“Em ở nhà đi, anh nuôi”

(Dân trí) - Một tháng trước, tôi nói với vợ một cách nghiêm túc rằng: “Một là em thay đổi, hai là chúng ta ly hôn. Sống thế này sẽ khiến cả hai cảm thấy ngột ngạt, mệt mỏi. Anh sắp không chịu nổi nữa rồi”.

“Em ở nhà đi, anh nuôi” - 1

Ảnh minh họa: Getty Images

Vợ tôi nghe xong liền vừa khóc vừa nói: “Em đã hi sinh sự nghiệp của mình vì anh vì con. Cuối cùng thứ em nhận về là sự phũ phàng như thế này ư? Vì ai mà em trở nên như bây giờ chứ?”.

Ba năm trước, khi đó con trai tôi mới hơn một tuổi. Một dịp con ốm, vợ tôi xin nghỉ làm một tuần liền, cô ấy sau đó bị cắt thi đua, trừ lương, bị sếp quở trách vì không biết cân bằng giữa gia đình và công việc. Nhìn vợ tất bật việc nhà cửa, con cái, việc cơ quan, tôi bảo vợ: “Hay em nghỉ làm đi, ở nhà chăm con, anh nuôi”.

Vợ tôi lúc đó chắc cũng đã quá mệt mỏi và áp lực, nghe tôi nói xong cũng cân nhắc vài ngày rồi quyết định nghỉ việc. Vợ chồng tôi đã có nhà bố mẹ mua sẵn cho, thu nhập của tôi cũng khá cao và ổn định. Nhìn vợ vất vả vậy tôi thật không nỡ. Từ đó tôi chỉ việc đi làm kiếm tiền, mọi việc trong nhà đều do vợ tôi lo.

Sau khi nghỉ việc, vợ tôi dồn toàn tâm toàn ý chăm sóc chồng con. Riêng bản thân tôi thấy cuộc đời như sang trang mới. Cái cảm giác sáng sáng không sấp ngửa phụ vợ cho con ăn hay đưa con đến trường, chiều chiều về, cửa nhà sạch sẽ, con cái thơm tho, bữa cơm đã sẵn sàng, nhiều bữa bạn bè rủ bia bọt cũng có thể ngồi một lúc rồi đủng đỉnh về, thật không có gì thoải mái và tuyệt vời hơn.

Thế nhưng viễn cảnh huy hoàng ấy chẳng tồn tại được bao lâu. Cô ấy bắt đầu than phiền tôi tan sở không lo về phụ cô ấy con cái cửa nhà. Cô ấy bắt đầu mỗi ngày gọi cho tôi đến dăm bảy cuộc điện thoại khi cô ấy rảnh. Cô ấy nhắn tin, lâu không thấy tôi trả lời sẽ giận dỗi. Cô ấy thỉnh thoảng còn săm soi áo quần tôi mỗi khi về muộn, còn lén lút kiểm tra điện thoại, zalo của tôi.

Về ăn mặc, cô ấy bắt đầu buông thả bản thân, không còn quan trọng đầu tóc quần áo nữa. Cô ấy nói: “Mỗi ngày em chỉ từ nhà ra chợ, từ chợ về nhà, từ tầng hai xuống bếp rồi ra phòng khách, vào phòng ngủ, mặc đẹp để làm gì chứ”.

Vợ tôi còn hay than phiền về giá cả, con cái khó ngủ biếng ăn này nọ. Nếu tôi không hăng say tiếp chuyện cô ấy sẽ cho rằng tôi không quan tâm đến gia đình, rằng tôi đã thay đổi.

Sau một thời gian dài, tôi thấy vợ ở nhà thật không ổn nên đề nghị vợ đi làm lại, dù sao con tôi cũng đến tuổi đi trẻ rồi. Nhưng vợ tôi ở nhà thoải mái đã quen, ngại phải cầm hồ sơ đi xin việc. Bố mẹ tôi thấy con dâu còn trẻ, có học hành bằng cấp mà ở nhà nội trợ thì không hài lòng. Nhưng góp ý thì cô ấy giận dỗi: “Là chồng con muốn con nghỉ việc chứ con có đòi nghỉ đâu. Anh ấy đi làm, mỗi ngày chỉ làm tám tiếng, còn con cả ngày không hết việc”.

Tôi hối hận thật sự, đề nghị cô ấy nghỉ việc ở nhà là tôi sai. Tôi nhớ trước đây, khi cô ấy còn đi làm, dù vất vả một chút nhưng ngày nào cũng vui vẻ và sảng khoái. Mỗi bữa cơm tối, cô ấy kể chuyện đồng nghiệp, công việc ở công ty, cũng hào hứng hỏi chuyện của tôi rồi bình luận góp ý. Nhưng bây giờ chúng tôi gần như chẳng còn nói chuyện được với nhau. Chuyện bếp núc thì tôi không am hiểu, chuyện trên mạng xã hội thì tôi không có hứng thú.

Ba năm ở nhà vợ tôi đã thay đổi rất nhiều, không còn là người phụ nữ thông minh đáng yêu cởi mở như xưa nữa. Cô ấy vẫn thông minh, nhưng là trong việc nghĩ cách để kiểm soát chồng, nghĩ ra những lý do để thắc mắc tra hỏi và cả những lý lẽ sắc bén để trách móc chồng nữa. Cho đến một ngày tôi cảm thấy rất ngột ngạt, về nhà không khí nặng nề không thở nổi nữa. Tôi thẳng thắn đề nghị cô ấy nên gửi con đi trẻ và đi làm trở lại.

Vợ tôi đã khóc rất nhiều. Cô ấy nói chính tôi muốn cô ấy nghỉ việc, cho rằng cô ấy vì con mà chấp nhận hi sinh, ăn không dám ăn, mặc không dám mặc. Cô ấy làm gì cũng là vì gia đình nhưng tôi lại chê bai khó chịu. Không phải tôi không biết điều đó, nhưng hiện thực chính là hiện thực, vợ tôi đã thay đổi quá nhiều và cả hai đã không còn ăn ý trong cách nghĩ cách sống nữa.

Cuối cùng, vì tự ái, vợ tôi cũng quyết định đi làm trở lại. Ba năm ở nhà khiến sự bắt đầu có chút khó khăn. Nhưng vốn thông minh, sự tái khởi động này cũng bắt kịp nhịp sống. Hôm qua vợ tôi nói với tôi: “Em thật ngu ngốc khi nghĩ mình có thể ở nhà nội trợ cả đời. Đầu óc em đã có chút trì trệ, tính tình xấu hẳn đi”.

Vậy nên tôi thành thật khuyên chị em phụ nữ, dù có thế nào cũng nhất định phải có con đường riêng của mình, có công việc của mình. Đừng nghe đàn ông dỗ ngọt “em ở nhà đi, anh nuôi” là nghĩ mình có thể sống thoải mái vui vẻ cả đời.

Lúc họ nói là nói thật nhưng rồi mọi thứ sẽ đổi thay theo chiều hướng xấu. Chị em ở nhà nội trợ chăm con kì thực rất vất vả và họ nghĩ “gái có công, chồng chẳng phụ”. Nhưng sự thật, không phải sự hi sinh nào cũng được đền đáp xứng đáng.

Bản thân tôi lúc đầu đề nghị vợ nghỉ việc ở nhà thực tâm xuất phát từ sự xót xa thương vợ thương con, muốn vợ đỡ vất vả, muốn con được chăm sóc chu đáo. Vợ ở nhà, tôi rảnh rang hơn rất nhiều, thậm chí lười biếng đi vì tư tưởng lúc nào cũng nghĩ “vợ ở nhà cả ngày, mọi việc cô ấy sẽ làm hết, đâu cần mình động chân động tay”. Kết quả là vợ tự cảm thấy mình càng ngày càng giống giúp việc trong nhà, còn chồng thì thấy vợ mình ngày càng vô vị.

Sẽ có người nói: Đàn ông các anh thật là tham lam, vừa muốn vợ đi làm, vừa muốn vợ chu toàn việc nhà và con cái. Thật ra thì chúng tôi chỉ cảm thấy hạnh phúc khi vợ mình hạnh phúc, gia đình mình hạnh phúc. Nhưng các bà vợ ở nhà nội trợ, bản thân họ có cảm thấy hạnh phúc hay không? Nếu mình lúc nào cũng cáu bẳn, than trách vì thấy thiệt thòi thì làm sao lan truyền năng lượng hạnh phúc cho gia đình được.

Quang