Hát ru

(Dân trí) - Mẹ bảo con gái, ngày xưa bằng tuổi này, những đêm tát nước gàu sòng mẹ hát đối với đám trai làng rất có duyên. Còn ngày thường thì mẹ ru dì, ru cậu ngủ bằng những ca dao xứ Quảng Trị đầy ngọt ngào.

 
Hát ru  - 1


Mới đó mà đã 30 mươi năm. Cô gái thôn quê yêu dân ca, hát đối ngày nào giờ thành bà ngoại, bà nội. Mẹ thường hoài cổ bằng những câu hát rất xưa:
 
“Ở quê lúc đó nghèo lắm, quần áo bá mông, bá vai chứ đâu được lành lặn như giờ. Ngoại mày con đông, mẹ là chị cả nên mọi việc đều quán xuyến, từ sáng đến tối chẳng bao giờ hở cái tay để vuốt lại mái tóc chứ đừng nói đến chuyện rong chơi. May mắn lắm là lúc tát nước trên đồng, trăng sáng, gió hây hây mát. Cả đám con gái vừa tát nước vừa hát, hát rằng: “Bao giờ cho đến tháng hai, con gái tát nước con trai be bờ...” Rồi chọc ghẹo mấy đám trai làng bên cùng đi tát nước, tiếng cười, nói cứ vang vọng cả ruộng đồng.

 

Ngoài việc tát nước để có cơ hội thỏa thích hát hò thì việc trông mấy cậu mấy dì cho bà ngoại đi làm cũng là một cơ hội để hát ru. Hồi đó mấy cậu mấy dì mày chướng lắm. Quanh năm cứ xài đẹng, khóc cả ngày. Mỗi lần ru ngủ mẹ đều hát ru hay hò một lúc là cậu dì chìm vào giấc ngủ ngay. Những trưa hè nắng và gió, trên chiếc võng đong đưa, câu hát mẹ văng vẳng, chìm bổng theo con sóng ngoài khơi... “Ru em em théc (ngủ) cho mồi, để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu...”

 

Chẳng biết từ bao giờ mẹ lại thuộc nhiều câu hát ru đến thế. Mà dường như những câu hát ru chỉ phù hợp với cái lũy tre làng, con sông hay một bến nước nào đó. Chứ ở thành phố đất chật người đông như thế này, chẳng thấy một ai hát, chắc có lẽ họ không còn tâm hồn để hát khi một phần chẳng có người nghe hay không có không gian để hát. Mỗi lần nhắc đến những điệu hát ru, mẹ tôi đều tự hào và tiếc nuối về một thời đã qua.

 

Chị tôi lấy chồng. Một cô gái hiện đại và trí thức với tấm bằng cao học; công việc ổn định, nhà cửa tiện nghi và đặc biệt có một ông chồng rất tây.

 

Sinh đứa con đầu lòng mẹ từ quê lặn lội lên trong nom. Những đêm nóng bức, nhà anh chị to, đẹp nhưng vẫn bưng kín như... hộp diêm nên không gian nghẹt lắm. Thằng bé con chị lại chướng, khóc ré cả ngày. Ông anh rể tự tin nói, phải tập cho thằng bé nghe nhạc nhẹ, thứ nhạc chỉ cần nhấn nút là có thể nghe và có cả chục điệu hát để thưởng thức! Chị tôi cười giòn, nụ cười đắc chí và ra vẻ ủng hộ chồng khi “vốn liếng” về câu hát, điệu hò để đưa con vào giấc ngủ của chị là con số 0. Cái phương pháp hiện đại và vô cảm của anh rể đã không hiệu quả. Mẹ tôi phải bế trên tay rồi à ơi, ru hời... Trông thế mà hiệu quả lắm, nó nín khóc và lim dim chìm vào giấc ngủ như có một phép lạ.

 

Chị Hai tôi trầm trồ: “Sao lúc nhỏ mẹ không dạy con hát ru?”, “Ơ cái con bé này, cái đó ai lại đi dạy. Lúc mẹ còn con gái, bà ngoại mày đâu có dạy mà tao cũng có cả ngàn câu hát để ru con. Mày cũng lớn lên từ cái mớ bồng bông câu hát đó đấy”. Mẹ nạt yêu.

 

Ngay hôm sau chị tôi lém lỉnh đưa cái máy thu âm hạng xịn ra để ghi âm lời ru của mẹ với lý do: Ghi lại để con học, mai này còn dùng. Thế mà chị tôi nói nhỏ với tôi khi không có mẹ: “Chị học rồi, ru rồi mà chẳng an thua gì cậu ạ. Chắc chị không có năng khiếu hay bị “trơ” cảm xúc, khổ thật”.

 

Tôi đùa: “Hay lúc nào cháu nó khóc, chị một là “triệu” mẹ từ dưới quê lên ru; hai là mở máy ghi âm phát lời ru của mẹ”.

 

Chị lại trầm trồ: “Cậu nói hay thật, mà sao con nít chừng này tuổi lại “ghiền” nhạc dân ca nhỉ?”.

 

Yên Mã Sơn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm