Đánh ghen là chuyện của người lớn, đừng bắt trẻ con phải chứng kiến
(Dân trí) - Trong không ít clip đánh ghen lan truyền mạng xã hội gần đây, người ta thấy bóng dáng của những đứa trẻ cùng tiếng khóc xé lòng khi chứng kiến bố mẹ đánh chửi, mạt sát nhau.
Những đứa trẻ phải chứng kiến cảnh bố mẹ ngoại tình
Mới đây, mạng xã hội lại dậy sóng với một đoạn clip được cho là liên quan đến chuyện chồng bị vợ cắm sừng. Đoạn clip dài hơn 3 phút cho thấy người đàn ông giận dữ vì vợ ngoại tình, tình nhân vẫn ngồi ở đó, trước cửa một ngôi nhà được cho là ở trong một dãy nhà trọ. Đáng chú ý là, trong cảnh nặng lời buộc tội nhau của người lớn, có cả sự xuất hiện của đứa con trai 5 tuổi. Dáng vẻ em bé rất buồn phiền, và một lúc sau thì đòi mẹ bế.
Trước cơn phẫn nộ của người lớn, bé trai có lúc gào khóc sợ hãi khiến nhiều người không khỏi xót xa.
Cách đây chưa lâu cư dân mạng cũng đã truyền nhau một đoạn clip được cho là liên quan tới một người mẹ bế con nhỏ đến tận phòng trọ của người thứ ba để tìm chồng.
Bế con trên tay đối diện với chồng và nhân tình, cô vợ nghẹn giọng hỏi: "Anh có nhận ra tôi là ai không? Anh có nhận ra đứa trẻ này là ai không? Anh có nhận ra chúng tôi không?". Thấy vợ bế con đến bắt tận nơi, người chồng vẫn cứng giọng: "Anh sai rồi, được chưa?" trong khi người vợ tiếp tục nói chuyện mình đã phải vất vả chăm con thế nào còn chồng thì rảnh tay ra ngoài đi với gái.
Nhiều người tỏ ra cảm thông với cô vợ, nhưng ở cương vị người làm mẹ, họ không thể đồng tình khi cô bế con nhỏ đi đánh ghen như vậy.
Điều khiến người ta ám ảnh nhất ở các clip "tố" chồng/ vợ ngoại tình không phải sự phẫn uất của người bị cắm sừng, mà lại là đôi mắt hoang mang, tiếng khóc xé lòng của những đứa trẻ khi phải chứng kiến bố mẹ mạt sát nhau.
Vết thương tâm lý kéo dài
Chuyên gia Tâm Lý Lê Văn Thắng (Giám đốc trung tâm tư vấn, trị liệu tâm lý 247) cho rằng: "Chứng kiến bố mẹ như vậy, ở tuổi nhỏ các cháu chưa biết được điều đúng sai nhưng lại cảm nhận mọi thứ rất tốt, nên tâm lý sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và ảnh hưởng đến cả quá trình dài của sự phát triển của cháu sau này".
Tâm lý sợ hãi, xấu hổ sẽ khiến các bé tự ti khép mình với thế giới bên ngoài. Đó là một trong những ảnh hưởng lớn nhất mà các bé gặp phải. Khi các bé tự ti sẽ hạn chế việc chơi với bạn bè, dẫn tới kém giao tiếp, khó mở lòng để khám phá cái mới, cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển tự nhiên. Nếu tình trạng kéo dài có thể dẫn tới trầm cảm và nhiều hệ lụy khác.
"Khi trưởng thành các cháu bé có xu hướng sợ hãi khi phải bước vào cuộc sống hôn nhân. Theo thống kê hồ sơ tư vấn 10 năm qua tại Trung tâm tư vấn, trị liệu tâm lý 247, tỷ lệ các bạn trẻ có bố mẹ không hạnh phúc, không muốn kết hôn chiếm đến 60%. Trong đó có 10 % khẳng định sẽ không lập gia đình", chuyên gia Lê Văn Thắng chia sẻ.
Chuyên gia cũng cho biết thêm, một ảnh hưởng lớn khi những cháu bé chứng kiến cảnh tượng bố mẹ bắt ghen nhiều lần sẽ dẫn tới có xu hướng bắt chước những lời nói chỉ trích người khác và hành động bạo lực. Trước tiên là xấu tính, cục tính và dần dần sẽ là "phiên bản nâng cấp" cao hơn của bố mẹ mình. Điều đó cũng là nguyên nhân cho một cuộc hôn nhân không hạnh phúc sau này của cháu bé.
Vô tình để con thấy cảnh bắt ghen, bố mẹ nên làm gì?
Theo chuyên gia Lê Văn Thắng, việc chủ động đưa con đi bắt ghen là hoàn toàn sai và hành động này của bố mẹ là không thể chấp nhận. Nhưng trong trường hợp con cái vô tình phải rơi vào cảnh ghen tuông của bố mẹ thì cần có cách xử lý khéo léo để không ảnh hưởng tới tâm lý con.
"Trước tiên bố mẹ cần ý thức được rõ sự ảnh hưởng to lớn của môi trường dành cho con mình trong quá trình phát triển. Mọi hình ảnh, âm thanh lời nói đều lưu trữ trong tâm trí con mình để hình thành nên nhân cách của con mình.
Trong tình huống vô tình như tình huống người bố trên đưa con đi đón mẹ bắt gặp cảnh tượng đau lòng thì người bố nên trấn tĩnh và nói với con là: "Bố có công việc đột xuất phải đi luôn, giờ bố nhờ người đưa con về nhà trước nhé". Sau đó gọi điện nhờ người thân qua đón con, tách con khỏi tình cảnh này.
Thực tế khi xem và nghe trong video chúng ta biết người bố đến phòng trọ thấy có 2 đôi dép và cửa đóng, hình dung ra họ ở trong đó rồi nên hoàn toàn có thể xử lý tách ly con mình khỏi môi trường này để tự giải quyết người lớn với nhau.
Trong gia đình bố mẹ không hạnh phúc thì tội nghiệp nhất vẫn là những cháu bé. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, có đau lòng và phẫn uất đến mấy cũng rất mong những bậc làm cha, làm mẹ đủ tỉnh táo để bảo vệ con trẻ. Vết thương da thịt có thể lành, nhưng với con trẻ, vết thương tâm lý sẽ đeo bám cả cuộc đời", chuyên gia nhận định.