Hôn nhân của cha mẹ ảnh hưởng đến lòng tự trọng của trẻ
(Dân trí) - Một nghiên cứu mới đã chứng minh những trẻ em có đầy đủ cả cha lẫn mẹ có lòng tự trọng cao hơn là những trẻ mồ côi hoặc cha mẹ đơn thân.
Lòng tự trọng là một nhân tố thiết yếu trong cuộc sống của mỗi con người. Tuy nhiên ít người biết rằng lòng tự trọng hình thành ngay từ những ngày thơ ấu của trẻ, từ cách đối xử của người thân, thầy cô và bạn bè. Mới đây, các nhà khoa học còn khẳng định hôn nhân có tác động to lớn tới chỉ số tự trọng của mỗi người.
Cụ thể, tổ chức Marriage Foundation đã tiến hành một cuộc nghiên cứu trên 3.800 thanh thiếu niên từ 11 đến 16 tuổi và nhận định những trẻ có cha mẹ kết hôn sở hữu lòng tự trọng cao hơn là những trẻ sống trong các loại gia đình khác.
“Là vợ chồng không chỉ tạo ra cơ hội cho hai người được gần gũi, gắn bó với nhau mà còn ảnh hưởng tới hạnh phúc của con cái sau này. Kết hôn cũng không hẳn là chuyện đạo đức hay phán xét mà còn là bước đệm cho những hệ lụy xảy ra trong thực tế”, chủ tịch tổ chức Sir Paul Coleridge chia sẻ.
Nhà nghiên cứu còn tiết lộ các bé trai có chỉ số tự trọng trung bình cao hơn bé gái và những trẻ có cha mẹ kết hôn cũng có lòng tự trọng cao hơn những trẻ mà cha mẹ chỉ sống chung với nhau. Một cậu bé có cha mẹ kết hôn thường có chỉ số lòng tự trọng tầm 57 trong khi một cậu bé có cha mẹ sống chung có chỉ số này tầm 51. Tương tự, một cô bé có cha mẹ kết hôn có chỉ số tự trọng khoảng 43 và chỉ số tự trọng là 38 đối với một cô bé có cha mẹ không đăng kí kết hôn.
Như vậy, hôn nhân là một yếu tố quan trọng trong việc tạo ra tương lai cho con cái. Kết hôn không chỉ giúp tránh những chấn thương tâm lý do gia đình không hạnh phúc mà còn góp phần thay đổi nhận thức và lòng tự trọng cho trẻ. Khi biết tôn trọng chính mình, trẻ cũng sẽ trở nên lạc quan, tự tin và hạnh phúc hơn.
Trà Xanh
Theo YG