“Hoặc là mẹ hoặc là em, anh chọn đi”

(Dân trí) - Anh bạn tôi kể, tối qua vợ chồng anh ấy cãi nhau, bạn tôi giận quá tát vợ một cái. Cô ấy bảo: "Được, hoặc tôi hoặc mẹ, anh chọn đi”. Nếu phải lựa chọn, chắc chắn anh ấy không chọn vợ. Cô ấy cũng có mẹ mà, làm sao lại có thể nói ra những câu tàn nhẫn như vậy được.

“Hoặc là mẹ hoặc là em, anh chọn đi” - 1

Bạn vốn sinh ra từ ruộng đồng lam lũ. Bố mẹ chia tay khi bạn chớm lên mười. Từ đó hai mẹ con cùng nhau đi qua những năm tháng khổ nghèo. Nhờ mẹ khuya sớm tần tảo nắng mưa mà bạn được học hành đến nơi đến chốn. Bạn lập nghiệp ở thành phố, yêu rồi lấy vợ. Những chuyến về quê thưa dần, phần vì bận bịu công việc, phần vì đường sá xa xôi, đi ô tô thì vợ kêu say xe, đi xe máy thì than đường xa gió bụi. Xưa bạn còn độc thân, cuối tuần bỏ ra vài tiếng chạy xe về với mẹ là chuyện nhỏ. Giờ có vợ rồi, vợ không muốn đi, đi một mình cũng ngại. Thỉnh thoảng mẹ bạn gọi điện bảo nhà có đàn gà mới lớn, có mấy luống rau đang vừa ăn, có chục trứng mẹ để dành, lâu không thấy vợ chồng về, làm cách nào mẹ gửi lên được? Lần nào mẹ gọi điện mắt bạn cũng nhòe cay.

Vợ bạn sinh ra trong nhung lụa, đương nhiên lấy chồng ở quê chắc là nghĩ mình có phần thiệt thòi. Cô ấy lúc nào cũng nói vì yêu anh mà chấp nhận hết mọi thứ. Thế nhưng mỗi lần mẹ chồng đau ốm cũng chỉ miễn cưỡng về. Anh em họ hàng có đám hiếu đám hỉ cũng viện đủ lí do để trốn. Mỗi lần về quê đều than phiền người dân quê tò mò, nhiều chuyện. Anh em họ hàng thì đông, ai cũng đến hỏi chuyện, mà cô thì chẳng biết ai với ai mà xưng hô cho đúng. Nói chung cô ấy nói rằng lối sống khác nhau, nhất thời chưa làm quen được, nên ngại về.

Vợ chồng bạn nhờ tích cóp, lại được nhà ngoại cho thêm một ít, đã đủ tiền mua một căn hộ chung cư. Mẹ bạn thì ngày càng già yếu, nhưng từ ngày con ở xa đã quen cảnh một mình, chưa bao giờ có ý rời xóm rời làng. Nhưng bạn thì một mực khuyên mẹ lên thành phố ở cùng để tiện bề chăm sóc. Mâu thuẫn vợ chồng bạn bắt đầu từ đó. Vợ bạn cho rằng bà xưa nay sống một mình ở quê cũng tốt, có anh em xóm làng cũng vui. Bà ốm đau thì vợ chồng mình về thăm, nếu không thì bỏ tiền ra thuê người chăm sóc. Nhà cửa mình chật chội, thêm người chắc khó sống. Với lại bà quen sống với ruộng vườn, lên thành phố khác gì tù giam lỏng. Rồi chuyện con dâu mẹ chồng sống chung, hiềm khích không có cũng thành có. Chi bằng cứ như vậy cho êm chuyện, cho nhẹ lòng. Vợ có cái lý của vợ, nhưng bạn vẫn cho rằng vợ chỉ vì ích kỉ, không hiểu cho đạo làm con của chồng. Nói đi nói lại cũng bóng gió chê bai nhà chồng quê mùa nghèo khó. Xung đột dâng cao, vợ bạn nổi sung lên bảo bạn lựa chọn, hoặc là mẹ, hoặc là vợ? Chứ Hiếu chưa tròn mà chữ Tình đã có nguy cơ rạn nứt.

Nghe chuyện của bạn, tôi không biết phải góp lời như thế nào cho đúng. Những câu chuyện tương tự không phải chưa từng được nghe. Đành rằng không phải mẹ chồng nào cũng tốt. Đành rằng có những bà mẹ chồng rất cay nghiệt với con dâu. Nhưng phận làm con, sao người ta có thể đưa ra những yêu cầu oái oăm và vô tình đến thế.

Giả sử như chồng mình có bồ đi, mình bắt chồng mình lựa chọn: “Anh chọn đi, hoặc là em, hoặc là cô ấy” thì hoàn toàn có lý. Mà có lý chưa chắc đã được, bởi nhiều trường hợp mà đẩy chồng vào tình thế lựa chọn không khéo cũng có nguy cơ mất chồng như chơi. Đằng này bảo chồng chọn mẹ hoặc vợ, trừ khi anh chồng quá nhu nhược hoặc vô dụng, còn không thì vợ cầm chắc phần thua. Đó không những là một đề nghị thiếu khôn ngoan mà còn vô cùng tàn nhẫn.

Đa số các bà vợ, trong những cuộc tranh luận hay xung đột với mẹ chồng thường muốn chồng đứng về phe mình. Mình không thương mẹ chồng đã đành, còn đắc ý nếu thấy chồng mình bất hiếu. Nhưng bản thân tôi thì nghĩ một người mà đến mẹ mình cũng không coi trọng thì cũng chẳng coi trọng ai khác. Một người mà đến người sinh ra mình, nuôi dưỡng, yêu thương mình vô điều kiện cả cuộc đời mà mình còn bỏ được, thì một người vợ chỉ cần bỏ đi tờ hôn thú là thành người dưng có gì là khó.

Thỉnh thoảng tôi có chứng kiến vài cuộc cãi vã giữa những cô con dâu với mẹ chồng. Nghe các cô con dâu lớn tiếng chửi rủa, và các bà mẹ cũng cố to tiếng mắng lại, chưa cần biết ai đúng ai sai vẫn không ủng hộ thái độ của cô con dâu. Hai người phụ nữ vì yêu thương một người đàn ông mà gọi nhau là mẹ là con, thế mà chỉ vì vài chút không hài lòng bỗng như kẻ thù từ hai chiến tuyến. Người già thì hay chấp nhặt, người trẻ thì hiếu thắng. Trong trường hợp đó có mấy người đàn ông đủ bản lĩnh để dàn xếp cho ổn thỏa đôi đường, hay được lòng mẹ thì vợ trách hờn, được lòng vợ thì khiến mẹ già tủi thân đau đớn?

Ông bà ta có câu: “Yêu nhau yêu cả lối đi”, sao yêu người đã sinh ra chồng mình lại khó khăn đến thế? Phụ nữ vốn vẫn thường ích kỉ, nhưng ích kỉ cũng cần có giới hạn. Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy, mình là phụ nữ, mình cũng làm mẹ, rồi một ngày mình cũng sẽ già đi. Nếu mình có con trai, sau này mình cũng sẽ làm mẹ chồng. Mình muốn được con dâu mình đối xử thế nào? Nếu mình không cho đi yêu thương, mong gì được phúc phần nhận lại?

Lê Giang