Dành cho cha mẹ bận rộn

(Dân trí) - Có một số nguyên tắc có thể giúp bạn dù ngập đầu trong công việc vẫn có thể nuôi dạy em bé tốt.

1. Không về nhà với cái bụng quá đói

 

Cái đói cồn cào, đặc biệt là sau một ngày làm việc chăm chỉ sẽ làm bất cứ ai cũng trở nên cáu kỉnh và mất kiên nhẫn. Vì vậy, trước khi dời công sở về nhà, hãy ăn chút gì  lót dạ hoặc ít nhất là uống một tách trà đường. Bé sẽ cảm nhận được sự dễ chịu và vẻ phấn chấn của mẹ khi bạn bước vào nhà.

 

2. Không để bị quá tải bởi công việc

 

Hoạt động quá mức về thể chất và tâm thần sẽ làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp và kết quả là sức khỏe của bạn bị ảnh hưởng tiêu cực và bạn trở nên cáu kỉnh.

 

Về nhà trong trạng thái như vậy, bạn không thể kiềm chế cảm xúc của mình trước sự nghịch ngợm, không nghe lời của con cái.

 

Một đứa trẻ sẽ không thể hiểu được tại sao mẹ nó lại cáu kỉnh đến vậy nhưng chúng sẽ cảm nhận rằng người gần gũi nhất không còn cần chúng nữa. Vì vậy đừng để bị quá tải nơi công sở và khi về nhà, hãy cố gắng vứt bỏ mọi việc ra khỏi đầu.

 

3. Đừng để trẻ nghĩ công việc của bạn quan trọng hơn

 

Một đứa trẻ luôn tin chắc rằng nó là người quan trọng nhất đối với cha mẹ trên thế giới này. Trẻ biết công việc của bố mẹ rất cần thiết và rất thú vị nhưng trong trái tim của cha mẹ chỉ có bé mà thôi.

 

Bạn thích thú với công việc nhưng cũng yêu các con. Hãy biết chọn ra thứ nào đáng được ưu tiên hơn cả nhé.

 

4. Cho bé biết điều gì là quan trọng nhất đối với bạn hiện tại

 

Nguyên tắc này liên quan mật thiết với phụ nữ. Bạn nghĩ như thế nào khi nói với con rằng mẹ đang bận nấu nướng, con đi ra chỗ khác chơi đi?

 

Thật ra là bạn sợ bé làm rối tung mọi việc của bạn, sợ bé bị tai nạn trong khu vực bếp bừa bộn mà bạn thì đang quá bận rộn.

 

Nhưng tiếc là khi nói như vậy, vô tình bạn đã khắc sâu vào tâm trí của trẻ rằng: chúng không nên làm phiền mẹ, khi mà mẹ đang bận với “một việc quan trọng” như làm cá hay nhặt rau và nếu mẹ đang đun nấu thì tốt nhất là hãy tránh thật xa, coi như mẹ không tồn tại trên đời.

 

Vậy nên, thay vì nói rằng con đi ra chỗ khác chơi, hãy giao cho bé làm một việc gì đó, để bé tự hào về khả năng của mình và cảm thấy đã giúp mẹ được một việc quan trọng.

 

5. Bình đẳng

 

Không được đối xử phân biệt với trẻ, không cho trẻ bén mảng vào những công việc có vẻ dơ bẩn. Tại sao trẻ không thể lại gần thùng rác? Đó là vì mệnh lệnh của bạn.

 

Bạn là người lớn và tất nhiên bạn biết tại sao bạn lại làm việc này, việc kia. Nhưng nếu bạn muốn bé tự tin, không hút nhát như nhiều trẻ khác thì hãy khuyến khích trẻ giúp bạn để bé cảm nhận được rằng mình cũng thông minh và khéo léo như bố mẹ đấy chứ.

 

6. Đưa trẻ đi chơi

 

Nếu công việc có ý nghĩ rất quan trọng đối với cuộc sống của bạn thì tốt hơn là không nên lập gia đình làm gì. Nhưng nếu bạn muốn có một đứa trẻ, hãy để bé là điều quan trọng nhất đối với bạn.

 

Đừng từ chối đưa trẻ tới công viên, sở thú vì chính bạn cũng được thư giãn trong hoạt động này mà.

 

Có một đứa trẻ trong nhà, đó là quyết định của bạn chứ không phải của bé vì thế bạn phải chịu trách nhiệm về điều này. Hãy biết kết hợp nghỉ ngơi cá nhân với việc đem lại niềm vui cho bé. Khi lên kế hoạch cho gia đình, hãy nghĩ đến bé đầu tiên nhé.

 

7. Lắng nghe chăm chú

 

Trong khi trò chuyện với con, hãy chú ý từng từ của bé, chú ý ngữ điệu và trẻ sẽ cảm thấy rằng câu chuyện của bé quan trọng đối với mẹ như thế nào.

 

Đừng đánh giá hành động của trẻ mà hãy cố gắng hiểu bé. Đây là cách cơ bản để tạo ra sự tin tưởng lẫn nhau giữa cha mẹ và con cái.

 

Dù bận rộn với công việc đến mấy, hãy nhớ, bạn còn có gia đình. Mỗi ngày hãy dành ra chút ít thời gian để trò chuyện với con.

 

Lợi ích của việc trò chuyện không chỉ tính bằng lượng thời gian mà bạn dành cho bé mà còn bằng sự hình thành những tính cách quan trọng đối với bé như sự quan tâm, lòng kính trọng và thấu hiểu.

 

8. Đừng ngại tham khảo ý kiến con trẻ

 

Hãy trò chuyện với trẻ về công việc của bạn, chia sẻ những suy nghĩ và cảm xúc của bạn về công việc. Đây là cách rất tốt giúp bé cởi mở. Đừng ngại nói cho bé biết những điểm yếu và những vấn đề bạn gặp phải trong công việc, hãy giải thích với bé rằng bạn tin tưởng bé và muốn được chia sẻ với bé.

 

Sẽ tốt hơn nếu bạn đề nghị bé đưa ra ra ý kiến và lắng nghe bé nói. Bằng cách này, bạn sẽ dạy bé cách trình bày rõ ràng quan điểm của riêng mình.

 

9. Đừng chỉ trích bé những việc liên quan đến tiền bạc

 

Không bao giờ được nói với con bất cứ một từ nào thậm chí kể cả bóng gió về sự phụ thuộc của bé vào mẹ. Vâng, đúng là bé chưa thể kiếm tiền nhưng là vì bé vẫn còn nhỏ mà.

 

Và thời gian sẽ làm thay đổi mọi thứ, bạn sẽ già đi và phụ thuộc vào bé. Đừng tạo thành tiền lệ và rồi bạn sẽ phải hổ thẹn khi về già đấy.

 

Uyên Phương

Theo Womanpassions 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm