Gia đình cơm hộp

Khái niệm “tề gia nội trợ” trong xã hội ngày nay hình như đã có lúc bị coi là “chuyện quá xưa rồi” của một số người vợ hiện đại.

Chị Hoan là phóng viên một tờ báo danh tiếng, phụ trách mảng thông tin thời sự nên việc phải bỏ nhà đi “săn tin” là chuyện thường ngày.

 

Kết hôn được gần ba năm nhưng do công việc của cả chồng và vợ đều bận rộn nên hai người chưa thể có con ngay. Họ đã thống nhất với nhau một lịch trình đều đặn và hợp lý:

 

Buổi sáng, mỗi người sẽ tự ra ngoài ăn cháo, phở, miến, mì tuỳ ý. Trưa ăn cơm ở cơ quan, hiếm hoi rảnh rỗi thì hai vợ chồng rủ nhau đi nhà hàng ăn một bữa thịnh soạn. Buổi tối ai về trước sẽ có nghĩa vụ gọi điện hỏi người kia khi nào về, rồi ra hàng cơm bụi dưới chân chung cư mua hai hộp cơm mang lên nhà và chờ đợi.

 

Thường chị Hoan về muộn hơn chồng, nên có hôm về, thấy anh đói meo, mặt buồn hiu bên hai hộp cơm trắng tinh nguội ngắt đến không còn muốn ăn nữa. Khi ấy, chị lại cười thỏ thẻ, âu yếm rồi lăng xăng chạy vào bếp.

 

Cũng xủng xoảng xoong nồi nhưng chỉ là đun nước… thả mì tôm vào làm canh ăn cho nóng! Chính vì thế có lúc anh chồng chị đã nhăn nhó hài hước rằng, trong bếp nhà này, động đến cái gì cũng thấy thiếu, chỉ có một thứ lúc nào cũng sẵn, đó là mì tôm!

  

Ngay từ khi sinh con gái được bốn tháng, Chị Minh Tân, làm việc trong một văn phòng đại diện của NGO chuyên về môi trường, đã tập cho con ăn sữa ngoài, và mua bột dinh dưỡng, cháo dinh dưỡng ăn liền về. Chị lo cho bữa sáng của gia đình bằng việc sưu tầm hàng loạt những địa chỉ bán bánh hamburger, sandwichs qua điện thoại.

 

Khi vừa trở dậy, việc đầu tiên của chị là bốc máy yêu cầu “mang giúp suất bánh giống như hôm qua đến nhé”. Lo cho con ăn, mặc quần áo xong thì bánh cũng đến. “Nóng hổi và đủ dinh dưỡng cho cả buổi sáng” - Chị động viên chồng như thế.

 

Thế rồi chị mang con đi gửi. Buổi trưa, chị và chồng cùng ở văn phòng và họ cùng gọi cơm hộp. Buổi tối, sau khi chị tham gia lớp học thêm về thì qua luôn nhà cô giáo đón con. Trên đường về nhà sẽ tiện thể tạt vào một hàng cơm rang hoặc phở xào để mua và lủng lẳng mang về.

 

Nhiều bữa sáng ăn mãi bánh hamburger gà đến hamburger thập cẩm, rồi lại sandwichs thịt, sandwichs rau thì mãi cũng chán, thế là chị lại thay đổi khẩu vị bằng cách mua bánh mì gối và mỗi lần đi siêu thị thì các loại đồ hộp ăn sẵn như patê, thịt heo xay, thịt bò xay, rồi xúc xích, bơ, phomat được chị tha về hàng đống và chất đầy tủ lạnh.

 

Theo chị Minh Tân lý luận thì chi phí cho các bữa ăn kiểu cơm hộp như thế của hai vợ chồng chị hết khoảng 120 ngàn đồng một ngày mà chị lại dành được nhiều thời gian để nghỉ ngơi, giải trí. Trong khi đó, tính toán nếu chị cũng đi chợ, mua thức ăn, về nhà nấu nấu nướng nướng thì cũng hết bình quân khoảng 100.000 đồng rồi mà kèm theo đó thì chị lại mất rất nhiều thời gian, công sức để đi mua, vào bếp, dọn dẹp rửa chén bát.

 

Anh Khánh, chồng của chị Hoan tâm sự rằng “ban đầu thấy thương vợ làm báo vất vả nên tôi cũng chịu khó ăn cơm hộp, ăn mì tôm. Nhưng mà riết như thế thì nhiều hôm khó chịu kinh khủng”.

 

Một lần cuối tuần, vợ đi tác nghiệp ở nhà một mình buồn chán, anh Khánh đã đến chơi nhà người bạn thân. Lâu lâu không gặp nhau, họ tha thiết mời anh ở lại dùng bữa cơm trưa đạm bạc do chính tay vợ bạn nấu.

 

Bữa cơm có món dưa xào, cá rô kho tương, thịt ba chỉ chấm mắm tôm và nước canh rau muống đánh me chua. Anh Khánh lặng lẽ rút máy ảnh ra chụp lại mâm cơm rồi vui vẻ ngồi xuống ăn liên tục năm bát liền đến no căng cả bụng. Không cả ngượng ngùng, xấu hổ anh chỉ xoa bụng, mỉm cười chân thành cơm chị nấu ngon quá.

 

Về nhà, anh Khánh lặng lẽ mang tấm hình đi rửa và đặt lên bàn làm việc. Chị Hoan nhìn thấy lân la hỏi chuyện nhưng anh không nói. Thế là chị đành phải kín đáo gọi điện cho gia đình bạn anh để hỏi. Khi nghe kể chuyện chồng mình đã ăn một lúc 5 bát cơm như người bị bỏ đói lâu ngày, tự nhiên chị Hoan thấy sống mũi mình cay cay và thương chồng muốn khóc.

 

Còn chị Minh Tân thì có lẽ cũng sẽ vẫn mải mê công việc và quyết không vào bếp nếu không có một ngày chị nghe bóng gió rằng ở cơ quan anh có một cô gái trẻ. Sáng nào cô ấy cũng dậy sớm nấu nướng, rồi mang đồ đến cơ quan để ăn trưa.

 

Vì là đồng nghiệp cùng phòng nên khi hiểu được tình trạng thèm cơm nấu của anh, cô đồng nghiệp đã cảm thông và sẵn sàng san sẻ một phần thức ăn ngon lành cho anh.

 

Chị Minh Tân còn nghe nói là tình hình càng ngày họ càng thân thiết lắm. Như bị một cú giáng mạnh, chị Minh Tân đã bỏ thời gian ra suy nghĩ rất nhiều rồi cũng đến ngày chị quyết định điều chỉnh lịch làm việc và rụt rè đến trung tâm dạy nghề của Hội LHPN quận Hoàn Kiếm để đăng ký một khóa học nấu ăn.

 

Đến khi này mới biết câu châm ngôn “muốn đến được trái tim của người đàn ông thì phải đi qua cái dạ dày " quả vẫn là lời khuyên răn chí lý cho các bà vợ.

 

Theo Thu Hiền

Phụ nữ Việt Nam