Em mở quán, chị dâu thường đến lấy đồ thừa và sự thật thắt lòng phía sau
(Dân trí) - Tên tôi là Quỳnh, 28 tuổi, là con một trong gia đình có bố mẹ mở quán bán hàng ăn ở thị trấn. Vì quán lâu đời, vị ngon, giá lại phải chăng nên rất đông khách.
Hai năm trước, tôi gặp chồng mình qua một người bạn giới thiệu. Gia đình anh ở nông thôn thuộc diện có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Bố anh mất sớm, mình mẹ tảo tần nuôi 2 anh em. Trên chồng tôi có một anh trai đã lập gia đình nhưng không khá giả. Chồng tôi công việc chỉ làng nhàng nhưng anh trung thực, tốt tính, là kiểu người mới gặp đã thấy rất thiện cảm.
Mẹ chồng bằng tuổi mẹ tôi nhưng trông bà rất già, nét khắc khổ hằn trên khuôn mặt. Bố mẹ tôi không phản đối tôi kết hôn. Bố mẹ chỉ có mình tôi, họ cũng nói rằng tôi chọn chồng không chọn tiền nên chỉ cần người chồng ấy tốt là được.
Chồng tôi rất chu đáo và độc lập trong công việc, vì khổ từ nhỏ nên anh rất kiên cường trước khó khăn. Sau khi chúng tôi cưới, bố mẹ tôi cảm thấy đã đến lúc cần truyền nghề cho con cái, nên bảo tôi mở thêm quán để tập kinh doanh, sau này quán của bố mẹ và quán tôi gây dựng đều là của vợ chồng tôi hết.
Chồng tôi nấu ăn rất ngon lại chịu được vất vả, anh ấy đồng ý ngay với kế hoạch mở quán. Chúng tôi đã làm việc chăm chỉ, xây dựng quán dựa theo mô hình của bố mẹ và cũng thành công sau 2 năm.
Trong khoảng thời gian này, điều không may đã xảy ra. Anh trai chồng tôi bị tai nạn trên công trường, ngã từ giàn giáo và bị tàn phế, mất khả năng lao động. Dù đã được bồi thường nhưng không còn lại bao nhiêu sau các khoản chi y tế, chăm sóc. Chị dâu một mình gánh vác gia đình khi mẹ chồng đã già yếu.
Hàng tháng chồng tôi lén đưa tiền cho chị dâu, có khi vài ba triệu nhưng sợ tôi phản đối nên không nói thẳng với tôi. Dù có chút chạnh lòng khi chồng làm chuyện đó sau lưng mình, tôi cũng không nói gì, nhìn cảnh chị dâu tôi cũng thấy xót xa.
Để nuôi sống gia đình, chị dâu tăng gia, chăm thêm một đàn lợn, tự tay canh tác đất. Mẹ chồng tôi giúp con dâu chăm sóc con trai để con dâu lao động kiếm sống. Ở quán tôi mỗi ngày đều có rất nhiều đồ ăn thừa khách không ăn hết bỏ lại. Tôi từng bán đồ thừa cho những nông trại ở gần đây, nhưng giờ chị dâu tôi nuôi lợn nên chị ấy xin lại, tôi đồng ý ngay. Thế là mỗi ngày chị dâu đều tới quán tôi lấy thức ăn, đi bộ hết nửa tiếng đồng hồ. Thương chị vất vả, vợ chồng tôi mua cho chị cái xe cũ, mỗi ngày chị chạy xe đến lấy thức ăn về.
Hôm đó trời sắp có cơn mưa, chị vội vàng thu dọn đồ thừa rồi phóng xe đi nên làm rơi áo mưa ở quán. Tôi lo hôm sau chị cần đến áo mưa lại không có để dùng nên vội vàng phi xe theo tính đưa áo mưa trả chị.
Vừa bước tới cổng tôi đã thấy xe chị đậu trong sân. Mẹ chồng tôi với chị dâu đang dỡ đồ ăn thừa, lúi húi lựa đồ trong xô, chọn lấy những phần còn khá nguyên đem lên bếp nấu lại cho nóng rồi đặt lên bàn ăn của cả nhà. Tôi bật khóc, sợ mẹ và chị xấu hổ nên lén bỏ đi.
Về đến nhà, tôi nói với chồng: "Sau này anh hãy đưa thêm tiền cho chị dâu để lo cho cả nhà. Mỗi tháng vợ chồng mình sẽ biếu mẹ và chị 5-7 triệu. Vợ chồng mình chưa giàu có gì nên chưa đưa được nhiều hơn, nhưng mình còn trẻ còn kiếm được tiền, nhà chị dâu sống khổ quá, ít ra hãy giúp đỡ chị ấy qua giai đoạn khó khăn này". Chồng tôi gật đầu, mắt rơm rớm đỏ hoe.
Kể từ đó, mỗi lần nấu ăn tôi đều làm nhiều hơn, phần riêng ra một cái bát lớn. Khi chị dâu đến lấy đồ nuôi lợn, tôi đều mang suất ăn đã phần ra nói hôm nay bán ế, đồ nấu mới nguyên, chị cầm về cả nhà ăn cho nóng. Những lúc như thế chị dâu vui lắm, mẹ chồng tôi cũng vui, bảo tôi là nàng dâu thảo. Tôi ngại khi được khen như vậy, bởi so với lòng hiếu thảo của chị dâu, tôi nào đã là gì.