Hội chứng yêu đàn ông đã có vợ: Nếu tình yêu lên ngôi và họ trở thành vợ chồng

Nếu tình yêu với những người đàn ông đã có vợ được đơm hoa kết trái, người đàn ông bỏ vợ và lấy cô tình nhân thì cuộc hôn nhân đó sẽ thế nào?


Không lấy nhau được là may, vì sao vậy? Ảnh minh họa

Không lấy nhau được là may, vì sao vậy? Ảnh minh họa

Trở lại câu chuyện được đề cập trong chương trình “Chuyện đêm muộn”, MC Trác Thúy Miêu đã có đoạn hội thoại vô cùng sâu sắc và rất đáng quan tâm với PGS Trần Hữu Đức về cái kết của những cuộc tình với đàn ông đã có vợ. Chúng tôi xin tóm lược những câu nói mang tính chất “khuôn vàng, thước ngọc” của MC Trác Thúy Miêu và PGS Trần Hữu Đức để kết thúc vệt bài này.

Trong 10 trường hợp có 2 cặp thành đôi nhưng không có cặp nào hạnh phúc

PGS Trần Hữu Đức: Thực tế xác suất được làm “chính thất” (làm vợ) của các cô “cỏ non” là rất thấp. Trong 10 trường hợp thì chỉ có 2 – 3 người được trở thành chính thất nhưng trong đó không có cuộc hôn nhân nào hạnh phúc. Bởi khi còn trái cấm thì còn hấp dẫn. Còn khi không còn ràng buộc, không còn hiệu ứng trái cấm nữa, cả hai đến với nhau và thành vợ chồng thì … ngay lập tức nó bị phản ứng ngược. Họ tự bắn vào chân của họ.

Cô gái nghĩ “liệu mình sẽ là cái cô vợ bị cắm sừng hay không” còn ông chồng thì nghĩ “bây giờ cô ấy đã là vợ của tôi, cô còn rất trẻ, liệu cô ấy trong một khoảng thời gian nào đó có gặp người đàn ông nào khác hay không”…

Họ đến với nhau trong những vết rạn nứt rồi kết thân với nhau vẫn giữ nguyên những vết rạn nứt nên chính những vết rạn nứt đó nó đã có ở trong cái gen của cặp vợ chồng mới đó rồi. Và chính những kỷ niệm xưa, những ký ức xưa, hồi xưa là lãng mạn bao nhiêu thì bây giờ thô thiển bấy nhiêu. Và đó là những cái gai châm vào gối hàng đêm.


Kể từ ngày tình yêu lên ngôi, bi kịch của họ mới bắt đầu. Ảnh minh họa

Kể từ ngày "tình yêu lên ngôi", bi kịch của họ mới bắt đầu. Ảnh minh họa

Không lấy được nhau là... may, lấy nhau được mới là... xui

MC Trác Thúy Miêu: Trường hợp thứ nhất người đàn ông ly hôn với bà vợ và vẫn không chịu cưới cô tình nhân này thì tường hợp đó là trường hợp may mắn. Cái trường hợp xui hơn là ông lấy cái cô tình nhân này về làm vợ…

Nếu ta sinh là một cô gái thuộc hạng “cỏ non”. Nếu số phận cho ta được đa tình đào hoa để trở thành một con “trâu già” được gặm cỏ non thì chúng ta không thể đến với nhau để trở thành một cặp vợ chồng tử tế được. Vì chúng ta đã bắt đầu bằng một cuộc tình từ cái mầm phạm lỗi. Cái mầm có lỗi đó…giống như hai tên cướp nhà băng cướp thành công rồi cùng giàu. Trong thâm tâm hai tên đó đều nhủ thầm trong bụng rằng “tao biết mày là thằng ăn cắp!”.

Thế thì hai người này đến với nhau trong một gia đình mới gầy dựng lại, rổ rá cạp lại thì người chồng vẫn luôn luôn biết “tôi biết cô là hạng gái giật chồng ”, còn cô gái vẫn thì “tôi biết anh là hạng đi lừa đảo phụ nữ. Anh lừa chính vợ anh thì làm sao tôi tin được!”.

Đó mới chính là bi kịch lớn nhất của những cô gái tự gọi mình là lorita, tự xem trọng cái năng lượng giới tính của mình khiến cho đàn ông phải quy phục, đạp đổ mọi rào cản luân lý. Các cô ấy rất đam mê các cuộc phiêu lưu. Nhưng chính cái đích cuối cùng của những cuộc phiêu lưu đó nó lại chấm dứt tất cả các cuộc phiêu lưu khác và bi kịch bắt đầu


Cuộc hôn nhân được hình thành từ môi trường phạm tội không bao giờ có được hạnh phúc. Ảnh minh họa

Cuộc hôn nhân được hình thành từ "môi trường phạm tội" không bao giờ có được hạnh phúc. Ảnh minh họa

PGS Trần Hữu Đức: Cuộc hôn nhân được hình thành từ “môi trường tội phạm” cũng giống như cái hạt mầm bị lỗi. Câu chuyện tiếp theo thông thường sẽ là những đứa con ra đời. Trong những câu chuyện mà tôi tư vấn thì cái nỗi dày vò dằn vặt nhất của bất kỳ ông bố phạm tội hay bà mẹ phạm tội nào cũng vậy, họ đều khóc chung cho những đứa con kẹt ở giữa của họ.

Tôi cũng đã tư vấn cho những người con của những dạng gia đình như vậy. Tâm lý của những đứa trẻ nếu nó phải lớn lên trong một gia đình như vậy, tức là đã hình thành trong một “môi trường tội phạm” thì chúng thường mặc cảm, tự ti, trí thông minh bị giới hạn và quan trọng nhất là niềm tin giữa con người với nhau bị lủng lỗ, bị đục khoét, bị ăn mòn, bị tật nguyền.

Khi tình lên ngôi, bi kịch "cỏ non" mới thực sự ...bắt đầu

MC Trác Thúy Miêu: Có thể bạn rất hiếu thắng, có thể người đàn ông đó rất quyến rũ về mọi mặt, có thể bạn tin vào sức mạnh của tình yêu, có thể bạn tin rằng bạn sẽ cam chịu, có thể bạn tin rằng sẽ có một ngày tình lên ngôi thì hãy lắng nghe Thúy Miêu rằng: kể từ ngày tình lên ngôi, bi kịch của “cỏ non” sẽ bắt đầu. Người đàn ông lớn tuổi sẽ hiện nguyên hình là một ông già và bạn sẽ không thể sống với ông ấy đến cuối đời mà không cảm thấy rằng tôi thua thiệt, tôi bị hy sinh bởi một mối tình sai lầm.

Và thưa quý ông, để quyến rũ một cô gái trẻ thực sự đối với một người đàn ông lớn tuổi không hề khó nhưng chúng ta có sẵn lòng hay không để được mang tiếng rằng dại dột khi tuổi đã già?

PGS Trần Hữu Đức: Cái Thúy miêu nói là số đông. Còn tôi xin nói vớt cho một người thuộc…thiểu số. Bởi có một số các bạn gái nghĩ rằng họ không có con đường nào khác ngoài việc yêu những người đã có vợ. Vì thế nếu tin tuyệt đối vào Thúy Miêu nói thì họ sẽ nghĩ rằng, cuộc đời họ sẽ không bao giờ còn có cơ hội có hạnh phúc.

Còn đối với những người đàn ông, nếu nghĩ rằng gia đình của mình là bước đường cùng. Và cái chuyện tìm thấy tình yêu thật sự trẻ trung bồng bột với một cô gái rất nhỏ tuổi bằng tuổi con của các anh, có thể nghĩ đó là tình yêu cao cả đích thực thì xin thưa hãy tự ngắm lại bản thân. Bởi cái đó có thể cho ta được một thoáng trẻ trung trở lại, có thể giúp cho chúng ta có cảm nhận được sống trở lại mối tình đầu tiên hoặc cái cuộc hôn nhân của ta chưa cho ta được trẻ trung, chưa cho ta được giống như “ăn trái cấm” thế này, biết độ hấp dẫn rất là cao nhưng hãy nghĩ nhiều hơn đến những hậu quả để lại cho chính bản thân của các anh, cho vợ con và thậm chí cho cả cô bạn gái mà anh đang cố gắng chinh phục và có thể cho cả con của anh và cô bạn gái đó.

Và hãy bản lĩnh hơn. Và nếu các anh nghĩ rằng đàn ông chúng ta có quyền được yếu mềm trong một số hoàn cảnh thì hãy mở lòng, đừng ngại tìm đến những chuyên gia để được giãi bày. Bởi đôi khi “quay đầu là bờ”.

Theo Ngân Khánh
Gia đình và Xã hội