“Họ hàng nhà tôi bảo…”

Bất kỳ người vợ nào cũng sợ bị nhà chồng chê trách, nhất là nói xấu sau lưng. Cái kiểu góp ý: “Họ hàng nhà anh bảo em…” hay “mẹ bảo em…” của người chồng gây khó chịu rất nhiều cho người vợ.

 
“Họ hàng nhà tôi bảo…” - 1


Vừa đi làm về, Hiền đã bị chồng mắng: “Lần sau đi ăn cưới thì phải mặc váy. Cả họ nhà anh bảo em làm xấu mặt chồng”. Hiền rất ức vì chồng cứ nghe họ hàng than phiền cái gì là về bực bội với vợ.

 

Số là hôm cưới đứa em họ bên nhà chồng, Hiền chỉ mặc quần áo đơn giản và không trang điểm. Đến nơi, Hiền thấy các cô bác nhà chồng ăn vận rất lịch sự. Hiền kể, cô nghĩ ăn mặc thế nào là quyền ở mỗi người. Mình không mặc áo rách, áo bẩn là được. Nhưng không ngờ nhà chồng lại chuộng hình thức. Vì thế có lẽ, lúc sánh bước cùng chồng đi đón dâu, họ nhà chồng đã không hài lòng với hình ảnh của cô. Lời xì xào đến tai chồng Hiền, anh tức tối lại về nhà mắng nhiếc vợ.

 

 Cũng bực mình vì lần nào mắc lỗi cũng phải nghe chồng mắng: “Cả họ nhà tôi chê cô đoảng” hoặc “Họ nhà tôi không có ai đoảng hơn cô”. Có lần vô tình làm đổ bát cơm ra bàn, Hường phải nghe chồng càu nhàu: “Ngay khi cưới, chị Phượng (người chị họ) bảo, chỉ cần nhìn qua là biết vợ chú Phúc (chồng Hường) đoảng rồi. Thế mà đúng thật”.

 

Lần khác, đang làm việc thì Hường nhận được điện thoại của chồng, tức tối: “Bà Lâm vừa gọi điện cho mẹ, than phiền rằng hôm qua, em gặp bà ấy mà không chào?”. Dù Hường đã giải thích: “Em chào rồi nhưng chắc nói nhỏ quá nên bà ấy không nghe thấy” nhưng cô vẫn bị chồng “dạy dỗ”: “Lần sau phải chào lớn vào”.

 

Ít hơn chồng 2 tuổi nhưng lúc nào Hường cũng có cảm giác như em bé để chồng giáo dục. Chồng Hường hễ thấy ai trong họ nói câu nào đó về vợ mình là “dựng” lên tức tối và phải giáo huấn vợ ngay lập tức, không cần biết ai đúng, ai sai. Có khi, Hường chỉ nghe thấy chồng nói bóng gió: “Cả họ nhà anh chê em”. Nhưng khi Hường hỏi: “Em bị chê ở điểm nào, anh phải nói rõ để em từ từ sửa” thì chồng cô không nói được.

 

Khi chồng yếu bản lĩnh

 

Nhiều anh chồng biết rõ điểm tốt, điểm xấu của vợ. Họ chấp nhận điều đó nhưng khi có người ngoài “lời ra tiếng vào” thì trở nên bức xúc, cay cú. Hậu quả là dễ oán trách, chán ngán vợ. Đó giống như một cách để họ giải tỏa những bức xúc trong lòng vì ai cũng mong muốn tìm kiếm một người bạn đời để mình được “nở mày, nở mặt”.

 

Không phải anh chồng nào cũng ứng xử như thế. Anh nào tâm lý thì biết kiềm chế trước dư luận, biết tìm điểm chưa tốt của vợ để cùng khắc phục. Anh nào yếu tâm lý thì đá thúng đụng nia, không cần biết vợ đúng hay sai, cứ phải càu nhàu, mắng mỏ cho bõ tức. Nhiều người vợ bị đặt điều, bị nói xấu nhưng người chồng cũng không đủ bản lĩnh để nhận ra.

 

Cái kiểu góp ý: “Họ hàng anh bảo em…” hay “Mẹ anh bảo em…” của người chồng gây khó chịu cho người vợ. Đồng ý là không ai mười phân vẹn mười nhưng nếu người chồng biết đưa ý kiến khác đi thì mọi chuyện đã khác. Bất kỳ người vợ nào cũng sợ bị nhà chồng chê, nhất là nói xấu sau lưng. Cảm giác ấm ức đã sẵn. Bây giờ, lại thêm ức chế vì bị chồng vùng vằng, người vợ càng thấy buồn và cô đơn hơn. Họ dễ suy nghĩ chồng mình không đứng về phía mình, không bênh vực và hiểu mình nên càng chán nản.

 

Nhiều người vợ sẵn sàng hoàn thiện mình nhưng để chiều lòng cả họ nhà chồng là điều không tưởng. Đấy là chưa kể có những lời nói xấu sau lưng xuất phát từ đặt điều, vu khống. Vì thế, nếu vợ chồng không tin tưởng và là chỗ dựa cho nhau thì nguy cơ lung lay hạnh phúc có thể xảy ra.

 

Ở vào hoàn cảnh này, người vợ có thể lựa lời tâm sự với chồng. Có thể người chồng chỉ phát ngôn bột phát mà không biết điều đó làm tổn thương đến vợ. Nói với chồng rằng, có chuyện gì muốn góp ý thì vợ chồng trao đổi với nhau.

 

Theo Ngọc Bình

Mẹ và bé