Hạnh phúc từ đâu? Bất hạnh từ đâu?

Cùng chung ước mơ xây dựng tổ ấm gia đình, nhưng có đôi vợ chồng may mắn được toại nguyện đến đầu bạc răng long, có cặp lại hẩm hiu “giữa đường đứt gánh”. Vẫn biết rằng “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, nhưng tựu chung lại, dẫn đến sự hòa hợp hay ly tán của đôi lứa cũng chỉ quanh quẩn là những nguyên nhân sau:

Hạnh phúc từ đâu đến?

 

1. Cha mẹ hai bên

 

Hạnh phúc của cha mẹ hai bên có ảnh hưởng rõ rệt đến hạnh phúc của con cái. Nếu cả đôi bên cha mẹ đều giỏi giang thì con cái sẽ dễ dàng xoay sở trong cuộc sống hàng ngày. Nếu cha mẹ cô dâu không còn nữa thì đó là một bất hạnh lớn cho cuộc sống lứa đôi (tuy nhiên điều này không phải lúc nào cũng xảy ra).

 

2. Không phải là con cưng độc nhất

 

Những cặp vợ chồng không phải là con cưng độc nhất thường hạnh phúc hơn, bởi những người con độc nhất thường có tính ích kỷ, không dễ dàng chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống.

 

3. Thành thị và nông thôn

 

Những cặp vợ chồng sinh ra và lớn lên ở nông thôn thường hạnh phúc hơn những cặp vợ chồng ở thành thị (có lẽ do cuộc sống của họ ít bị chi phối) và những cặp vợ chồng ở đô thị nhỏ dễ hòa hợp hơn những cặp vợ chồng ở những đô thị lớn.

 

4. Học vấn

 

Nếu cả hai có trình độ ĐH hay CĐ thì có cơ may hạnh phúc hơn nhiều. Nếu họ tốt nghiệp một trường dạy nghề thì đó cũng là một diễm phúc lớn vì vấn đề nghề nghiệp ổn định rất quan trọng. Những người có học thức và nghề nghiệp ổn định thường là những người hạnh phúc trong gia đình.

 

5. Điều kiện xã hội

 

Những cặp vợ chồng nào hòa thuận với cha mẹ, hàng xóm láng giềng và có nhiều bạn bè thì sẽ hạnh phúc hơn. Dĩ nhiên là họ cùng thích tham gia vào các hoạt động xã hội nào đó, vì nếu không biết sử dụng thời gian rỗi của mình ra sao thì vợ chồng dễ xích mích.

 

Bất hạnh đến từ đâu?

 

1. Cưới nhau sau một thời gian quen biết ngắn ngủi

 

Một cuộc hôn nhân mà hai người mới chỉ tìm hiểu sơ sơ bao giờ cũng là sai lầm. Các kết quả thống kê cho thấy rằng phần lớn những cặp vợ chồng hạnh phúc đều có quá trình tìm hiểu nhau khá lâu dài trước khi đi đến hôn nhân.

 

2. Cả hai hoặc một trong hai có những khiếm khuyết mà thời gian khó sửa đổi

 

Ví dụ như: Khác biệt về tôn giáo, sự xung khắc về tính tình, những thói xấu như rượu chè, cờ bạc, sự bất bình thường về tâm lý. Nếu bạn có thể chịu đựng được những "bất biến" đó thì không có vấn đề gì đáng ngại lắm nhưng nếu không thể chịu đựng được thì đó lại là một bất hạnh.

 

3. Quen nhau trong điều kiện lý tưởng rồi đi đến hôn nhân

 

Nếu quen và yêu nhau trong điều kiện lý tưởng, như gặp gỡ nhau trong những nhà hàng, rạp chiếu phim..., họ khó có thể hình dung được cuộc sống lứa đôi sẽ phức tạp ra sao.

 

Họ cần phải sống bên nhau trong nhiều hoàn cảnh để xem có thể hoà hợp với nhau như thế nào về tâm lý, thói quen, quan niệm... Họ không chỉ hiểu nhau ở những mặt tốt mà cả mặt xấu nữa. Tóm lại là họ phải đánh giá về nhau một cách toàn diện và sâu sắc.

 

4. Giữa hai người không có cùng quan điểm

 

Tất cả mọi vấn đề trong cuộc sống hàng ngày cần phải bàn tính trước và dàn xếp ổn thoả. Nếu giữa người chồng và người vợ không đồng tình và hợp ý thì sự cãi vả liên tục và căng thẳng giữa họ sẽ dẫn đến đổ vỡ.

 

5. Sự khác biệt về thành phần xã hội

 

Khi yêu nhau người ta không hề coi trọng vấn đề này, chỉ sau khi cưới nhau họ mới ý thức được tầm quan trọng của thành phần xã hội. Nếu người vợ và người chồng cùng lớn lên trong một môi trường xã hội giống nhau thì họ dễ hoà hợp với nhau hơn.

 

Một giáo sư có thể yêu một cô ca sĩ, một bác sĩ có thể yêu một vận động viên... nhưng họ sẽ khó sống chung với nhau lâu bền. Sự cách biệt về thành phần xã hội khiến họ khó hòa hợp nhau một cách trọn vẹn.

 

6. Tuyệt đường sinh nở

 

Tỷ lệ các các cặp vợ chồng không con ly hôn rất cao, nếu đã chung sống được vài năm mà chưa có con thì các cặp vợ chồng đó nên tìm đến bác sĩ. Thường sự trục trặc này là do sức khoẻ của người đàn ông hơn là do người vợ gây ra như người ta vẫn lầm tưởng. Nếu không thể có con thì bạn nên nhận con nuôi.

 

Theo Phụ Nữ VN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm