Hạnh phúc gia đình – tình yêu thôi chưa đủ

Khi chung sống dưới một mái nhà, biết bao vấn đề “chung đụng” phức tạp sẽ nảy sinh. Đó là lúc tình yêu tạm lùi bước để nhường chỗ cho các kỹ năng ứng xử: kỹ năng trong quan hệ giao tiếp vợ chồng, kỹ năng giải quyết căng thẳng, xung đột, kỹ năng hoạch định và quản lý các công việc của bản thân và của gia đình...

Kỹ năng giải quyết sự căng thẳng, giận dữ

 

Rất có hại nếu mỗi người cứ kéo dài sự căng thẳng, giận dữ của bản thân mà không giải tỏa. Điều này dễ khiến người ta bị ức chế, trầm cảm... Thật ra không có gì phức tạp: hãy lên tiếng nói rõ với người bạn đời, hít thở sâu ra ngoài đi dạo, đi tắm, thậm chí có thể khóc, dập đầu vào gối hoặc viết ra giấy những gì gây căng thẳng, giận dữ...

 

Người ta có thể chọn một hoặc nhiều trong những cách đó để giải tỏa sự căng thẳng, giận dữ của bản thân. Nếu bản thân không thể tự giải quyết sự căng thẳng, giận dữ, thì người ta có thể nhờ đến sự trợ giúp của bạn bè, người thân, chuyên viên tham vấn...

 

Kỹ năng trong quan hệ giao tiếp vợ chồng

 

Đây là kỹ năng đặc biệt quan trọng và cần thiết, bao gồm: lắng nghe, trao đổi thông tin - đối thoại, chia sẻ những vấn đề riêng tư, nói những câu khẳng định và tích cực...

 

Lắng nghe người bạn đời nói sẽ giúp người ta biết được chuyện gì đang xảy ra, vấn đề là gì, người bạn đời của mình nghĩ gì, muốn gì... Như vậy sẽ tránh được những hiểu lầm, ngộ nhận.

 

Không chỉ biết lắng nghe mà vợ chồng còn cần phải đối thoại, trao đổi thông tin. Tuyệt đối tránh cảnh một người nói còn người kia thì im lặng, không lên tiếng cũng không phản ứng... Nếu giữa hai vợ chồng thiếu sự đối thoại và trao đổi thông tin thì mới bật ra được vần đề cần giải quyết.

 

Chia sẻ những vấn đề riêng tư

 

Vợ chồng nên chia sẻ những vấn đề riêng của bản thân ở một mức độ nào đó, nhưng đồng thời cũng phải biết tôn trọng sự riêng tư của người kia, không nên can thiệp một cách thô bạo vào sự riêng tư của người bạn đời, không bắt ép người bạn đời phải công khai toàn bộ những gì riêng tư, thầm kín...

 

Vợ chồng phải biết nói với nhau những câu khẳng định và tích cực, nghĩa là phải nói thẳng và nói thật những suy nghĩ, cảm xúc... của mình, đừng bao giờ nói bóng gió, mỉa mai, cạnh khóe, chì chiết...

 

Chồng thường về nhà khuya, người vợ tinh tế biết cách nhỏ nhẹ: "Em rất buồn và cô đơn khi anh đi như vậy...", khiến chồng chị suy nghĩ và thấy ăn năn hối hận. Nhưng có cô vợ lại riết róng: "Anh đi với con nào mà giờ này mới mò về nhà?" thì chỉ làm chồng thêm khó chịu, bực mình ...

 

Những kỹ năng không phải là chìa khóa để giải quyết mọi xung đột trong gia đình, nhưng chúng chính là những phương tiện giúp người ta giải quyết những vấn đề trong gia đình một cách nhanh hơn, hiệu quả hơn.

 

Tuy nhiên, nếu chỉ có những kỹ năng thì chưa đủ mà những kỹ năng cần phải đi cùng với những kiến thức về đời sống hôn nhân gia đình (ở các lĩnh vực tâm lý học, giáo dục học, giới tính - tình dục, chăm sóc sức khỏe) và những thái độ sống cần thiết trong gia đình (tôn trọng, thông cảm tha thứ...).

 

Kiến thức, kỹ năng và thái độ là ba yếu tố cần thiết để xây dựng hạnh phúc gia đình.

 

 

Theo PN TP.HCM