Đừng làm hỏng con chỉ vì tiền lì xì

Tiền lì xì có tính hai mặt mà nếu không cẩn thận sẽ vô tình làm con cái hiểu sai về giá trị của tiền bạc, lầm tưởng tình yêu thương của mọi người với mệnh giá của đồng tiền.

Đừng làm hỏng con chỉ vì tiền lì xì - 1
 

Xấu hổ vì tiền lì xì

Đã qua hai cái Tết, nhưng chị Thảo Nguyên (Ba Đình, Hà Nội) vẫn không thể nào quên cảm giác tẽn tò, xấu hổ trước một đứa trẻ khi trao tiền lì xì. "Có mỗi 50.000 đồng. Cô lì xì ít thế. Người phố mà ki bo!", đứa trẻ quê mở phong bao và buông ngay một câu nói có phần hỗn láo khiến chị Thảo Nguyên ngỡ ngàng đứng sững không biết nên phải phản ứng ra sao.

Chị Thảo Nguyên cảm thấy mất hết cả tình cảm đẹp. Chị thấy tình cảm chị đặt vào từng cái phong bao được chọn lọc kỹ có ngày rồi cũng bị chưng hửng như thế này. Tìm hiểu chị biết rằng gia đình bé nghèo, bố mẹ đi buôn bán suốt không để ý đến con. Nên với đứa trẻ, sự hào phóng của một con người được đo bằng số tiền trong phong bao lì xì.

Cảm xúc mà chị Thảo Nguyên trải qua không phải là ngoại lệ. Tiền lì xì - một nét trong phong tục tập quán mỗi khi Tết đến Xuân sang vô tình đã trở thành một biểu tượng của sự so bì. Bản chất của lì xì chính là lời chúc may mắn của người lớn đến trẻ con và lời chúc sức khỏe của người trẻ đến người già. Nhưng ngày nay, tục lì xì bị biến tướng, vật chất hóa, khiến không chỉ trẻ em mà nhiều người lớn còn tỏ ra chỉ coi trọng số tiền bên trong chứ không nhớ đến ý nghĩa lì xì nữa.

Ngoài ra nếu không tinh tế và khéo léo, nhiều người còn biến tiền lì xì trở thành một trận chiến hơn thua giữa các đứa trẻ". Trong một số trường hợp, nhất là những gia đình có bố mẹ "làm to", trẻ vô tình trở thành công cụ của người lớn nên dễ mất niềm tin vào người xung quanh. Những trẻ nhạy cảm có thể nhận ra khách tới nhà lì xì để lấy lòng bố mẹ chúng chứ không xuất phát từ tấm lòng. Nhiều đứa trẻ thì nhìn vào tiền lì xì của nhau mà nảy sinh những mâu thuẫn không đáng có.

Đừng làm hỏng con chỉ vì tiền lì xì - 2
 

Kinh nghiệm của cha mẹ ứng xử với tiền lì xì

Chị Ngọc (Bắc Ninh), mẹ của một cậu con trai hiếu động, luôn đòi hỏi mọi thứ, đã phải ra lệnh "giới nghiêm" với con. Vợ chồng chị sắm cho con một con trâu đất vào đầu năm nay để con đựng tiền lì xì và qua đó dạy con tính tiết kiệm. 

"Nếu không quản lý số tiền đó sao cho hợp lý thì con có thể làm mất hoặc khi muốn sử dụng khoản nào đó cho con cũng sẽ gặp khó khăn. Nếu sắm cho con những chú lợn đất, con vừa quản lý được tiền của mình lại biết giá trị của đồng tiền hơn. Từ đó, con sẽ hiểu việc "đút lợn tiết kiệm" mà bố mẹ dạy con mà không ảnh hưởng đến quyền riêng tư của con" - chị Ngọc nói.

Chị Trần Lan Anh (nhân viên kinh doanh, Hà Nội) thì chia sẻ kinh nghiệm. Sau khi giải thích cho con rõ ràng về số tiền con có được, về giá trị của đồng tiền, về các cơ hội cho tương lai... thì con chị đã đồng ý để mẹ thêm thắt vào và mua một gói bảo hiểm để bảo vệ chính các con.

"Tôi nói cho các con biết về ý nghĩa thực sự của việc mừng tuổi, hướng các con đến giá trị tinh thần của phong tục này, đồng thời bảo các con có thể sử dụng tiền đó vào những việc như trích ra mua dụng cụ học tập, hoặc mua một món đồ chơi mà con thích, mua món quà nhỏ tặng người thân nhân dịp sinh nhật. Số tiền còn lại có thể để tiết kiệm qua các kênh như lợn đất, như mua gói bảo hiểm. Qua đó, các con sẽ hiểu ý nghĩa, giá trị thực sự của việc mừng tuổi" - chị Lan Anh cho biết.

Đừng làm hỏng con chỉ vì tiền lì xì - 3
 

Giáo dục con, cha mẹ phải thay đổi trước hết!

Để thấy được nét đẹp của lì xì như bản chất vốn có, người thay đổi trước tiên chính là bố mẹ. Bố mẹ không nên dùng lì xì như phần thưởng cho trẻ nhỏ. Nhiều nghiên cứu tâm lý học chỉ ra phần thưởng vật chất như lì xì chỉ tạo ra động cơ bên ngoài, khiến trẻ "nhập vai" giả tạo để nhận thưởng chứ không thực sự thay đổi từ bên trong.

Để hạn chế sự biến tướng tiêu cực của tục lì xì, phó giáo sư - tiến sĩ tâm lý Trần Thành Nam, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) trả lời trên một trang báo gợi ý người lớn nên mừng tuổi con trẻ bằng hạt giống hoa, sách hoặc thời gian chơi đùa cùng nhau. "Nghiên cứu não bộ chỉ ra phần thưởng bằng tiền chỉ làm sáng một vùng nhỏ trên não còn phần thưởng bằng hoạt động xã hội làm sáng nhiều vùng hơn", ông Nam cho biết.

"Người lớn phải thay đổi trước tiên", thạc sĩ tâm lý Nguyễn Tú An (Hà Nội) cùng quan điểm. Bà nhấn mạnh: "Thay vì chỉ coi trọng số tiền, bạn hãy dạy trẻ ý nghĩa của lì xì. Ngoài ra, cũng nên tập thói quen chu đáo hơn, đừng đưa thẳng tiền mà hãy cẩn thận bỏ vào phong bì đỏ. Như thế, trẻ mới cảm nhận được sự trân trọng".