng cũng để ý luôn hương vợ. Có những phút chồng phải nén thất vọng khi chẳng thể tìm ra được hương vợ, mà chỉ thấy những mùi không được dễ chịu cho lắm. Ấy là mùi sữa non rất lạ, tạo cảm giác dễ chịu thì không phải, khó chịu cũng không đúng, nhưng chẳng phải là mùi hấp dẫn phái mạnh. Rồi cả mùi khai nồng khi đứa con đầu lòng còn trong tháng. Ấy là “hương” thức ăn, dầu mỡ bám đầy sau khi vợ hì hục nấu xong bữa. “May mắn” lắm, mới được ôm vợ thơm tho trong vòng tay khi bộ đồ của vợ mới giặt xong, còn thơm hương… nước xả vải.

 

Chồng định bụng, khi con được vài ba tuổi, đỡ cực, chồng sẽ giúp vợ thơm tho trở lại. Bởi, chẳng ai muốn mãi làm chồng một người phụ nữ nhàu nhĩ và cũ kỹ.

 

Nhưng vợ vẫn lơ đi sau những lần chồng nói xa nói gần về chuyện tạo hương thơm. Chồng bực dọc, nghĩ trong đầu: “Chẳng lẽ tôi huỵch toẹt ra với cô rằng, làm vợ thì nên biết sửa soạn một chút, cô chịu khó nhìn ra thiên hạ mà học hỏi, người ta đi đến đâu, thơm lựng đến đó. Đàn ông họ bị thu hút bởi mùi hương, đàn ông cũng như bao “loài” khác, cô có hiểu không?”.

 

Chồng biết “phụ nhân nan hóa”, rất khó để thay đổi vợ nên tự an ủi: “Thôi kệ, có như vậy mới là vợ mình. Còn hơn là vợ đi đâu cũng sực nức hương thơm, khiến đàn ông bên ngoài dòm ngó”.

 

Nghĩ vậy thôi, chứ “bản chất ham thơm” của chồng vẫn còn đó. Sinh nhật vợ, chồng đánh liều mua một lọ nước hoa thật xịn để tặng. Biết giá tiền, vợ thất thần, còn ngồi quy ra “lọ này xịt được khoảng 30 lần, như vậy mỗi lần xịt nước hoa tốn hết khoảng 30.000đ, trời ơi, chồng ơi là chồng!”. “Thì đắt mới thơm chứ em” - chồng chống chế.

 

Và đúng như lo lắng của chồng, vợ không dùng lọ nước hoa ấy mà “kết luận”: “Thôi anh lỡ mua rồi thì cứ để đấy. Chờ đến sinh nhật em gái em, em tặng lại nó, nó sành điệu lắm, xài mới xứng”. Vợ là vậy, luôn nghĩ người khác sành điệu, mà chẳng bao giờ chịu nghĩ, mình cũng có thể sành điệu. Thôi thì chồng không cố thay đổi vợ nữa, biết yêu những “mùi lạ” của vợ cũng là một cách yêu. Vợ người áo gấm xông hương mặc người...

 

Theo Trần Văn

PNO