“Đừng khen con gái tôi xinh”
(Dân trí) - Phụ nữ được khen xinh ai mà không thích. Nhưng đừng nuông chiều, vuốt ve vẻ đẹp của họ quá sớm, nhất là từ khi họ chỉ là những đứa bé con.
Cô bạn tôi chúa ghét người khác khen con cô ấy xinh. Cô ấy thường nói trước với bạn bè và những người thân là đừng khen con bé xinh trước mặt nó. Vẫn có những người không biết ý cô ấy như vậy, nên khi gặp con bé, người ta có thể vì xã giao hay thực lòng khen nó một câu. Cô ấy khi đó, không như những bà mẹ khác, chẳng bao giờ niềm nở, tươi cười đáp lễ. Không ít người cho cô ấy như vậy là có phần chảnh chọe. Bản thân tôi cũng nghĩ, cô ấy cư xử thật khó hiểu, cực đoan.
Cho đến khi tôi cũng trở thành một bà mẹ, của hai cô con gái...
Những ngày đầu tiên khi mang con ra ngoài chơi, gặp gỡ mọi người, ai cũng khen chúng xinh, tôi tự hào lắm. Chứ sao, các con tôi đều thừa hưởng nước da trắng hồng của cha, mái tóc đen dày của mẹ, mắt to tròn xoe, lông mi cong vút. Ở chúng toát lên vẻ khỏe mạnh, bụ bẫm của những đứa trẻ được chăm sóc tốt. Chúng là thành quả của tôi, những lời khen tặng cũng xem như một cách để những vất vả của tôi được vuốt ve, báo đáp. Mọi việc dường như rất tuyệt. Chúng như những con búp bê bé con cho tôi thả sức làm nhà tạo mẫu. Ở nhà tôi cho chúng mặc đồ cotton, quần cộc áo phông tha hồ mát. Mái tóc của chúng tôi có ý định nuôi dài, đang dở dang lởm xởm nên cứ túm tạm một chỏm, chúng cũng chẳng ý kiến gì. Khi đi chơi, tôi sẽ cho chúng diện hơn, váy hoặc đồ kiểu thời trang, tóc bện, kẹp lại bằng nơ các màu. Tôi luôn nhận được những lời nhận xét rằng chúng thật xinh, cứ như công chúa vậy. Chúng chưa đủ lớn để hiểu giá trị những lời khen, chỉ có tôi, mẹ của chúng, là nở hết cả mũi.
Thế rồi một ngày, khi bọn nhóc lớn hơn, tôi bắt đầu thấy không ổn. Hai con nhóc không còn “an phận” theo cách mẹ cho gì mặc nấy nữa. Sáng sáng đi học tôi chết ngất với các yêu sách của chúng rằng tóc của chúng phải được buộc thế này, tết kiểu kia, cho hợp với chiếc váy mà chúng mặc. Con nhóc lớn nhất định yêu cầu nó phải được mặc “xì-líp” chứ không phải quần đùi để kết hợp cùng váy. Đứa nhỏ chỉ chấp nhận mặc lên người nó những thứ màu hồng, đơn giản vì khi ấy nó nghĩ nó là công chúa! Tôi buộc phải chuyển giờ lựa chọn quần áo đi học sang tối ngày hôm trước. Song chuyện chưa hẳn đã êm, sẽ rất khổ sở để thuyết phục chúng nếu chẳng may có một món đồ nào chúng chọn còn đang ẩm ướt trên dây phơi. Thẩm mỹ của trẻ con còn nhiều điểm rất... trục trặc, không ít lần tôi buộc phải mặc quần soóc ra ngoài quần dài cho con giữa ngày trời lạnh, chỉ vì nó nhất định là phải mặc cái quần “mô-đen” đó, bất chấp người khác chỉ diện thế cho ngày hè.
Mái tóc ngày nào tôi quyết định nuôi cho hai đứa giờ đã dài óng ả. Đi đâu chúng cũng được khen. Mọi người thậm chí còn nói với chúng rằng mái tóc này thật quý giá, rồi dặn dò chúng rằng đừng có bao giờ cắt tóc đi. Tôi không mất nhiều thời gian mới nhận ra mình... chết dở. Hè đến, tóc đứa nào cũng dài, mồ hôi mướt mát, nhưng khi tôi thuyết phục các con cắt tóc, chúng nhất định không. Tôi đã cố giải thích với chúng rằng để tóc dài vào mùa hè như vậy rất nóng, ra nhiều mồ hôi và có thể còn có chấy, một người nên thay đổi nhiều kiểu tóc cho mình mới mẻ hơn... Nhưng chúng nhất định không nghe, vì chúng tin mình đã “đóng đinh” với kiểu tóc dài.
Cho đến khi phải lừa cả hai đứa ra tiệm cắt phăng mái tóc rồi nhìn chúng nước mắt ngắn dài không chấp nhận kiểu đầu mới “không xinh”, tôi mới thấy hết sự phiền nhiễu của những lời khen về nhan sắc quá sớm dành cho đám con gái. Các con tôi đang trở nên thế nào? Chúng ý thức quá sớm về thời trang, ngoại hình mà quên đi những giá trị khác như biết vâng lời, cảm thông, chăm ngoan, có tấm lòng nhân ái... Một điều rõ ràng nhận thấy là chúng thiếu nhạy cảm với những vất vả của mẹ trong việc chăm sóc mình, chỉ biết mè nheo, quan tâm quá nhiều đến hình thức.
Tôi nhớ đến cô bạn không muốn ai khen con cô ấy xinh ngày nào. Có lẽ cô ấy đúng. Sớm muộn gì bọn con gái cũng sẽ để ý và biết làm đẹp mà thôi, nhưng để đến ngày đó, nên giáo dục cho chúng biết đề cao nhiều giá trị khác. Thật may là tôi đã nhận ra khi còn chưa quá muộn, vẫn còn có thời gian để thay đổi, trước khi các con bước vào tuổi ô mai.
Hạ Thủy